Khách Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam, tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 5
Khách Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 146.755 lượt, tăng 23,3% so với tháng 4. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt tổng số cả năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 ước đạt hơn 916.257 lượt. Dù có ngày nghỉ lễ 1/5, kết quả này vẫn giảm 6,9% so với tháng trước. Tuy vậy, so với cùng kỳ 2022, lượng khách tháng 5 vẫn tăng gấp 13 lần, bằng 74% năm 2019.
Tổng lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm ước đạt gần 4,6 triệu lượt, gấp 30 lần so cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ bằng 63% năm 2019 trước dịch.
Kết quả này cho thấy, những nỗ lực thu hút khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua đã mang về những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với nhóm khách Trung Quốc.
Trong top 10 thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam tháng 5, khách Trung Quốc đại lục tăng trưởng mạnh nhất với gần 147.000 lượt, gấp hơn 1,3 lần so tháng 4 với 111.903 lượt khách. Bên cạnh đó, Đài Loan và Hồng Kông cũng đạt hơn 58.000 lượt khách trong tháng 5, và đạt 252.000 lượt khách trong 5 tháng đầu năm.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường đưa khách lớn nhất vào Việt Nam với hơn 247.000 lượt trong tháng 5, nhưng giảm 5% so với tháng 4. Tổng trong 5 tháng đầu năm, khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 1,3 triệu lượt.
Thái Lan, Singapore, Campuchia, Mỹ là 4 thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn nằm trong top 10 thời gian qua, đến hết tháng 5 cũng có xu hướng giảm, với các chỉ số lần lượt bằng 67%, 88%, 79% và 77% tháng trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia và đại diện nhiều đơn vị lữ hành, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 có xu hướng giảm nhẹ do đây là tháng thấp điểm du lịch. Một năm sẽ có khoảng 3 tháng khách giảm là tháng 5, 6 và tháng 9
Từ tháng 10 sẽ chính vụ khách quốc tế, đây là thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới có các kỳ nghỉ lễ lớn, xu hướng đi du lịch tránh lạnh... Việt Nam sẽ là điểm đến yêu thích của các quốc gia châu Âu, châu Mỹ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng qua, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 22,1%; du lịch lữ hành tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.
Đặc biệt, trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"... Trong số này có nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.