Khan vé máy bay dịp Tết Quý Mão: Do hãng chơi chiêu?
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, hạng vé tiết kiệm hoặc phổ thông bất ngờ "hết vé" trên diện rộng ở nhiều hãng bay, chặng bay trong dịp Tết, chỉ còn hạng thương gia giá đắt đỏ 4,9 - 5,6 triệu đồng/vé.
Có thể ngày hôm nay khan hiếm vé nhưng khi được cấp slot tăng tải, hãng bay ngay lập tức mở bán vé sẽ có giá khác.
Đại diện Vietnam Airlines
Khách hàng nghi ngờ hãng bay "chơi chiêu" khóa hạng vé rẻ để bán giá cao, còn hãng bay trần tình là "hết vé" hạng rẻ là sự thật.
Cạn vé rẻ, còn hạng thương gia
Giá vé Tết 2023 được đánh giá "căng" hơn so với những năm trước khi lượng vé bán ra ngày càng nhanh, hàng không muốn bổ sung thêm vé vẫn phải chờ Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Khảo sát trên website của các hãng bay, giá vé các chặng bay từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình đang neo ở mức cao.
Chẳng hạn, ngày 26-11, khảo sát vé TP.HCM - Hải Phòng từ ngày 17-1 đến 20-1 (nhằm 26 đến 29 tháng chạp) của Vietnam Airlines hiển thị bảy chuyến bay nhưng chỉ có một chuyến còn vé hạng phổ thông giá 3,5 triệu đồng/vé của Pacific Airlines khai thác, còn lại hạng thương gia giá 5,9 triệu đồng/vé.
Tại Bamboo Airways với các chặng bay trên, tình trạng khan hiếm hạng vé phổ thông vẫn xảy ra như Vietnam Airlines khi hạng thương gia giá cao 4,9 triệu đồng/vé vẫn còn nhưng kèm theo dòng chữ "chỉ còn vài ghế".
Vietjet nhiều chặng bay vẫn còn đủ các hạng vé như Eco, Deluxe, Skyboss đang mở bán với nhiều giá khác nhau. Giá vé thấp nhất chặng TP.HCM - Hải Phòng, Vietjet bán 3 triệu đồng/vé vào khung giờ bay 5h45, còn các khung giờ khác giá cao hơn.
Anh Kiệt Quang, làm việc tại TP.HCM, bày tỏ nghi ngờ các hãng bay đang cố tình khóa các hạng vé giá rẻ tạo sự khan hiếm để bán các hạng vé giá cao.
"Tôi choáng khi xem vé về Thanh Hóa. Hết sạch vé phổ thông rồi, chỉ còn hạng thương gia. Mà mỗi vé 5 triệu đồng, gia đình tôi bốn người, vị chi hơn 20 triệu đồng cho một chiều về Tết. Cũng chừng này tiền năm ngoái tôi mua được vé khứ hồi", anh Kiệt nói.
"Hết vé" rẻ hay tạo khan hiếm?
Theo kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, từ ngày 6-1 đến 5-2-2023 (nhằm ngày 15 tháng chạp đến hết 15 tháng giêng), các hãng hàng không xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến, tương đương 32%, lên 33.691 chuyến. Khách bức xúc khi mua vé ngày càng đắt. Các hãng bay cho biết cũng đang gặp vô vàn khó khăn trong dịp Tết, hãng muốn tăng chuyến cũng phải chờ, trong khi đội tàu bay còn đang dư thừa.
"Mở bán vé hồi tháng 8 đến nay, các hạng vé rẻ hết thật rồi chứ không phải khóa hạng vé rẻ, mở hạng vé cao", lãnh đạo một hãng bay phân trần. Vị này phân tích: các đường bay tỉnh, số lượng chuyến bay ít nhưng nhu cầu lại cao. Có thời điểm tuần sau bán cao hơn tuần trước 20 - 30%.
Có thể khách hàng nghi ngờ hãng bay "chơi chiêu" để tranh thủ bán vé cao nhưng thực tế không phải vậy. Số lượng ghế thương gia trên mỗi chuyến bay có hạn từ 6 - 12 chỗ. Do đó không có chuyện hãng chủ yếu tập trung bán vé thương gia.
