Khách Việt choáng ngợp vẻ đẹp kỳ bí của ngôi đền linh thiêng nhất Ai Cập
Chuyến đi xuôi theo dòng sông Nile đã cho chúng tôi cảm nhận đầy đủ về một Ai Cập cổ xưa vĩ đại. Nhưng đồng thời thấy được một đất nước đang từng ngày "thay da đổi thịt".
Nền văn minh Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh sớm nhất trên thế giới, gắn liền với sông Nile.
Sông Nile dài hơn 6.000km với phần chảy qua Ai Cập 700km đã đem đến cho người dân dọc hai bờ sông một cuộc sống sung túc. Các công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của nền văn minh Ai Cập cổ đại vì thế cũng được xây dựng dọc theo hai bờ của dòng sông này.
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Ai Cập trong 6 ngày, bắt đầu từ thành phố Aswan, thủ phủ phía Nam của Ai Cập, nằm cách thủ đô Cairo khoảng 700km. Đây cũng là thành phố du lịch nổi tiếng với nhiều khu nghỉ dưỡng xinh đẹp bên bờ sông Nile.
Nổi tiếng nhất Aswan là đền Philae, một quần thể đền thờ cổ thờ nữ thần Isis. Nằm trên một hòn đảo ở sông Nile, ngôi đền ban đầu được xây dựng dưới triều đại của Ptolemy II, vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN). Ngôi đền sau đó được mở rộng bởi nhiều hoàng đế La Mã, những người xâm chiếm Ai Cập.
Thiết kế tuyệt đẹp và bề dày lịch sử khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm cổ đại quan trọng nhất ở Ai Cập và là minh chứng cho di sản lâu dài của nền văn minh vĩ đại này.
Cột tháp dang dở Obelisk (Unfinished Obelisk) là cột tháp cổ đại lớn nhất được biết đến và nằm ở khu vực phía bắc của mỏ đá Ai Cập cổ đại ở Aswan. Tác phẩm này được đặt hàng bởi hoàng hậu Hatshepsut (1508 - 1458 TCN).
Cột tháp dang dở lớn hơn gần một phần ba so với bất kỳ cột tháp Obelisk Ai Cập cổ đại nào được dựng lên. Trong quá trình tạc cột tháp, có một vết nứt tự nhiên đã xuất hiện và con người đã bỏ dở nó.
Nếu hoàn thành, nó sẽ cao khoảng 42m và nặng gần 1.200 tấn. Cột tháp dang dở này giúp chúng ta biết được cách người Ai Cập cổ đã tạc và vận chuyển các cột tháp hay các tượng đá như thế nào.
Nằm cách Aswan 50km, xuôi dòng sông Nile về phía Bắc là ngôi đền Kom Ombo, được xây dựng trong thời kỳ Ptolemaic, bắt đầu từ năm 332 TCN với sự xuất hiện của Alexander Đại đế ở Ai Cập.
Đền Kom Ombo độc đáo bởi nó là hai ngôi đền nằm cạnh nhau. Một ngôi đền dành riêng cho Sobek (vị thần mình người đầu cá sấu), trong khi ngôi đền kia dành riêng cho Horus (thần mặt trời).
Hai ngôi đền có chung một lối vào và nhiều đặc điểm giống nhau, nhưng mỗi ngôi đền đều có những yếu tố độc đáo riêng.
Phần ấn tượng nhất của ngôi đền là đại sảnh kiểu hypostyle, có 12 cột đồ sộ, mỗi cột được trang trí bằng những hình chạm khắc phức tạp của các vị thần và sinh vật thần thoại khác nhau.
Xuôi theo dòng sông Nile, chúng tôi đi xe ô tô đến thành phố Luxor và trên đường ghé thăm đền Edfu, nằm cách Luxor khoảng 100km về phía Nam. Ngôi đền dành riêng cho thần Horus, được xây dựng trong thời kỳ Ptolemaic khoảng giữa 237 và 57 TCN, là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất ở Ai Cập.
Các bản khắc trên các cột và tường của đền thờ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về ngôn ngữ, huyền thoại và tôn giáo trong thời kỳ Hy Lạp-La Mã ở Ai Cập cổ đại.
Luxor là điểm nghỉ đêm tiếp theo sau thành phố Aswan của chúng tôi. Đây cũng là thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Ai Cập nhờ có các công trình kiến trúc lịch sử ở đây.
Thung lũng của các vị vua ở ngoại ô của Luxor là điểm không thể không tới trong hành trình khám phá Ai Cập. Trong khoảng thời gian gần 500 năm từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 TCN, người Ai Cập đã xây dựng tại đây nhiều lăng mộ cho các Pharaoh, các quý tộc và những vị quan lớn. Du khách có thể tham quan 18 trong tổng số 63 lăng mộ ở thung lũng của các vị vua này.
