Khánh Hòa: Nông dân trồng táo sạch đạt năng suất cao nhờ nhà lưới
Nông dân trồng táo ở xã Cam Thành Nam, Tp.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng mô hình trồng táo bao phủ lưới để chống ruồi vàng nhằm nâng cao chất lượng quả táo.
Tìm cách chống ruồi vàng gây hại quả táo
Ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam cho biết, cây táo được nông dân địa phương trồng từ năm 2004. Giai đoạn 2007 - 2008 là thời kỳ cây táo phát triển và cho giá trị kinh tế cao đối với nông dân ở đây, vì vậy, diện tích trồng táo được mở rộng. Không chỉ người dân ở địa phương trồng mà còn có nhiều người ở nơi khác cũng vào xã Cam Thành Nam để thuê đất trồng táo.
“Lúc đó, cây táo phát triển mạnh, ít sâu bệnh lại cho giá trị kinh tế cao nên rất nhiều nông dân trồng. Tuy nhiên, sau đó nhiều người phá sản cũng vì cây táo. Nguyên nhân là do tình trạng ruồi vàng làm hại quả xảy ra khắp vùng trồng táo. Đến cả thuốc hóa học phun trắng trời cũng không ăn thua gì với ruồi vàng, hình như loài này nhờn với thuốc bảo vệ thực vật”– ông Cường cho biết.
Việc trồng táo gặp khó khăn vì sâu bệnh, nhất là khi bị ruồi vàng đục quả, đầu ra sản phẩm không nhiều nên nhiều người nông dân phá bỏ cây trồng này. Do đó, diện tích trồng táo thu hẹp. Hiện nay, diện tích cây táo ở địa phương chỉ còn hơn 40 ha. Riêng Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam (được thành lập năm 2019) có 12 thành viên với diện tích 7 ha trồng táo, nằm ở 3 thôn Quảng Hòa, Quảng Phúc và Hòa Do 7 thuộc xã Cam Thành Nam, Tp.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Để khắc phục tình trạng ruồi vàng hại quả, hợp tác xã đã bắt đầu tìm hiểu về mô hình nhà lưới. “Chúng tôi ấp ủ mô hình nhà lưới này lâu lắm rồi, nhưng khi đó công nghệ thông tin chưa phát triển nên chưa hình dung được phải thực hiện như thế nào. Thấy lưới bán ở các chợ chỉ có khổ hơn 1m thì làm sao giăng được cho diện tích mấy ngàn mét vuông của mình? Sau đó, nhờ có mô hình thí điểm trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP nên nông dân đã bắt đầu áp dụng màng lưới chống ruồi vàng. Màng lưới này đã mang lại hiệu quả cao cho người trồng táo” - ông Cường nhớ lại.
Tuy nhiên, để có được mô hình nhà lưới phù hợp và cách chăm sóc cây táo hiệu quả như hiện nay thì thành viên các hợp tác xã đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, tốn công sức cũng như tiền bạc. Ông Cường cho hay: “Theo nghiên cứu, tập quán của ruồi vàng bay lên cao không quá 4m nên chúng tôi dùng lưới chắn từ dưới lên 4m thôi. Vụ đầu chỉ thử nghiệm trên 1ha nên thành công. Sau đó, mô hình nhân rộng ra các diện tích khác. Tuy nhiên, khi giăng lưới tất cả vườn trồng táo thì nhà lưới lại vô hiệu vì ruồi vàng vẫn tìm cách bay lên đục quả. Không trụ được, nhiều người phải phá bỏ cây táo. Chúng tôi lại tiếp tục nghiên cứu, tìm cách làm nhà lưới sao cho phù hợp”.
Sau khi gọi điện đến nhiều công ty chuyên về may lưới, năm 2016 ông Cường quyết định đặt may 5.000m 2 lưới về thử nghiệm. Do chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, ông làm nhà lưới cao như nhà ở, trong khi Cam Ranh là vùng đất nắng và gió rất nhiều nên lưới bị gió xé rách. Bên cạnh đó, nhà lưới bao trùm vườn táo dẫn đến cây táo bị ngộp nóng. Các thành viên của hợp tác xã lại mày mò tìm cách tưới nước phù hợp để giải nhiệt cho cây táo.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng nông dân của xã cũng tìm được mô hình nhà lưới phù hợp cho cây táo với chiều cao lưới chỉ cần 3,5m và điều chỉnh nước tưới phù hợp bằng phương pháp tưới tia. “Phải áp dụng nhiều lần, chúng tôi mới rút ra được các bài học làm nhà lưới cho cây táo. Hiện nay, rất nhiều người thực hiện mô hình này nên chất lượng quả táo được nâng cao rõ rệt, sản lượng và thu nhập đều tăng cao” – ông Cường nói.
