Khai thác cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: 13 năm trầy trật, giờ chỉ mong đi nhanh qua Tiền Giang

Chia sẻ Facebook
28/04/2022 10:06:03

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến sau 13 năm triển khai đã đáp lại phần nào mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó mới chỉ giúp thoát cảnh "toát mồ hôi" bởi đường nhỏ, cầu hẹp trên địa phận tỉnh Tiền Giang...

Từ ngày 30-4, xe được chạy trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: M.TR.


Vừa lái xe ra khỏi cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Nguyễn Công Quang (51 tuổi, ngụ Vĩnh Long) tấp xe vào bên đường để hỏi lối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. "Nghe báo đài nói hôm nay thông xe, tui mừng quá", ông Quang nói.


13 năm "trầy trật"

Nhắc lại quá trình thi công đầy khó khăn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại buổi lễ khánh thành vào sáng 27-4, ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết tuyến cao tốc này được khởi công lần đầu vào tháng 11-2009, dự kiến hoàn thành vào quý 2-2013 nhưng do nhiều lý do nên dự án vẫn không triển khai được. Đến năm 2015 dự án được tái khởi động với mục tiêu hoàn thành vào quý 2-2020, nhưng tiếp tục trì trệ nhiều năm. Đến tháng 3-2019, khối lượng công việc lúc này mới chỉ được khoảng 10%.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay cho Bộ GTVT. Đồng thời, Công ty CP tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời chủ trì giải quyết những tồn đọng và chịu trách nhiệm thi công dự án. Bằng nhiều giải pháp, đến nay công trình đã về đích trong niềm hân hoan của người dân miền Tây.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói: "Việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này hôm nay chính là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào vùng ĐBSCL. Nó góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh trong khu vực, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội".


Có cao tốc vẫn lo kẹt xe

Từ ngày 30-4 tuyến cao tốc này sẽ mở cho xe chạy hai chiều trên tuyến chính. Tuy nhiên, điều người dân lo lắng là khi lượng xe lớn đi vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp lễ 30-4 tới đây, liệu có tình trạng kẹt xe ở hai đầu cao tốc như những lần cho chạy thử trước đây?

Ông Huỳnh Phúc Đức (48 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết đợt thông xe tạm trong 15 ngày Tết Nguyên đán 2022, tình trạng kẹt xe hai đầu cao tốc đã xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là tại nút giao quốc lộ 30 (huyện Cái Bè).

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới, ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết tỉnh đã có phương án. "Theo đó, tại các nút giao chúng tôi sẽ bố trí lực lượng chức năng để điều tiết giao thông và kịp thời giải quyết khi xảy ra ùn ứ. Bên cạnh đó, tại chốt đèn tín hiệu ở nút giao quốc lộ 30 (huyện Cái Bè), chúng tôi sẽ điều chỉnh đèn tín hiệu dựa vào lưu lượng xe. Nghĩa là hướng nào đông xe thì sẽ ưu tiên thời gian đèn dài hơn. Cũng tại nút giao này, chúng tôi đã mở rộng hành lang, mặt bằng thông thoáng hơn để xe cộ dễ dàng lưu thông", ông Bon nói.


Đến năm 2025 ĐBSCL có thêm 400km cao tốc

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được hoàn thành, khắc phục được rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phó thủ tướng nhấn mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc có ý nghĩa hết sức đặc biệt quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội, tới kết nối liên vùng. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu để kết nối giữa các địa phương, các vùng với nhau và tạo ra động lực, không gian để phát triển kinh tế - xã hội.

"Tại ĐBSCL chúng ta đang triển khai đồng loạt khoảng 400km đường cao tốc. Hiện nay chúng ta mới có 51km được khánh thành, cho nên trong thời gian tới chúng ta phải tập trung rất cao để từ nay đến năm 2025 phải hoàn thành gần 400km đường cao tốc nữa với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỉ đồng.

Cũng theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong thời gian tới, Bộ GTVT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các đoạn, tuyến cao tốc kết nối trong khu vực theo quy hoạch.

Cụ thể như: khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km và cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư 9.800 tỉ đồng) trong năm 2023; khởi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109km (27.000 tỉ đồng), hoàn thành vào cuối năm 2025; khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km (52.000 tỉ đồng) và hoàn thành năm 2025; đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 27km...


