Khai phá tiềm năng từ "miền đất hứa" Tây Bắc Đà Nẵng
Khu vực Tây Bắc được định hướng trở thành vùng phát triển trọng điểm của Đà Nẵng theo đề án quy hoạch đến năm 2030. Vị trí tiềm năng của khu vực sẽ là tiền đề tạo động lực phát triển hai ngành mũi nhọn bao gồm logistics và công nghệ cao.
Từ trung tâm logistics quy mô nhất của vùng
Trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch đến tình hình kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đưa ra kịch bản phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, thành phố này có sự điều chỉnh về tỉ trọng kinh tế, bên cạnh việc tập trung phát triển du lịch, Đà Nẵng phát triển thêm về công nghệ cao và logistics, tập trung mạnh mẽ tại khu vực Tây Bắc. Điều này kích thích việc di dân tự nhiên tới khu vực Tây Bắc, giảm tải áp lực cho vùng trung tâm thành phố. Vị thế cửa ngõ giao thông thuận lợi, giáp biển và gần các khu công nghiệp lớn cho phép Tây Bắc trở thành điểm trung chuyển giao thương thuận lợi, sầm uất. Đồng thời, đây cũng là nơi tập trung các nút giao thông huyết mạch của thành phố như bến xe Đà Nẵng, ga Kim Liên và cảng Liên Chiểu…
Tại nghị quyết 43-NQ/TW ngày 21/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng là trở thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọng điểm tại miền Trung. Theo đó, cảng Liên Chiểu phía Tây Bắc thành phố có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 35 ha, đến năm 2045 đạt 69 ha. Trong tương lai, khi cảng Liên Chiểu đi vào vận hành, khu Tây Bắc hứa hẹn sẽ phát triển thành đô thị cảng hiện đại, giao thương quốc tế sầm uất và nhộn nhịp.
Đến phát triển trở thành một "thung lũng silicon" tại Việt Nam
Chia sẻ về chiến lược phát triển của Đà Nẵng, đại diện UBND TP. Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, và đổi mới sáng tạo. Trong đó, khu vực Tây bắc được tập trung phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành "thung lũng Silicon" với những dự án có vai trò nổi bật làm thay đổi diện mạo khu vực như dự án KCN cao Đà Nẵng, KCN thông tin và làng đại học (Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa); Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT; Khu R&D; Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày và triển lãm công nghệ thông tin; Khu nhà xưởng chuyên dụng… Các dự án này được thực hiện tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Việc hình thành một trung tâm công nghệ cao sẽ góp phần thu hút lực lượng lao động tri thức, các chuyên gia đầu ngành, dân cư đổ về.
Khu công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park) được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg về việc thành lập giai đoạn 1, kỳ vọng góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như diện mạo đô thị khu Tây Bắc.
Dự án được định hướng trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin theo mô hình của Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ - thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, các chuyên gia về công nghệ trong và ngoài nước về làm việc, đạt doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm, cùng với khoảng 25.000 lao động. Nơi đây sẽ trở thành đô thị vệ tinh vùng Tây Bắc của Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống. Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao, Ban Quản lý dự án cho biết đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 249 triệu USD. Trong đó gồm 3 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và 7 dự án nội địa. Những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ, robot, sản xuất chip điện tử, cảm biến sinh học... cũng sẽ được đầu tư và phát triển. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp (KCN), tập trung phần lớn tại khu vực Tây Bắc thành phố gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm và Khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160,18ha. Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hình thành lên KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm (giai đoạn 2)… hứa hẹn sẽ trở thành điểm đón đầu xu hướng chuyển dịch của nhiều tập đoàn kinh tế thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Với định hướng phát triển mạnh mẽ logistics và công nghệ cao, vùng Tây Bắc Đà Nẵng hứa hẹn sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của khu vực nói chung và thành phố nói riêng. Điều này, kích thích sự di dân cơ học tự nhiên từ những vùng trung tâm thành phố đến với Tây Bắc, tạo nhiều động lực cho phát triển kinh tế, đô thị mới.
Ánh Dương