Clip: Người nông dân xã Cam Thành Nam trồng táo với mô hình nhà lưới
Hiệu quả kinh tế cao từ trồng táo sạch
Từ năm 2018, khi còn là Tổ liên kết sản xuất táo Cam Thành Nam sản phẩm táo của địa phương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sau khi thành lập hợp tác xã vào năm 2019, các thành viên mạnh dạn đầu tư để trồng cây táo theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng và giá cả đều tăng, cây táo mang lại thu nhập tốt cho người nông dân ở địa phương.
Thời điểm tháng 3 này, những vườn táo ở xã Cam Thành Nam đang trong giai đoạn tỉa cành. Mùa thu hoạch sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm. Ông Hồ Văn Niệm (thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam) cho biết, gia đình ông có 7 sào (7.000 m 2 ) đất trồng táo. Ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng để làm nhà lưới ngăn ruồi vàng và côn trùng gây hại.
“Trồng táo bằng nhà lưới rất hiệu quả, không bị côn trùng, ruồi vàng làm hư hại quả. Nhờ vậy, giá cả ổn định hơn vì quả không bị hư hao, ít tốn tiền thuốc men. Với 7 sào trồng táo, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng 250 triệu đồng, so với những cây trồng khác thì cây táo mang lại hiệu quả kinh tế cao” – ông Niệm cho biết.
Trong quá trình trồng cây táo, ngoài áp dụng nhà lưới, ông Niệm còn tuân thủ theo các nguyên tắc trồng VietGAP, đảm bảo nguồn nước tưới, giống, đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép hồ sơ sản xuất, quản lý chất thải, bảo vệ người lao động, kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại…
“Là thành viên của Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, tôi cũng như các thành viên khác đều trồng theo hướng VietGAP. Có như vậy, chất lượng đầu ra mới được đảm bảo, nâng cao uy tín của hợp tác xã và con đường đầu ra sản phẩm về sau sẽ bền vững hơn”, ông Hồ Văn Niệm chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà lưới có nhược điểm là nóng nên ngoài thời gian cây cho quả, nông dân sẽ vén màn lưới lên và sử dụng nước tưới hợp lý để điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, nông dân phải tranh thủ thời gian mát mẻ trong ngày để chăm sóc vườn táo.
Theo ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, nếu 1 ha táo trồng theo VietGAP, có đầu tư nhà lưới, sau 2 - 3 năm nông dân thu về trên 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng/năm/ha. Năm 2021 vừa qua, 7 ha táo trồng theo mô hình VietGAP của Hợp tác xã thu về khoảng 3,5 tỷ đồng chưa trừ chi phí.
Thị trường tiêu thụ của táo Cam Thành Nam hiện nay không chỉ ở trong tỉnh Khánh Hòa mà còn được phân phối tại các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng , Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên , Tp.Hồ Chí Minh. Táo bán được giá cao vì thổ nhưỡng phù hợp nên trái táo ngọt, bảo quản được lâu.
Ông Cường cho biết thêm: “Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, hợp tác xã đang tính thực hiện mô hình nông nghiệp du lịch từ vườn táo khi tình hình dịch bệnh Covid-19 lắng xuống. Người dân, du khách có thêm địa điểm để tham quan, trải nghiệm mà nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc bán táo và các công việc khác, ngoài chuyên canh cây trồng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang làm hồ sơ để công nhận sản phẩm táo của hợp tác xã là sản phẩm OCOP”.
Để cây táo sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất nhiều nắng gió, người nông dân phải thực hiện chăm sóc thường xuyên như làm cỏ, tỉa cành, cột cành, cắt cành, bơm nước… Tuy công việc không khó nhưng phải có lao động làm. Hiện nay, nhân công cũng là vấn đề gặp nhiều khó khăn. Đa phần là các gia đình chủ yếu tự chăm sóc vườn táo, chỉ thuê mướn trong thời gian thu hoạch quả. Một số khác thuê nhân công chăm sóc cả năm nhưng lại khó tìm được người làm. Vì vậy, diện tích trồng táo ở địa phương hiện chưa được mở rộng.
Châu Tường