Khai quật ngôi mộ cổ nghìn năm phát hiện 3 người được chôn cùng nhau, bức tranh trên tường tiết lộ mối quan hệ mật thiết không ai ngờ

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 14:42:58

Sau khi các nhà khảo cổ tận mắt chứng kiến những hình ảnh trong ngôi mộ táng, họ vô cùng ngưỡng mộ khi nét văn hóa cổ đại hàng trăm năm về trước vẫn còn vẹn nguyên như mới.

Tháng 11/2010, đội công tác khảo cổ trong quá trình thăm dò đoạn đường Đăng Phong thuộc cao tốc Tiêu Đồng của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phát hiện vết tích của ngôi mộ cổ được chôn giấu dưới lòng đất.

Sau khi tiến hành kiểm tra sâu hơn, đội nghiên cứu đã phát hiện có 2 ngôi mộ táng với kết cấu lát gạch nằm cách nhau chỉ 10 mét, trong đó có 1 ngôi mộ lớn và 1 ngôi mộ nhỏ.

Trong ngôi mộ lớn mới được khai quật, chuyên gia khảo cổ đã vô cùng thất vọng khi phát hiện mộ đã bị trộm "ghé thăm" từ trước. Phòng mộ đã bị sập hư hại một cách nghiêm trọng, gần như không còn giá trị khảo cổ và chỉ thu được duy nhất một đồng tiền "Hoàng Tống Thông Bảo".

Chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhận định, đồng tiền này được đúc trong những năm 1039 - 1053 của thời kỳ Bắc Tống Nhân Tông. Ngôi mộ táng này cũng có thể được xây dựng trong thời gian đó.

Tiếp theo, trong quá trình khai quật ngôi mộ nhỏ, người ta vô cùng kinh ngạc khi phát hiện rằng mặc dù ngôi mộ này cách ngôi mộ lớn chỉ có 10 mét nhưng lại may mắn không bị trộm.

Điều làm cho đội khai quật kinh ngạc nhất chính là trong ngôi mộ nhỏ họ phát hiện 1 quan tài có hai bộ cốt nằm cạnh nhau với tư thế kì lạ. Ở gần đó, có một cái hốc nhỏ, trong đó chứa bộ hài cốt với nhiều mẫu xương tán loạn.

Đối với hai bộ hài cốt nằm cạnh nhau với tư thế vô cùng kì lạ đã khiến cho đội khai quật không khỏi hoang mang. Trong đó, xương chân lại xuất hiện ở vị trí ngực, cực kì khác lạ so với trạng thái tự nhiên của người bình thường.

Ngoài ra, đội khai quật còn phát hiện xung quanh ngôi mộ này được bao bọc bởi những bức tường vẽ đầy hình ảnh với màu sắc vô cùng bắt mắt. Thông qua thống kê, trên tường của phòng mộ có tổng cộng 6 bức tranh vẽ hoạt động của con người. Trang tường ở phía Tây Nam được đặt tên là "Bị Yến Đồ", vẽ cảnh 3 người hầu nữ đang chuẩn bị yến tiệc.

Tranh tường ở phía Tây Bắc được đặt tên là "Đối Ẩm Đồ", vẽ cảnh người 2 vợ chồng đang ngồi trên bàn tiệc, bên cạnh có người phụ nữ tay cầm bình rượu.

Bức tranh đối diện cửa mộ có tên là "Khải Môn Đồ", vẽ một người phụ nữ đang nấp nửa người sau cửa nhìn ra bên ngoài.

Trên trần của phòng mộ là tổ hợp các bức tranh tường nhỏ hơn thể hiện một cách hoàn mỹ những yếu tố tôn giáo của chủ mộ.

Vì không hề phát hiện bất kì vật bồi táng nào trong khu mộ cổ nên các chuyên gia ban đầu không thể nhận định được niên đại của mộ táng. Nhưng căn cứ vào phương pháp hội họa, những bức tranh tường trong mộ đa số được áp dụng kĩ thuật vẽ trắng đen, vẽ phác thảo, điền màu, loang màu,…

Đây là những phong cách hội họa đặc trưng của cuối thời Bắc Tống. Theo đó, niên đại của ngôi mộ táng này có thể là Bắc Tống. Vậy thì phần hài cốt bên trong căn phòng nhỏ là có lai lịch như thế nào?

Quan sát kĩ bức tranh tường "Đối Ấm Đồ", nhiều người đưa ra giả thuyết về thân thế và cuộc sống của chủ mộ.

Người chủ mộ lúc còn sống đã cưới một thê một thiếp. Người phụ nữ ngồi đối diện trên bàn tiệc là vợ chính và người đứng bên cạnh cầm bình rượu là vợ lẽ.

Ba người ban đầu được an táng ở địa điểm khác nhau, nhưng sau này vì một số nguyên nhân nào đó nên đã được gia tộc lấy cốt và chôn cùng một khu mộ.

Có thể vì thân phận của người vợ lẽ thấp kém, không có đủ tư cách để được nằm cùng phòng mộ với chồng nên gia tộc đã xây một phòng nhỏ bên cạnh để đặt hài cốt của vợ lẽ vào.

Ngôi mộ cổ có tranh tường thời Tống vẫn giữ được nguyên trạng và màu sắc tươi sáng vốn có. Đồng thời, sự phát hiện của ngôi mộ ba người này có ý nghĩa khảo cổ to lớn trong nghiên cứu bối cảnh đời sống, phong cách trang phục và phong tục tập quán của người dân thời Tống.


Nguồn: Sohu

Chia sẻ Facebook