Khách và chủ quán khó xử với phí ship

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 08:07:58

Nhiều người bán hàng online cho biết đang rơi vào tình trạng phí ship cao gần bằng giá trị đơn hàng vào một số thời điểm, khiến khách và chủ quán đều khó xử.

Anh Đỉnh, chủ quán mỳ, than bán hàng trên app ngày càng giảm do shipper hủy nhận đơn hàng - Ảnh: C.T.


Chị Minh Nguyệt - bán bún bò và bò khô Gia Lai qua các hội nhóm Facebook, Zalo - cho biết có người mua 2 tô bún bò giá 70.000 đồng từ quận Bình Thạnh (TP.HCM) giao sang đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) nhưng phí ship lên trên app hiển thị tới 50.000 đồng cho khoảng cách hơn 7km.


Sau khi nghe báo tổng giá trị đơn hàng là 120.000 đồng, khách hủy mua. Theo chị Nguyệt, các app giao hàng tính phí rất cao, tài xế ít nhận đơn khiến những người bán hàng online bị hủy đơn nhiều bởi chi phí ăn mòn lợi nhuận.


"Có những thời điểm phí ship cao quá, tôi phải gọi điện báo với khách, chia đôi tiền phí này để chia sẻ với khách. Nhưng đây không phải cách làm lâu dài", chị Nguyệt nói.

Ngay cả việc kinh doanh trên các app cũng bắt đầu "trần ai khoai củ", shipper liên tục hủy đơn hàng do chạy không có lãi. Anh Tấn Khoa - chủ quán ăn Phượng Hoàng (quận Gò Vấp) - cho biết doanh thu bán trên app chiếm 30-40%. Tuy nhiên thời gian gần đây shipper của Baemin, Grab và ShopeeFood đều không nhận đơn hoặc nhận xong hủy đơn xuất hiện càng nhiều.

Shipper cho hay do giá xăng tăng cao, nhiều đơn hàng khung giờ trưa nắng, quán đông đứng chờ tốn thời gian và khoảng cách giao hàng không thuận lợi, chạy không có lãi nên họ kén chọn nhận đơn hơn trước.

Từ 5 - 6 triệu đồng/ngày bán trên nền tảng app, nay chỉ còn 3 triệu đồng. Hơn nữa, các app "chặt" phí chiết khấu lên đến 25-30% và gợi ý quán ăn giảm giá bán để thu hút khách, khiến nhiều quán bán online không còn lãi.

Các chủ quán cho biết đã tìm nhiều phương án để giảm chi phí nhân sự bằng cách thuê theo giờ từ buổi sáng hoặc buổi trưa khi đông khách, còn lại duy trì 1 - 2 nhân viên đứng quầy. Nguyên liệu đầu vào sẽ co kéo, chọn lựa nhà cung cấp có giá hợp lý.

"Giờ nấu bán món gì cũng phải thắt lưng buộc bụng, không dám xả láng như trước nữa. Từ cọng mì, rau cũng tiết giảm hơn chút để cầm cự trong thời kỳ bão giá này", anh Khoa nói.

Kinh doanh hơn 10 năm với hệ thống hơn 20 quán mì Quảng Bà Mua, anh Nguyễn Thế Đỉnh (quận Tân Bình) thừa nhận chưa khi nào áp lực trong việc điều hành như hiện nay.

Từ cây tăm xỉa răng đến rau thơm, thịt heo, thịt gà, bánh tráng... cũng tăng giá 20-30% so với trước đây, chưa kể chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh.

Mỗi ngày quán nhận 4 - 5 thùng đồ từ Quảng Nam chuyển vào, giá vận chuyển mỗi thùng đã lên 500.000 đồng, tăng hơn 100.000 đồng so với trước đây.

"Mấy tháng trước mỗi ngày quán tôi bán khoảng 300 tô mì. Cứ doanh thu đạt 10 triệu đồng là hòa vốn, còn lại là tiền lời.

Cũng số lượng như trước, chi phí hòa vốn hiện nay phải là 12 triệu đồng do tôi quyết định giảm bớt lợi nhuận để giữ giá bán, chứ không thì khách sẽ bỏ đi vì người dân đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu", anh Đỉnh nói và cho rằng nếu giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, anh buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng gánh mãi được.


Chợ nhộn nhịp hơn nhờ tặng rau, hành...

Khách mua rau củ tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) được tặng ớt, hành... - Ảnh: N.TRÍ

Nhiều ngày qua gian hàng bánh kẹo của bà Trần Xuân Trang, chủ sạp Xuân Trang (chợ Bến Thành, quận 1) trở nên nhộn nhịp hơn nhờ áp dụng "mua bánh kẹo tặng bánh kẹo". Theo bà Trang, sản phẩm quà tặng không lớn nhưng khách hồ hởi hơn, mua sắm nhiều hơn.

Với gian hàng rau kế bên, bà Hồ Thị Vân cho biết rất nhiều người bán đã tham gia khuyến mãi bằng cách tặng ớt, hành, rau củ cho khách giúp không khí mua bán sôi động hơn hẳn.

Bà Trần Bích Hà (quận 1) - khách mua hàng tại chợ này - rất bất ngờ khi mua rau được bà Vân tặng ớt, hành. "Giá trị tặng tuy nhỏ nhưng mỗi thứ mỗi ít, đi chợ hằng ngày nên cũng giúp tiết kiệm được một khoản. Chương trình nên tổ chức thường xuyên", bà Hà đề nghị.

Trong khi đó nhờ miễn phí giao hàng cho hóa đơn trên 200.000 đồng và giảm giá 10.000 - 50.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa, bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung - chủ sạp hải sản Út Nhỏ (chợ Xóm Chiếu, quận 4) - cho biết sức mua đã tăng lên, trong đó lượng khách mua đặt giao hàng tăng nhiều.

Không khí mua sắm tại nhiều chợ truyền thống đã nhộn nhịp hơn hẳn nhờ số lượng tiểu thương khuyến mãi ngày càng nhiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-6, ông Lê Quang Thiện - trưởng ban quản lý chợ Tân Định (quận 1) - cho biết hầu hết trong số 834 hộ kinh doanh tại chợ đã tham gia chương trình Khuyến mãi tập trung.

Trong khi đó, theo đại diện ban quản lý chợ Bến Thành, đã có 178 hộ kinh doanh đăng ký giảm giá 5-30%, kèm quà tặng, và dự kiến số lượng trên sẽ còn tăng mạnh. Chợ Xóm Chiếu cũng có số lượng tiểu thương đăng ký khuyến mãi tăng lên, đến nay có hơn 850 sản phẩm được áp dụng chương trình khuyến mãi.

Muốn ăn bún bò, hủ tiếu, hay uống cà phê, trà sữa..., nhiều người dân ở TP.HCM phải đứng trước hai lựa chọn: một là chấp nhận trả tiền cao gấp đôi bình thường, hai là nhịn.

Chia sẻ Facebook