Khánh Hòa xúc tiến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông thủy sản với Ấn Độ
Các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ đã giới thiệu, tìm hiểu các sản phẩm nông, thủy sản của 2 bên để tìm cơ hội hợp tác, phát triển.
Cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ
Chiều 16/12, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Xúc tiến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông thủy sản Khánh Hòa và Ấn Độ”.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Khánh Hòa và trực tuyến tại Ấn Độ. Chương trình có sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong lĩnh vực thương mại hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu.
Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, thương mại song phương đã tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 10 tỷ USD; năm 2022 ước đạt 15 tỷ USD.
Tỉnh Khánh Hòa có những điều kiện thuận lợi và lợi thế như nằm ở vị trí cận giáp biển, có đường bờ biển chạy dọc phía Đông, có cảng nước sâu lớn như cảng Vân Phong, Cam Ranh.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt là tài nguyên biển có nhiều loại hải sản có thể khai khác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với khối lượng lớn.
Cùng với đó, là các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thông qua.
“Hội nghị là sự kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ, nhằm mục tiêu tăng cường các hoạt động liên kết giữa các đơn vị, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trao đổi thông tin, hợp tác tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp Khánh Hòa và Ấn Độ.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, xúc tiến thương mại phát triển các sản phẩm đặc trưng phát huy thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ”, ông Hoàng nói.
Cũng tại hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết hội nghị có ý nghĩa trong việc xúc tiến hợp tác về chế biến, tiêu thụ nông thủy sản giữa Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa.
Ông khẳng định, đây là cơ hội quan trọng để mở ra mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của 2 bên. Trong thời gian tới, cần có những cuộc họp để thúc đẩy hợp tác những bước kế tiếp.
Đồng thời, ông mong muốn tỉnh Khánh Hòa quan tâm, phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Ấn Độ để xây dựng kênh giao dịch dùng cho doanh nghiệp 2 bên về quảng bá và giới thiệu sản phẩm, các dự án đầu tư, nhất là các sản phẩm nông sản, thủy sản…
Tiềm năng, thế mạnh về nông, thủy sản của hai bên
Tại hội nghị, bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương đã giới thiệu các đại biểu cũng như các đơn vị, doanh nghiệp Ấn Độ về hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh Khánh Hòa.
Bà Cúc cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sang thị trường Ấn Độ trong 3 năm từ 2019 – 2021 đạt 5,06 triệu USD; trong đó chủ yếu là thủy sản, các loại vải.
Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ trong 3 năm nói trên đạt 35,4 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên liệu thủy sản; còn lại là vải, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị và hàng hóa khác.
“Có thể thấy, xuất khẩu cũng như nhập khẩu của tỉnh Khánh Hòa đối với Ấn Độ chưa nhiều trong thời gian qua. Do đó, tỉnh Khánh Hòa mở rộng kết nối với Ấn Độ là một trong những nước có thị trường rộng lớn và dân số đông với mục đích để 2 bên có cơ hội tiếp cận, phát triển hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của nhau”, bà Cúc cho biết.
Theo bà Cúc, tháng 9/2022, đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa cũng đã đi nghiên cứu thị trường Ấn Độ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác làm ăn giữa 2 bên. Và hội nghị này là lần thứ 2 tổ chức xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu.
Từ đó, kêu gọi các nhà đầu tư Ấn Độ sang Khánh Hòa tìm hiểu cơ hội, thị trường để chế biến, xuất khẩu các sản phẩm sang Ấn Độ, cũng như nhập các sản phẩm của Ấn độ về tỉnh Khánh Hòa.
Thông tin về tình hình sản xuất, chế biến nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh, bà Cúc cho biết về nông sản tỉnh này có xoài, bưởi da xanh, sầu riêng…
Trong đó, xoài và bưởi da xanh đã xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ; còn sầu riêng xuất khẩu mạnh nhất sang Trung Quốc, một số xuất khẩu sang các nước châu Âu. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Ấn Độ quan tâm một số mặt hàng nông sản của tỉnh để hợp tác, kết nối, phát triển sản phẩm.
Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng trên địa bàn tỉnh đạt 3.386 ha, trong đó có tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển và các loại thủy sản khác. Thủy sản thu hoạch đến nay là 12.476 tấn. Ngoài ra, Khánh Hòa có các sản phẩm uy tín đạt thương hiệu trên thị trường để xuất khẩu sang các nước.
“Tôi mong các doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm các sản phẩm của 2 bên để tìm kiếm thị trường, phát triển kinh doanh. Trong đó có 2 mặt hàng đang phát triển và nổi tiếng của tỉnh là rong nho và yến sào”, bà Cúc nói.
Về phía Ấn Độ, bà Vinita Sudhanshu, Phó Tổng giám đốc Cơ quan phát triển xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến (APEDA) cũng đã giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của Ấn Độ như ngũ cốc, rau hữu cơ, gạo, thịt trâu, thức ăn chăn nuôi…
Ngoài ra, bà còn chia sẻ về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và quy trình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm xuất khẩu; công nghệ bảo quản các sản phẩm trong quá trình vận chuyển; chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực cho người nông dân để sản xuất các loại nông sản chất lượng…
Trong khi đó, ông Karthikeyan, Giám đốc Cục xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đã giới thiệu về tình hình xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ từ các sản phẩm thô đến chế biến, đánh bắt đến nuôi trồng... để các đơn vị, doanh nghiệp Khánh Hòa nắm rõ thông tin.
Sau khi trao đổi các thế mạnh, tiềm năng của 2 bên, hội nghị đã tổ chức kết nối trực tuyến cho doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ để tìm cơ hội hợp tác.
Châu Tường