Khách vay mua ô tô chờ dài cổ vì ngân hàng đột ngột siết vốn, ép 'kèm lạc'
Khi room tín dụng tại các ngân hàng đang chờ được NHNN phê duyệt, khách vay mua ô tô dù là mua xe gia đình hay hộ kinh doanh đều phải kiên nhẫn chờ đợi hoặc phải chấp nhận tham gia BHNT.
Dù đã được ngân hàng duyệt hồ sơ vay 80% giá trị để mua một chiếc xe ô tô mới, nhưng đã một tháng trôi qua anh Nguyễn Hữu Mạnh (Hà Nội) vẫn chưa thể nhận bàn giao xe như dự định. Sự cố khiến anh cũng như không ít khách hàng khác gặp phải là ngân hàng báo đã đóng room nên không thể giải ngân.
“Tôi đã mong chờ được nhận bàn giao xe trước thời điểm tháng ngâu nhưng kết quả không như mong đợi. Hy vọng là kết thúc tháng ngâu cũng là lúc khoản vay của tôi được giải ngân để có thể lấy xe về”, anh Mạnh nói.
Việc ngân hàng cạn room tín dụng nên chỉ tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên cho một số lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, nhất là các ngành kinh doanh trọng điểm bao gồm thương mại, xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản… là thực tế đang diễn ra tại hầu hết các ngân hàng.
Chia sẻ với PV Infonet , đại diện một doanh nghiệp phân phối xe ô tô Vinfast và Chevrolet cho biết: “Tình hình kinh doanh đang rất khó khăn không chỉ bởi 'tháng ngâu'. Việc này diễn ra từ trước đó do tất cả các ngân hàng đang cạn room tín dụng nên không thể giải ngân. Có ngân hàng ra thông báo cho vay nhưng đăng ký xong lại báo hết room nên không thể giải ngân, trong khi ngân hàng nào còn có thể giải ngân thì lại ép khách mua bảo hiểm…”.
Chị Phương Vũ (Hà Nội) cho hay, chị cũng là khách hàng vay ngân hàng mua xe ô tô, mặc dù ngân hàng báo khó giải ngân gói vay cho chị nhưng nếu mua gói bảo hiểm nhân thọ 25 triệu đồng chị sẽ được ưu tiên giải ngân sớm.
Trao đổi với PV, một nhân viên ngân hàng VIB (Hà Nội) cho biết, thực tế khách vẫn có thể được giải ngân mua ô tô với lãi suất ưu đãi 12 tháng đầu tiên với lãi suất 9,9%/năm. Tuy nhiên các điều kiện xét duyệt sẽ không còn được “thông thoáng” như trước thời điểm tháng 6/2022.
Trong khi đó, một nhân viên tín dụng tại Techcombank (Hà Nội) cho hay: “Khách vẫn có thể vay mua ô tô nhưng không dễ vì thực tế các ngân hàng đều đang khó khăn về room”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dù câu chuyện cạn room tín dụng là có thật nhưng không ít các ngân hàng đang “mượn gió bẻ măng” để hướng người vay lựa chọn một gói bảo hiểm nhân thọ “tự nguyện” để có thể giải ngân.
Ngân hàng Nhà nước mới đây công bố tăng trưởng tín dụng đến ngày 9/8 là 9,58% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,3%). Điều này cho thấy mức tăng trưởng tín dụng rất thấp trong hơn một tháng qua. Thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 9,4% so với đầu năm (tăng 17% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, định hướng tín dụng cả năm là 14% cho thấy dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá lớn, trong 4 tháng cuối năm còn khoảng 4,42%, tương đương gần 500.000 tỷ đồng.
Tín dụng tăng trưởng 9,4% trong nửa đầu năm được giải thích bởi một loạt các yếu tố như nhu cầu tín dụng phục hồi và việc phản ánh mức độ tăng của giá hàng hóa. Trong khi đó, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 4,5% so với đầu năm.
Cơ hội cho các khách hàng cá nhân trong việc tìm nguồn vốn vay mua ô tô từ nay đến cuối năm vẫn cao khi các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tập trung cho vay cá nhân. Điều này thể hiện qua hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm của các ngân hàng.
Đơn cử như tại HDBank, tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này được thúc đẩy bởi hoạt động cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng 21% so với đầu năm; cho vay tài chính tiêu dùng tăng 17% so với đầu năm, trong khi cho vay DNVVN tăng 13% so với đầu năm. Tính riêng trong tháng 6, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cho vay lĩnh vực nông nghiệp và cho vay mua nhà tại HDBank lần lượt chiếm 19%, 13% và 13% tổng tín dụng.
Trong khi đó, quý 2/2022, MSB ghi nhận tổng dư nợ tín dụng tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 113,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà, cho vay xây dựng và bất động sản trong tổng dư nợ lần lượt đạt khoảng 13,6% (15 nghìn tỷ đồng), 12% (13,2 nghìn tỷ đồng), và 9,7% (10,7 nghìn tỷ đồng).
Số dư nợ xấu ở mức 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so với quý trước, giúp tỷ lệ nợ xấu tại MSB giảm xuống còn 1,5%, trong khi nợ xấu trong quý 1 là 1,79%.
Tại VietinBank, ngân hàng đã tích cực thúc đẩy cho vay ngắn hạn trong quý 1/2022 nên kể từ tháng 3, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã gần đạt hạn mức tăng trưởng được NHNN cấp. Trong quý 2/2022, cho vay khách hàng cá nhân và DNVVN tăng lần lượt 7,7% và 3,1% so với quý trước. Dư nợ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ đạt 36%.
Với BIDV, tại thời điểm tháng 6/2022, tổng dư nợ đã tăng 9,4% so với đầu năm (tăng 4,5% so với quý trước), trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 16% so với đầu năm (tăng 6,9% so với quý trước). Tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ tiếp tục tăng lên 42% (so với 39,8% vào cuối năm 2021). Trong 40 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay tăng lên so với quý trước, 21,7 nghìn tỷ đồng là đến từ cho vay mua nhà, và 11,6 nghìn tỷ đồng là từ cho vay các hộ kinh doanh.
Còn tại Vietcombank, ngân hàng đạt tổng dư nợ 1,1 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng 14,4% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này đến từ tất cả các phân khúc khách hàng: cá nhân (tăng 15,6% so với đầu năm), DNVVN (tăng 12% so với cùng kỳ) và các tập đoàn, tổng công ty lớn (tăng 12,7% so với cùng kỳ). Cho vay mua nhà vẫn là thành phần lớn nhất trong tổng dư nợ khách hàng cá nhân tại Vietcombank. Cuối quý 2/2022, dư nợ cho vay mua nhà chiếm 26% tổng dư nợ tại nhà băng này.
Ngân Giang