Ngược lại, nguyên lãnh đạo thương mại một hãng bay thừa nhận, mỗi hãng có dải vé khác nhau dao động từ 10 - 12 hạng. Hãng bay vẫn có thể chủ động mở hạng vé này, chưa tung hạng vé khác tùy thời điểm. Đó là lý do nhiều khách hàng bất ngờ mua trước vài tháng chưa chắc đã có vé rẻ.
Chờ cấp thêm slot
Vấn đề cốt lõi hiện nay là chờ tăng tần suất khai thác, trong khi đội tàu bay của các hãng đang chưa khai thác hết công suất. Số lượng tàu khai thác mỗi ngày có thể biến động nhưng thực tế Vietnam Airlines, Vietjet vẫn còn thừa nhiều tàu. Vietnam Airlines quy mô đội tàu bay hơn 100 chiếc nhưng hoạt động mỗi ngày có 72 - 78 chiếc, Vietjet hơn 70 tàu nhưng bay 53 - 58 chiếc.
Nguồn tin Tuổi Trẻ tại các hãng bay cho biết đang hồi hộp chờ kết quả tăng slot (lượt cất hạ cánh) của Cục Hàng không Việt Nam.
"Điểm nóng" Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) dự kiến trong cao điểm dịp Tết từ ngày 8-1 đến 7-2 (tức từ 17 tháng chạp tới 18 tháng giêng) sẽ đón mỗi ngày khoảng 120.000 lượt khách. Lượt cất hạ cánh (slot) tại sân bay này vào khoảng 42 chuyến bay/giờ khung ban ngày và 32 chuyến bay/giờ khung ban đêm. Tuy nhiên, các hãng bay mong nâng từ 42 chuyến/giờ lên 44 - 45 chuyến/giờ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Hoàng, giám đốc truyền thông Vietravel Airlines, cho hay đã mở bán vé Tết từ đầu tháng 10-2022. Đến nay, tỉ lệ lấp đầy đạt 87% trên các chặng bay chính của hãng như TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn; Hà Nội - Đà Nẵng trong giai đoạn bay áp dụng từ ngày 7-1 đến 7-2-2023.
Vé Tết đang căng thẳng, ngay cả Vietjet cũng ghi nhận tỉ lệ khách đặt vé trước trên hệ thống đã tăng mạnh hơn cùng kỳ năm trước 26%. Nhiều đường bay, chuyến bay nội địa đang dần thiếu tải cung ứng kéo dài từ nay đến trước và sau Tết.
Các hãng bay đều bày tỏ lo ngại với các đường bay, chuyến bay cao điểm đã dần hết chỗ, thiếu tải cục bộ, nguy cơ thiếu tải diện rộng chỉ trong ít ngày tới nếu không kịp thời bổ sung thêm slot tăng tải.
Vé tàu ngày cao điểm Tết kín chỗ
Theo khảo sát trên hệ thống bán vé tàu vào ngày 28-11, hầu hết các đoàn tàu chặng TP.HCM - Hà Nội đi vào các ngày cao điểm Tết từ 23 đến 27 âm lịch hầu như đã kín chỗ. Vé tàu Tết năm nay còn nhiều ở giai đoạn sau Tết. Một số đoàn tàu đi các ngày 20 Tết đến ngày 22 Tết vẫn còn nhưng không nhiều.
Tại thời điểm ngày 11-1 (tức 20 tháng chạp năm Nhâm Dần) giá vé tàu SE4 chiều TP.HCM - Hà Nội đối với ghế ngồi mềm điều hòa 1,8 triệu đồng/vé, giường nằm tầng hai khoảng 2,1 triệu đồng/vé.
Ngày 28-11, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn có văn bản gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cập nhật, kê khai giá vé tàu Tết. Theo đó, giá nhiên liệu (dầu diesel) tăng 36% so với đầu năm 2022, chi phí sản xuất khác cũng tăng theo, công ty buộc phải điều chỉnh giá vé linh hoạt để bù đắp chi phí nhiên liệu.
Như giá vé ghế ngồi cứng, ngồi mềm đi vào giai đoạn Tết (từ ngày 9-1 đến 12-2-2023) tăng từ 1 - 6% so với cùng kỳ năm ngoái chiều cao điểm và giảm bình quân từ 6 - 17% ở chiều ngược lại so với dịp Tết năm trước.
Theo công bố ở ngày mở bán vé Tết, giá vé tàu Tết cao nhất khoảng 2,7 triệu đồng, thấp nhất là hơn 1,3 triệu đồng/vé.
ĐỨC PHÚ