Khánh Hòa và Ấn Độ tìm điểm chung phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Khánh Hòa và Ấn Độ tìm điểm chung phát triển du lịch văn hóa tâm linh Chủ nhật, 19/06/2022 | 19:43
Hợp tác phát triển du lịch tâm linh giữa Khánh Hòa và Ấn Độ
Ngày 19/6, tại Tp.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh ở Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ”.
Đây là một hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Ấn Độ (1972-2022). Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người làm công tác văn hóa, các hòa thượng, thượng tọa, đại đức…
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết hội thảo là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để các đại biểu tìm hiểu về du lịch văn hóa tâm linh đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm và phát triển.
“Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia Ấn Độ cung cấp những thông tin về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đất nước Ấn Độ - Trung tâm Phật giáo của thế giới; đất nước giàu tiềm năng văn hóa vật thể và phi vật thể được nhiều nước trên thế giới biết đến.
Đồng thời, làm rõ hơn những tiềm năng, giá trị văn hóa du lịch tâm linh của tỉnh Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ. Qua đó, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, nhất là văn hóa du lịch tâm linh giữa 2 nước Việt Nam - Ấn Độ. Từng bước xây dựng và phát triển tiềm năng con đường di sản văn hóa miền Trung – Khánh Hòa điểm đến - kết nối với thế giới cần đánh thức” – ông Hoàng nói.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng phục hồi và phát triển du lịch trong thời điểm này là một bước tiến quan trọng vì thế giới đang bước ra khỏi đại dịch Covid-19 .
Theo ông Pranay Verma, 2 quốc gia Ấn Độ - Việt Nam đang dần bước ra khỏi tác động của Covid-19. Vì vậy, cần hợp tác để phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong đó phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.
Hiện nay, việc phục hồi và phát triển du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, du khách, đại lý du lịch, lữ hành… Cả 2 nước đang tiến hành nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá đẩy mạnh du lịch. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của 2 nước, trong đó Việt Nam là đất nước hiện đang nổi lên với nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn cho khách quốc tế; cả 2 nước Ấn Độ - Việt Nam đã có mối giao kết, có các đường bay thẳng là tiền đề thuận lợi cho việc xúc tiến, quảng bá, du lịch.
“Ấn Độ cũng mong đợi và mời gọi du khách Việt Nam đến đất nước của chúng tôi với mảng du lịch tâm linh, trong đó có 4 địa điểm nổi tiếng về cuộc đời của đức Phật. Trong khi đó, văn hóa Champa ở Việt Nam gần gũi, có nhiều nét đặc sắc thu hút sự quan tâm của người dân Ấn Độ. Từ đó, tạo sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa 2 nước” - ông Pranay Verma nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch danh dự Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh Khánh Hòa cho biết hội thảo tập trung vào việc khai thác, giới thiệu các nội dung như tổng quan di sản văn hóa Khánh Hòa với phát triển du lịch tâm linh Khánh Hòa - Ấn Độ; tính tương đồng trong văn hóa Phật giáo Ấn Độ -Việt Nam. Du lịch văn hóa tâm linh - tiềm năng con đường di sản văn hóa miền Trung – Khánh Hòa kết nối với thế giới cần đánh thức.
Đặc biệt, hội thảo có phần trình bày của chuyên gia Ấn Độ giới thiệu các tiềm năng – điểm đến văn hóa du lịch tâm linh Ấn Độ.
Tiềm năng giá trị di sản văn hóa của Khánh Hòa
Tại hội thảo, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh này có nhiều tài nguyên thiên nhiên (giá trị vật chất) và tài nguyên nhân văn (giá trị tinh thần).
Tỉnh Khánh Hòa nằm ở đoạn cuối của gờ núi nam Trường Sơn, do vậy cấu trúc địa bàn của tỉnh chủ yếu là dạng địa hình miền núi, bán sơn địa. Núi bao bọc 3 phía tạo thành một vòng cung lớn, lồi về phía tây, lõm về phía đông, ôm lấy 2 cánh đồng duyên hải nhỏ hẹp, núi non chiếm trên 70% diện tích.
Núi non Khánh Hòa có những dạng địa hình độc đáo, kiến tạo nên Đá Chồng, Hòn Chồng, Bàn Cờ Tiên, Chân Tiên… và rất nhiều khối đá với nhiều hình dáng phong phú, đa dạng tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhất là du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chữa bệnh… Rừng Khánh Hòa có nhiều loại gỗ quý, trong đó có cây dó bầu tự nhiên cho sản vật độc đáo là trầm hương, trở thành sản phẩm tâm linh được mọi người yêu thích.
Bên cạnh đó, tỉnh này có nhiều địa danh nổi tiếng gắn với truyền thuyết về bà Thiên Y A Na và tên tuổi nhà bác học A.Yersin như Hòn Bà, suối Tiên, suối Đổ, suối Nước nóng, Yang Bay, thác Tà Gụ… Tỉnh Khánh Hòa có các làng nghề truyền thống như nghề đúc đồng, nghề làm nón… tạo nên những sản phẩm được du khách nước ngoài yêu thích. Và nét văn hóa ẩm thực đặc sắc như nghề làm nem Ninh Hòa, bánh ướt Diên Khánh…
Cùng với đó, tài nguyên văn hóa biển đảo tỉnh này cũng rất phong phú với đường bờ biển kéo dài 385km, có nhiều cửa lạch, đầm, vịnh cùng với 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa.
Còn về văn hóa tâm linh, tỉnh Khánh Hòa hiện nay có gần 100 lễ hội tiêu biểu, các nghi lễ tôn giáo, lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội yến sào, di sản văn hóa tâm linh của các dân tộc thiểu số Raglai, Ê đê...…
“Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng giá trị di sản văn hóa tâm linh vô cùng đa dạng và phong phú được chia thành 3 không gian văn hóa tâm linh gồm tài nguyên giá trị văn hóa núi rừng, tài nguyên giá trị văn hóa đồng bằng và tài nguyên giá trị văn hóa biển đảo” – ông Hoa nói.
Nét tương đồng giữa văn hóa Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam
Trình bày tham luận “Phật giáo Ấn Độ truyền thừa đến Việt Nam và dung hòa với văn hóa tín ngưỡng dân gian bản địa”, Thượng tọa Thích Huệ Pháp, Ủy viên Ban thường vụ Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh Khánh Hòa nêu rõ Phật giáo là một tôn giáo lớn, một hệ tư tưởng triết học sâu sắc và có tính hệ thống. Song, Phật giáo cũng rất gần gũi, có phần bình dân, phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hóa của người Việt Nam.
Trong lịch sử phát triển của đất nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có vai trò quan trọng không chỉ trong đường lối đối nội, đối ngoại của nhiều triều đại phong kiến mà còn tạo ra cho người Việt một đời sống tâm linh sâu sắc và hướng thiện. Đồng thời, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Phật tử và người dân góp phần điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuẩn mực của đạo đức truyền thống.
Còn Đại đức Thích Hiền Đăng, Tiến sĩ Phật học tại Trường Acharya Nagarjuna University, Ấn Độ với bài tham luận “Văn hóa Phật giáo Ấn độ trong việc du lịch tâm linh hiện nay” cũng nhận định văn hóa Phật giáo Ấn Độ mà cụ thể là những kiến trúc Phật giáo đã đóng góp một giá trị tâm linh tôn giáo lớn cho Ấn Độ nói chung và toàn cầu nói riêng.
“Những kiến trúc Phật giáo đóng góp vai trò lớn trong việc phát triển du lịch tâm linh giữa 2 nước Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa là một vùng đất có tiềm năng về du lịch tâm linh như du lịch văn hóa với di tích khảo cổ, du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh…. Tỉnh đã có những bước hợp tác, phát triển du lịch với Ấn Độ về mặt du lịch tâm linh”, Đại đức Thích Hiền Đăng cho biết.
Bên cạnh đó, tại hội thảo các chuyên gia Ấn Độ cũng đã giới thiệu du lịch văn hóa tâm linh ở Ấn Độ, tính tương đồng trong văn hóa Phật giáo Ấn Độ - Việt Nam; giao lưu văn hóa Ấn Độ - Khánh Hòa… để các đại biểu hiểu rõ hơn về những nét đặc trưng của văn hóa Ấn Độ, tiềm năng hợp tác du lịch tâm linh giữa Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã được tìm hiểu về tính giao thoa văn hóa Champa - Ấn Độ trên đất Khánh Hòa, giá trị văn hóa truyền thống tác động đến sự phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa hiện nay, văn hóa Phật giáo Việt Nam trong việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa… và thảo luận các vấn đề liên quan.
Châu Tường