Mong đường cao tốc phủ khắp miền Tây

Cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang nhiều năm nay đã quá tải, thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng những ngày cao điểm - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ông Nguyễn Tuấn Minh, chủ doanh nghiệp vận tải container Tuấn Minh ở ĐBSCL, vui mừng khi tuyến cao tốc được nối dài đến Mỹ Thuận. Tuy nhiên ông vẫn chưa quên chỉ mới hôm Tết vừa rồi dù cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được vận hành tạm, nhưng tình trạng kẹt xe kéo dài ở nút giao gần cầu Mỹ Thuận vẫn diễn ra.

"Doanh nghiệp vận tải bây giờ làm ăn khó lắm do vật giá, xăng dầu leo thang. Chậm nửa ngày, kẹt xe vài tiếng là chi phí đội gấp đôi, thậm chí còn đền hàng cho khách", ông Minh nói và mong mỏi cao tốc, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL được kết nối hoàn thiện hơn nữa, để giúp người dân, doanh nghiệp bớt gian nan.

Tương tự, bà con nông dân ở vùng chuyên canh khoai lang tím Nhật cũng mong mỏi từng ngày giao thông được kết nối. Bởi nơi này hiện đang bị chia cắt do vùng trồng trọt và các kho lưu trữ cách nhau hàng chục cây số. Ông Sơn Văn Luận, giám đốc Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), mơ một ngày củ khoai xứ này sẽ không còn bị thương lái ép giá với lý do chi phí vận chuyển cao, đường sá xa xôi.

"Cứ 1 tấn khoai xuất khẩu thì thương lái trừ mất 2 tạ làm lộ phí. Sau này, giao thông được kết nối, sự lam lũ của người trồng khoai chắc chắn sẽ bù đắp được nhiều", ông Luận nói.


CHÍ HẠNH


Miền Tây chưa gần miền Đông


Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với nhiều kỷ lục về chậm trễ được đưa vào sử dụng đã thu hẹp danh sách đường cao tốc "dần xây" ở phía Nam. Nhưng ở gần đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57km, nối huyện Bến Lức (Long An) với huyện Long Thành (Đồng Nai), từng có số phận như Trung Lương - Mỹ Thuận đang canh cánh mong có ngày được thông xe, phục vụ bà con.

So với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi đầu may mắn nhưng cũng rơi vào phận hẩm hiu. May mắn là vì được bố trí vốn. Nhưng hẩm hiu là nhiều đoạn cầu cạn đã băng qua rừng sâu, những nhịp cầu đã vươn ra giữa lòng sông nhưng mãi chưa thể nối tuyến, hợp long. Nhiều ngàn tỉ đồng đã được đổ vào nhưng thời gian dài trên công trường im tiếng máy, vắng lửa hàn vì thế ngày hoàn thành, dự kiến là năm 2018 cũng cứ lùi dần. Lý do: thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng.

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khá đặc biệt, khởi công từ tháng 7-2014, có vốn khủng (31.000 tỉ đồng) với hơn 20km cầu cạn, có cầu Bình Khánh dài 2,76km qua sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh dài 3,18km qua sông Lòng Tàu. Có đường cao tốc này, người miền Tây đi Đông Nam Bộ không phải "băng ngang" TP.HCM, có đường ngắn hơn ra cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành... Đồng thời tuyến đường này cũng giúp giảm kẹt xe trên quốc lộ 1, quốc lộ 51. Thế nhưng người ở miền Tây lên miền Đông vẫn không thể đi thẳng mà phải rẽ qua TP.HCM..., hành trình từ Long An đến Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phải lụy thêm nhiều cây số đường...

Mới nhất, Bộ GTVT đặt mục tiêu cuối năm 2022 hoàn thành tuyến, thông xe kỹ thuật và dự kiến 2023 khai thác cao tốc Bến Lức - Long Thành. Nguồn vốn cũng đã được thu xếp bằng cách tạm dùng tiền thu phí của 4 tuyến cao tốc khác chưa dùng trả nợ để tiếp tục thi công. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thoát kiếp "dần xây". Tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đang gấp rút triển khai. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt tiến độ như Bộ GTVT đặt ra, khi đó, viễn cảnh miền Tây sát bên miền Đông mới thành hiện thực. Vì vậy, xin đừng lơ là, sao nhãng với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.


T.TUYỀN

Ngày 27-4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công và nhiều lần phải tạm dừng vì nhiều lý do. Tuyến đường đưa vào sử dụng dịp lễ 30-4 sẽ giúp đường về miền Tây bớt kẹt xe.

Chia sẻ Facebook