Khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 13 năm khởi công

Chia sẻ Facebook
27/04/2022 10:36:50

Ngày 27-4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công và nhiều lần phải tạm dừng vì nhiều lý do. Tuyến đường đưa vào sử dụng dịp lễ 30-4 sẽ giúp đường về miền Tây bớt kẹt xe.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe ngày 27-4, bắt đầu cho xe chạy vào từ ngày 30-4 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) cho biết hiện các hạng mục nền mặt đường tuyến chính, tuyến nối đã hoàn thành. Các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến chính, tuyến nối, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS)… đã được nghiệm thu.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho phép lưu thông hai chiều trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tại km49+620 đến nút giao với quốc lộ 30 tại km101+126 và các đường nối ra quốc lộ 1 tại thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè).

Trước đó, từ 0h ngày 25-1 đến 24h ngày 10-2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho xe chạy, phục vụ người dân lưu thông trong 15 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Video xe chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Theo đại diện chủ đầu tư, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào chạy 2 chiều từ 7h30 ngày 30-4, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h.

Sở dĩ có việc dự kiến chạy trong 60 ngày là vì đây được xem là thời gian để công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào tháng 11-2009, do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ban đầu, dự án có quy mô mặt đường rộng 25,5 - 26,5m cho 4 làn xe chạy với vận tốc 120 km/h và có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành vào quý 2-2013.

Tuy nhiên đến năm 2015 dự án vẫn không thể tiếp tục triển khai và cũng trong năm này dự án được tái khởi động bởi liên danh 6 nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành vào quý 2-2020.


Lúc này dự án được thực hiện theo hình thức BOT, vốn đầu tư được điều chỉnh xuống 14.678 tỉ đồng. Đến năm 2017, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh giảm còn 9.668 tỉ đồng.

Kéo dài trì trệ nhiều năm, đến tháng 3-2019, khối lượng công việc lúc này mới chỉ được khoảng 10%. Để đẩy nhanh tiến độ, Thường trực Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay cho Bộ Giao thông vận tải.


Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời chủ trì giải quyết những tồn đọng và chịu trách nhiệm thi công dự án.

Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lúc này được điều chỉnh tăng lên 12.668 tỉ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, còn lại là vốn BOT.

Sơ đồ tuyến cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận - Ảnh chụp lại: MẬU TRƯỜNG

Lãnh đạo Trung ương, địa phương cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chính thức thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Điểm tiếp giáp giữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Điểm tiếp giáp giữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Sau khi đưa vào hoạt động trong các ngày nghỉ Tết vừa qua, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tạm đóng cửa để chuẩn bị tốt hơn cho đợt thông xe chính thức vào cuối tháng 3-2022.

Chia sẻ Facebook