Khánh Hòa: Nối thành công 3 ngón tay bị đứt lìa cho nam bệnh nhân

Chia sẻ Facebook
20/05/2023 03:17:34

Một bệnh nhân 55 tuổi bị đứt lìa 3 ngón tay do tai nạn lao động đã được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phẫu thuật, nối lại thành công.


Ngày 19/5, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị vừa nối thành công 3 ngón tay bị đứt lìa do tai nạn lao động cho một nam bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân được phẫu thuật thành công là ông T.T.B, 55 tuổi, trú Tổ dân phố 2, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó vào ngày 16/5, ông B. trong lúc thao tác máy cưa gỗ đã bị máy cuốn cổ bàn tay vào máy dẫn đến đứt lìa 3 ngón tay. Bệnh nhân được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh và bảo quản phần đứt lìa ngón 1,2,3 của bàn tay trái. Sau đó, được chuyển tuyến vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Bệnh nhân nhập viện vào lúc 18h34 ngày 16/5, trong tình trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhợt nhạt, huyết động ổn. Ngay sau đó, các bác sĩ đã sơ cấp cứu và chuyển mổ cấp cứu. Thời gian phẫu thuật kéo dài 6 giờ đồng hồ bằng phương pháp cắt lọc sạch, xuyên đinh kirschner giữ trục, khâu gân, khâu nối vi phẫu mạch máu cho 3 ngón 1,2,3.

“Đây là một trường hợp khó vì phải nối một lúc 3 ngón cho bệnh nhân, thời gian mổ kéo dài, đòi hỏi phẫu thuật viên phải kiên trì và tỉnh táo trong quá trình thực hiện”, bác sĩ Phạm Đình Thành thông tin.

Hiện tại, sau 3 ngày phẫu thuật, các ngón tay nối của bệnh nhân ấm hồng, cử động được.

Sau 3 ngày phẫu thuật, các ngón tay nối của bệnh nhân ấm hồng, cử động được. (Ảnh: Đình Thành).

Bác sĩ Phạm Đình Thành cho biết Trung tâm chấn thương chỉnh hình – Bỏng đã thực hiện rất nhiều ca nối thành công đứt lìa cổ bàn tay, ngón tay cho bệnh nhân. Cách đây 3 tuần, Trung tâm đã nối thành công một ca dập đứt lìa cổ tay và một ca nối ngón 5 bàn tay.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, nếu chẳng may bị đứt lìa chi thể thì cần bảo quản phần đứt lìa của người bị nạn đúng cách, băng ép mỏm cụt tránh để mất máu và vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong thời gian sớm nhất để được điều trị kịp thời.


Châu Tường

Chia sẻ Facebook