Khánh Hòa: Mục tiêu và giải pháp để năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 01:06:50

Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.


Ngày 24/8, tại Tp.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2019 – 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2022.

Giai đoạn 2019-2021, Khánh Hòa có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức và sự quan tâm của các chủ thể thông qua việc đăng ký tham gia từ 26 sản phẩm ban đầu lên 123 sản phẩm trong giai đoạn 2019 – 2021.

“Với 44 sản phẩm của 30 chủ thể được UBND tỉnh Khánh Hòa được công nhận từ 3 sao trở lên, các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới”, ông Bản nói.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh này triển khai xây dựng kế hoạch tập trung chuẩn hóa 123 sản phẩm đã có của 86 chủ thể, được phân thành 4 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ.

Trong đó, huyện Vạn Ninh có 22 sản phẩm với 15 chủ thể tham gia, thị xã Ninh Hòa có 30 sản phẩm với 23 chủ thể, Tp.Nha Trang có 30 sản phẩm với 13 chủ thể, huyện Diên Khánh có 8 sản phẩm với 7 chủ thể, huyện Cam Lâm có 4 sản phẩm với 4 chủ thể. Huyện Khánh Vĩnh có 5 sản phẩm với 4 chủ thể, Tp.Cam Ranh có 5 chủ thể với 5 chủ thể và huyện Khánh Sơn có 19 sản phẩm với 15 chủ thể.

Qua đánh giá, phân hạng của tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh này có 44 sản phẩm của 30 chủ thể (gồm 7 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 4 hộ kinh doanh) được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận và xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao.

Cụ thể, 2 sản phẩm đạt 4 sao là dưa lưới Ô Xanh (Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu) và rong nho Okinawa (Công ty TNHH D&T).

42 sản phẩm đạt 3 sao gồm sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh, dưa lưới, nấm linh chi đỏ, nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm hương, nấm mèo, xoài Úc, rau muống, gạo Ngọc Quang, nếp quạ Ninh Đông, gạo thảo dược, xoài sấy dẻo, chả cá, yến sào, trầm cảnh mỹ nghệ, gia vị, mật chuối và chuối sấy…

Trái sầu riêng tươi của huyện Khánh Sơn là một sản phẩm OCOP của tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, có 80 sản phẩm của 51 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2022. Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa là 9,590 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ chương trình là 7,256 tỷ đồng và vốn đối ứng là 2,334 tỷ đồng.


Khó khăn và giải pháp

Theo ông Bản, vì là chương trình mới nên công tác triển khai gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định.

Đó là, không bố trí được nhân lực, phần lớn các cán bộ được giao kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau ngoài chương trình OCOP; sản phẩm tham gia chủ yếu là sản phẩm thực phẩm tươi, chưa qua chế biến; sản phẩm chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm…

Ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong 3 năm 2019 – 2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cấp 13,062 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, việc thực hiện giải ngân kinh phí hàng năm của chương trình chỉ đạt 15,5% - 20%. Điều này là do cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện lồng ghép từ nhiều chính sách đã được ban hành, tuy khá đầy đủ nhưng lại thiếu đồng bộ, luôn thay đổi, chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương dẫn đến không thực hiện hết nguồn kinh phí hỗ trợ.

Theo ông Thành, một khó khăn nữa là số lượng chủ thể tham gia vẫn còn e dè và hạn chế do biểu mẫu, hồ sơ tham gia đánh giá quá nhiều và quá khó đối với các chủ thể sản xuất.

Thời gian qua, để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm của tỉnh, Chi cục phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các gian hàng triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại do trung ương và các tỉnh tổ chức.

Đồng thời, in nhãn hiệu chứng nhận OCOP đạt 3 sao và cấp phát cho các chủ thể gắn lên sản phẩm; thực hiện catalogue quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Khánh Hòa; đề nghị các địa phương cập nhật thông tin các sản phẩm lên 3 sàn thương mại điện tử gồm ocopvietnam.gov.vn, ketnoiocop.vn và ocop.vn.


Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên cấp tỉnh tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở siêu thị Co.opmart Nha Trang…

Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, hàng năm Sở chỉ đạo Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại.

Trong chuỗi sự kiện này đều có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Không chỉ tổ chức các phiên chợ, hội chợ trong tỉnh, Sở còn hỗ trợ các đơn vị tham gia kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, kể cả ở Trung Quốc, Ấn Độ…

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cho biết việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tính đến ngày 30/6/2022, tỉnh Khánh Hòa có 612 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 24 sản phẩm OCOP. Tổng sản lượng nông sản tiêu thụ qua 2 sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn là 1,6 tấn, trên 4.300 giao dịch mua – bán sản phẩm của tỉnh được thực hiện thành công.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 2 sản phẩm đạt 4 sao.

Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình, tăng cường chuyển đổi số, đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Về phía đơn vị sản xuất, đại diện Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết trong tương lai, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm tòi, cải tiến, tăng năng suất sản phẩm trầm mỹ nghệ. Có như vậy, sản phẩm trầm mỹ nghệ mới thực sự đáp ứng hết nhu cầu, mong muốn thưởng lãm trầm nghệ thuật của người tiêu dùng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo như đẩy mạnh chuyển đổi số; kết nối, đàm phán với siêu thị để tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia OCOP…

Trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao OCOP.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đề xuất giải pháp triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cụ thể cho các đơn vị, địa phương.

Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sau khi sản phẩm được công nhận OCOP.

UBND cấp huyện trực tiếp triển khai các hoạt động của chương trình OCOP ở cấp huyện. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tham gia vào các hoạt động của chương trình; bố trí nguồn lực từ ngân sách huyện, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện.

Còn UBND cấp xã chủ động rà soát các sản phẩm tiềm năng; thường xuyên tuyên truyền cho các tổ chức kinh tế, người dân về ý nghĩa, các chính sách hỗ trợ của chương trình OCOP. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ chủ thể trong quá trình tham gia chương trình.

Ông Đinh Văn Thiệu phát biểu tại hội nghị.

Dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt sao OCOP cho các chủ thể sản xuất và tặng bằng khen cho 13 tập thể, 4 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2021.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trao bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong chương trình OCOP giai đoạn 2019-2021.

Khen thưởng các cá nhân tiêu biểu.


Châu Tường

Chia sẻ Facebook