Khai báo thông tin gửi hàng: Đảm bảo an toàn cho nhà xe
Từ ngày 1-9, lái xe và nhân viên nhà xe khi nhận hàng hóa ký gửi phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp 6 thông tin về: tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại của người gửi và người nhận.
Ngày 8-8, tại các hãng xe ở bến xe Miền Đông, hầu hết các hãng xe khi gửi, nhận hàng hóa đều còn "xa lạ" với việc này. Nhiều nhân viên, tài xế cũng khá bất ngờ khi nghe thông tin.
Thói quen cũ
Tại hai công ty vận tải Phương Trang và Minh Nghĩa, hàng hóa gửi đi và nhận về ở nhà xe đều có các thông tin như: tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Về việc phải bổ sung số CMND/CCCD thì nhân viên tại đây cho biết vẫn chưa nhận được thông báo, khi nào có thông báo sẽ bắt đầu áp dụng.
Nhiều tài xế của các hãng xe khác cho biết khi nhận gửi hàng theo xe, người gửi chỉ cần tên và số điện thoại, địa chỉ là đã có thể giao hàng. "Đến nơi gọi điện cho người nhận ra chỗ lấy là mình có thể giao được rồi!" - một phụ xe cho biết.
Anh Công Thành (một hành khách) cho biết: "Tôi từng nghe nói về mấy vụ gửi hàng lậu, hàng cấm, khi cơ quan chức năng phát hiện thì không tìm ra chủ hàng.
Tôi nghĩ đây là cách để ngăn chặn, phát hiện và truy cứu chủ của những hàng hóa cấm dễ dàng, để không làm liên lụy đến nhà xe".
Tránh rủi ro pháp lý
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc cung cấp đầy đủ thông tin đã được nhiều đơn vị giao hàng áp dụng, đặc biệt là các đơn vị vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử hay bưu cục đã áp dụng việc lấy thông tin chi tiết về hàng hóa và người nhận từ lâu.
Trong khi đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách rất thường xuyên nhận hàng hóa ký gửi nhưng hầu như không bao giờ lấy thông tin mặt hàng, CMND/CCCD người gửi và người nhận.
Vì họ tập trung vào việc đón trả khách nên nhiều lần gửi nhầm hàng hoặc gửi nhầm người, gửi sót hàng gây thất thoát cho khách hàng. Vậy nên, nghị định bổ sung riêng biệt về việc quy định các hãng vận tải hành khách phải lấy thông tin khách hàng là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho nhà xe và khách hàng.
Việc xác minh thông tin hàng hóa, người gửi, người nhận sẽ ngăn chặn được việc tội phạm có thể sử dụng hình thức vận chuyển này.
Khi phát hiện hàng bị cấm, cơ quan điều tra có thể nhanh chóng tiếp cận với tội phạm, tránh phát sinh những rủi ro pháp lý cho cả nhà xe lẫn người gửi, người nhận.
Việc ban hành quy định này đã cụ thể hóa trách nhiệm của từng chủ thể tham gia giao dịch hàng hóa, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên tham gia giao dịch gửi nhận hàng, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển, tránh việc mất mát hư hao phải bồi thường trách nhiệm dân sự. Đặc biệt truy xét kịp thời hàng hóa cấm và gian lận thương mại.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh cũng lưu ý các đơn vị vận chuyển về việc giữ bí mật thông tin của khách hàng là cần thiết và doanh nghiệp vận tải không được phép chia sẻ thông tin khách hàng cho bên thứ ba trừ trường hợp luật có quy định.
Rắc rối vì những kiện hàng "mù" thông tin
Ngày 11-5-2022, đội quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ chặn một xe đang chở 130kg nội tạng động vật đã bốc mùi, biến dạng, biến màu. Tài xế bị phạt 10 triệu đồng, tiêu hủy hàng.
Ngày 20-4 tại Quảng Trị, lực lượng chức năng phát hiện một ôtô có 19 thùng xốp chứa 2,2 tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi. Lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Chiều 5-1, QLTT Nghệ An tạm giữ xe khách giường nằm chở 600kg nội tạng động vật. Lái xe chỉ thông tin hàng này được một chủ hàng ở Hà Nội thuê vận chuyển về huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Nguy hiểm hơn, một nam tài xế Grab tại Hà Nội đã giao nộp hơn 1.000 viên ma túy tổng hợp cho cơ quan công an vào tháng 4-2022. Anh này có nhận được đơn hàng từ quận Long Biên giao cho một nam giới chưa xác định được nhân thân. Khi đến nơi, anh không liên lạc được với người nhận và cả người gửi.
Người vận chuyển hàng hóa có thể đối mặt với những vấn đề pháp lý khi không rõ thông tin người gửi và người nhận.
Một nhà xe ở bến xe Miền Đông từng gặp rắc rối sau khi chở 2 bao trái cây từ Bình Phước về TP.HCM. Khi người được cho là chủ hàng đến nhận, 2 bao hàng đã không còn. Đã có người nói đúng tên và số điện thoại người nhận hàng nên một nhân viên đã giao trước đó. Nhà xe phải trích xuất hình ảnh camera, tìm ra người đã "nhận bừa" bao hàng, đòi lại để trả lại cho khách.
Cũng may đó là bao trái cây, giá trị không cao, nếu là món khác có giá trị cao thì phát sinh rắc rối cho các bên. Nguyên nhân vụ giao nhầm người này do kẻ gian đã đọc tên và số điện thoại ghi trên bao hàng và giả làm chủ hàng.
Khi giao hàng, nhà xe theo thói quen không kiểm tra giấy tờ tùy thân. Dễ dãi với nhau quá cũng dễ sinh chuyện. Thông tin khách hàng để lộ cũng dễ sinh rắc rối. Việc này các nhà xe có nhận hàng hóa cần lưu tâm thêm.
Phát chuyển nhanh: gửi hàng phải đầy đủ thông tin
Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển phát như Viettel Post, VNpost, Vintrans, Best Express… khi khách gửi hàng hóa online lẫn ở cửa hàng đều bắt buộc ghi đầy đủ các loại thông tin liên hệ cần thiết. Chẳng hạn địa chỉ người gửi, người nhận, số điện thoại, email, mô tả hàng hóa… để tạo thuận lợi cho việc giao hàng. Hầu hết khách hàng gửi hàng đều cảm thấy thuận lợi khi đầy đủ các thông tin cần thiết, hạn chế tối đa trường hợp thất lạc.
Các đơn vị chuyển phát liên tục cải tiến công nghệ, định vị tuyến đường, thậm chí cho phép khách hàng truy cập đơn hàng biết từng khâu đến khi hoàn tất vận đơn. Qua khảo sát, doanh nghiệp chuyển phát cho biết đang đầu tư mạnh vào công nghệ để tối ưu thông tin giao hàng càng đơn giản nhưng hiệu quả trong quá trình giao nhận. (C.TRUNG)
Từ 1-9, nghị định 47/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 10/2020) của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, có hiệu lực. Người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp 6 thông tin.