Khảm sành sứ Huế: Nghệ thuật đặc sắc triều Nguyễn

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:09:36

Nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ 17, ban đầu vốn là nghệ thuật dân gian, trải qua những thăng trầm biến đổi của lịch sử, nó trở thành...


Huế mang trong mình những nét cổ kính trầm mặc bởi các công trình còn mãi với thời gian. Đó là những điện đài lăng tẩm của vương triều Nguyễn nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, được tô điểm với những nét kiến trúc mang đậm chất truyền thống mà không kèm phần độc đáo từ nghệ thuật khảm sành sứ.

Nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ 17, ban đầu vốn là nghệ thuật dân gian, trải qua những thăng trầm biến đổi của lịch sử, nghệ thuật khảm sành sứ dần được nhiều người biết đến và trở thành nghệ thuật cung đình. Ngay từ ban đầu những người nghệ nhân đã sáng tạo bằng cách dùng những mảnh sành sứ hay mảnh gốm vỡ để tạo nên những sản phẩm trang trí. Sau đó nghệ thuật này dần được ứng dụng vào trong đền đài, miếu mạo các đời chúa Nguyễn.

Giai đoạn phát triển phong phú và lên đến đỉnh cao của khảm sành sứ bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Phần lớn các kiến trúc trong thời gian này đều được khảm sành sứ. Người ta xem nó như một giải pháp kiến trúc đặc sắc và nghệ thuật trang trí này cũng được đánh giá rất cao.

Lăng mộ vua Khải Định. (Ảnh: Ntt, Wikipedia, nguyen-trong.com)

(Ảnh: Hien Phung Thu, Shutterstock)

Để có được hình tượng Long, Ly, Quy, Phượng, hay những con Giao, con Nghê, các nghệ nhân đã sử dụng mảnh sành sứ, chén, sau này có thêm những vật liệu khác như thủy tinh màu, thủy tinh trong suốt, ốp trên bề mặt.

Nghệ thuật khảm sành sứ ở mỗi địa điểm hay khu vực khác nhau đều có nghệ thuật trang trí khác nhau. Thông thường ở các đình chùa thì hoa văn họa tiết sẽ đơn giản, còn ở cung đình thì cầu kỳ hơn với chất men có độ bóng, độ bền cao.

Các loại vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn khá kỹ lưỡng từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ và có niên đại xa xưa, vì vậy nguồn nguyên liệu cho nghệ thuật khảm sành sứ luôn khan hiếm.

Bên trong Hoàng thành Huế. (Ảnh minh họa: FiledIMAGE, Shutterstock)

Huế là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong 140 năm, từ 1805 đến 1945. Trong suốt thời kỳ này và cả thời kỳ trước đó, nơi đây đã trở thành khu vực giao thương sầm uất. Lượng tàu thuyền đi lại cập bến ở sông Hương nhiều không kể xiết. Chính vì vậy mà dưới lòng sông Hương lưu giữ một lớp trầm tích văn hóa vô cùng phong phú: những mảnh sành sứ, mảnh gốm có khi cả nghìn năm tuổi.

Khi trang trí cho các cung điện, người nghệ nhân phải tìm những mảnh sành sứ lưu lại từ niên đại xa xưa. Loại nguyên liệu đó đều được các nghệ nhân lựa chọn tỉ mỉ cho từng công trình. Ngoài việc tìm kiếm dưới lòng sông, nguồn nguyên liệu này còn xuất hiện trên các con tàu buôn.

Chính nhờ lượng lớn gốm sứ như vậy mà nghệ thuật trong lăng tẩm đền đài và nơi thờ cúng ở Huế đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố Đô.

(Ảnh: Duc Huy Nguyen, Shutterstock)

Từng có một giai đoạn nghề khảm sành sứ chìm vào quên lãng. Mãi đến năm 1975, những người đi vớt phế liệu mới phát hiện lại kho tàng này và từ đó người ta mới tiếp tục khai thác chúng.

Trong lúc khảm, tùy từng chất liệu mà người nghệ nhân có thể sắp đồng chất hoặc đối liệu về chất theo màu men, chất men, và cường độ tiếp sáng. Để các vật liệu bám chắc thì cần dùng chất kết dính làm từ hàu trộn với vôi, cùng một số loại lá cây và mật. Kỹ thuật cắt gọt cũng cầu kỳ, để các mảnh sành sứ gắn lên khít nhau, không bị lộ mạch vữa.

Men khảm sành thường có màu tươi sáng và rực rỡ. Các màu đỏ tía, đỏ cánh sen hồng thuộc gam màu nóng, chủ đạo trong các bức tranh; màu men sử dụng khảm mắt rồng mắt phượng; còn màu xanh phổ biến là xanh lục, xanh lam, xanh tím.

Được lưu truyền từ lâu, nghệ thuật khảm sành sứ trong kiến trúc Huế luôn truyền tải những hình tượng thật gần gũi và sống động. Cũng chính nhờ những tác phẩm khảm sánh sứ mà kiến trúc Huế mang trong mình vẻ đẹp của sự tài hoa và bí ẩn đầy quyến rũ.


Lê Nguyên

Đạo trị quốc trong kiến trúc kinh thành Huế


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook