Khánh thành dự án điện gió trên đất liền lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án điện gió trên đất liền lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được khánh thành tại Bạc Liêu. Chiều cao cột điện gió và độ sải cánh cũng thuộc loại 'khủng' nhất hiện nay.
Chiều 29-4, Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings (chủ đầu tư) phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu khánh thành dự án điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) tại xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu.
Dự án có công suất 80MW, đã hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia từ tháng 10-2021, đóng góp khoảng 80 tỉ đồng/năm vào ngân sách tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết đây là dự án điện gió trên đất liền lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là dự án có chiều cao cột điện gió (140m), sải cánh (76m), "khủng" nhất trong các dự án điện gió tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Theo ông Thiều, kể từ ngày khởi công dự án điện gió đầu tiên vào tháng 10-2010 đến năm 2020, tỉnh chỉ có 62 trụ tuabin gió đưa vào vận hành với công suất 99,2 MW.
Tuy nhiên chỉ trong vòng hai năm 2020 và 2021, các chủ đầu tư đã lắp đặt thêm được 100 trụ tuabin cả trên biển lẫn đất liền, với tổng công suất 370MW hòa vào lưới điện quốc gia (tính đến nay tỉnh đã có tổng cộng 8 dự án điện gió với tổng công suất gần 500MW).
Về quy mô công suất từng trụ tuabin, nếu như giai đoạn đầu chỉ có công suất 1,6 MW mỗi trụ thì về sau các tuabin có quy mô càng lớn hơn (hơn 4MW mỗi trụ), cùng với công nghệ hiện đại hơn, đạt chuẩn tương đương thế giới.
"Cả trong hiện tại và tương lai, các dự án điện gió cùng với dự án nhiệt điện khí LNG 3.200 MW (đang trong quá trình đầu tư tại Bạc Liêu) sẽ đóng vai trò rất lớn, là 1 trong 5 trụ cột phát triển của Bạc Liêu, đúng theo tinh thần nghị quyết 36 của trung ương về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045" và mới đây nhất là nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045", ông Thiều nói.
Những dự án điện gió liên tiếp được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại, dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 4 tỉ USD cũng đang triển khai, Bạc Liêu hướng đến là trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.