Nằm cạnh thung lũng của các vị vua là đền Hatshepsut - ngôi đền mang tên vị nữ hoàng quyền uy của Ai Cập cổ đại. Triều đại của bà là một trong những kỷ nguyên thịnh vượng và hòa bình nhất ở Ai Cập.
Ngôi đền Hatshepsut được chính nữ hoàng chỉ đạo xây dựng như một biểu tượng nghệ thuật về cuộc đời và triều đại của nữ hoàng. Đây cũng là biểu tượng của sự sang trọng và hùng vĩ.
Ngôi đền quan trọng nhất trong hệ thống đền đài lăng tẩm thời kỳ Ai Cập cổ đại là đền thờ Karnak, nằm ở trung tâm thành phố Luxor. Đây là điểm đến thu hút đông khách du lịch nước ngoài thứ 2 của du lịch Ai Cập, nó chỉ xếp sau đại kim tự tháp Giza.
Quần thể được xây dựng từ năm 1580-1160 trước Công nguyên bởi khoảng 30 vị Pharaoh nối tiếp nhau. Mỗi vị vua đều tạo một dấu ấn riêng cho mình vào ngôi đền bằng những cột trụ đá, hoa văn và họa tiết độc đáo. Đây cũng là nơi thờ cúng chính các Pharaoh trong vòng gần 2.000 năm.
Quần thể đền Karnak bao gồm ba đền thờ chính trong đó công trình nổi tiếng nhất sảnh Hypostyle với diện tích 5.000m2 và 134 cột đá lớn chia thành 16 hàng vô cùng vĩ đại. Hai hàng cột ở giữa 12 chiếc có chiều cao 21m là các cột đá cao nhất trong tất cả các cột đá được xây dựng tại các đền ở Ai Cập.
Đền thờ Luxor nằm gần Karnak bên bờ Đông sông Nile được xây dựng vào năm 1400 TCN. Ngôi đền được xây dựng với mục đích để thờ cúng ba vị thần Ai Cập cổ đại là: Amun, Mut và Chons.
Về tổng thể, đền Luxor không to bằng đền Karnak song cấu trúc của nó lại có nét tương đồng từ cổng thành, cột tháp ở lối vào, hàng tượng nhân sư, khoảng sân thờ cúng rộng rãi cho đến những hàng cột khổng lồ.
Nhưng có lẽ, điều ấn tượng nhất đối với du khách chính là một căn phòng với hàng trăm cây cột khổng lồ. Mỗi cây cột lại được thiết kế như một bông hoa, trên cột được chạm khắc nhiều hình thù tinh xảo. Đây cũng chính là góc chụp hình thần thánh của mỗi du khách khi đến tham quan đền.
Thủ đô Cairo rộng lớn và nhộn nhịp, cách Luxor khoảng một tiếng bay, là điểm đến cuối cùng trong hành trình của chúng tôi.
Điểm hấp dẫn du khách nhất Ai Cập chính là quần thể Đại kim tự tháp Giza nằm ở ngoại ô thành phố nơi có 3 đại kim tự tháp cao chót vót (Khufu, Khafre và Menkaure) cùng với bức tượng nhân sư khổng lồ.
Đại kim tự tháp Giza được xây dựng từ 2,3 triệu khối đá kết dính chặt chẽ với tổng trọng lượng 5,9 triệu tấn. Đặc biệt, mỗi khối đá nặng từ 2-30 tấn, thậm chí có khối nặng 50 tấn. Đây là điều khiến các nhà khoa học chưa thể lí giải người Ai Cập cổ đại đã sử dụng phương tiện gì để vận chuyển và xây dựng một công trình có khối lượng lớn như vậy cách đây hơn 4500 năm.
Nhiều người coi đại kim tự tháp Giza là một trong những "tượng đài khoa học" lâu đời nhất, vĩ đại nhất và hoàn hảo nhất trên Trái đất. Trong 3800 năm, Kim tự tháp Giza là công trình nhân tạo lớn và cao nhất thế giới.
Kim tự tháp Bậc thang nằm gần quần thể Đại kim tự tháp Giza, là kim tự tháp lâu đời nhất Ai Cập, được xây dựng cách đây khoảng 4.700 năm với sáu tầng trên mặt đất và một loạt đường hầm bên dưới.
Thành cổ Citadel nơi có thánh đường Hồi giáo Mohamed Ali hoành tráng được xây dựng đầu thế kỷ 19 với tháp Minaret nổi tiếng vút thẳng lên bầu trời cũng là một điểm du lịch cho các du khách khi đến Cairo.
Chợ cổ Khan-El-Khalili hoạt động từ năm 1382 nơi có hàng trăm cửa hàng buôn bán, xưởng thủ công, thảm len, đồ trang sức, quà lưu niệm cũng là nơi hút khách du lịch.