Khách Tây tiết lộ lý do "băng rừng, vượt núi" đến tắm thác Du Già Hà Giang
Myrthe Egberink, một du khách người Hà Lan cho biết, khi đến thác Du Già, cô khá bất ngờ với dòng thác trắng xóa, chảy xiết nhưng nước mặt hồ thì xanh ngắt.
Cảm nhận đầu tiên khi đến thác Du Già là "Wow"
Myrthe Egberink (23 tuổi, quốc tịch Hà Lan) vừa có chuyến du lịch đến Hà Giang trong 4 ngày. Tại đây, cô và 11 người bạn có hành trình khám phá qua những địa điểm quen thuộc như: Thung lũng Sủng Là; phố cổ Đồng Văn; đèo Mã Pì Lèng…
Ngày 12/5, Myrthe Egberink và nhóm bạn được một hướng dẫn viên du lịch bản địa giới thiệu tới thác Du Già (xã Du Già, huyện Yên Minh). "Người này nói đây là thác nước hoang sơ, rất xanh mát và là địa điểm yêu thích của khách nước ngoài khi đến Hà Giang, tôi khá thích thú và đồng ý ngay", Myrthe Egberink kể.
Khoảng 10 giờ sáng, cô gái người Hà Lan vào đến thác Du Già. Cảm nhận đầu tiên khiến Myrthe Egberink phải thốt lên "Wow!" bởi không khí trong này vô cùng mát mẻ. Egberink nói, nó giống như bạn vừa lăn lộn ngoài trời nóng rồi bước chân vào một căn phòng điều hòa.
Những người bạn đi cùng cô cũng có cảm xúc tương tự. Qua lời kể của Myrthe Egberink, họ liên tục trầm trồ, biểu cảm "mắt tròn mắt dẹt" và muốn thay đồ bơi ngay lập tức, để ngâm mình xuống dòng nước.
"Ở quê hương Hà Lan chúng tôi, mọi thứ đều bằng phẳng. Những con đường, cảnh quan hay cả những ngôi làng đều là dạng địa hình thung lũng, do vậy khi đến Hà Giang và được di chuyển bằng xe máy, qua những cung đường núi, đèo tôi thấy vô cùng thích thú. Ở Hà Lan cũng không có nhiều dòng thác tự nhiên đẹp như thế này", Myrthe Egberink chia sẻ.
Tại thác Du Già, du khách người Hà Lan tắm và thực hiện một cú nhảy từ trên đỉnh thác. Myrthe Egberink cho biết, cô chỉ làm động tác đó một lần, và cảm giác "rất đã".
Vui chơi và chụp ảnh ở thác khoảng 1 tiếng, đến 11 giờ trưa, bắt đầu có nhiều đoàn khách đổ về thác, đa phần là khách nước ngoài. Toàn bộ mặt hồ nhỏ lúc này chật kín người nên Myrthe Egberink dời đi, tiếp tục hành trình khám phá Hà Giang.
Theo Myrthe Egberink, thác Du Già là một trong những điểm đến cô yêu thích nhất trong chuyến du lịch Việt Nam. Tuy chỉ là một dòng thác nhỏ và hoang sơ, nhưng chính điều này lại tạo ra sức hút riêng. Ngoài ra, khi đến đây, cô cũng được gặp nhiều người bạn, ở nhiều quốc gia khác nhau, họ đều rất thoải mái và vui vẻ.
Tour "đu dây vượt thác" được khách quốc tế ưa chuộng
Theo Highland Sport Travel, một đơn vị cung cấp dịch vụ tour du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt, có 90% đối tượng khách hàng của họ là khách quốc tế.
Thực tế, hoạt động nhảy thác tự do hoặc đu dây là một loại hình du lịch mạo hiểm, đã được du nhập vào Việt Nam từ năm 2014. Để được đưa vào khai thác tour mạo hiểm này, các đơn vị làm tour, công ty du lịch cần phải trải qua nhiều khâu kiểm định.
Cụ thể, công ty du lịch phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch địa phương.
Đối với hướng dẫn viên dẫn tour, cần có thẻ hướng dẫn viên quốc tế với 4 năm kinh nghiệm. Có chứng chỉ về kỹ thuật leo vách đá, đu dây của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch cấp, và một chứng chỉ quốc tế do một đơn vị ở Singapore cấp.
Các thiết bị bảo hộ của du khách như: áo người nhái, đai bảo hộ, áo phao, găng tay, mũ bảo hiểm… và các đồ dùng kỹ thuật khác đều phải qua kiểm định, cung cấp hóa đơn đầu vào công khai để chứng nhận nguồn cung thiết bị.
Hiện tại, tour đu dây vượt thác cơ bản có tất cả 7 hoạt động, theo các cấp độ khó tăng dần: đu dây (vách đá 15m và 18m), bay zipline (đu dây mạo hiểm), đi bộ, trượt nước, nhảy tự do… Tùy năng lực và mong muốn trải nghiệm của khách đến đâu, sẽ thực hiện đến đó.
Trước khi vào tour, du khách tập trung tại bãi tập kết, trang bị đồ bảo hộ và được hướng dẫn viên hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản. Thời gian training khoảng 1 tiếng. Chỉ khi nào hướng dẫn viên đánh giá kỹ thuật của khách đảm bảo, thì tour mới xuất phát.
Trong quá trình du khách thực hiện thử thách, ngoài hướng dẫn viên còn có đội ngũ kỹ thuật tour giám sát. Những người này sẽ chỉ dẫn cho khách chỗ nào được chơi, chỗ nào không được chơi, chỗ nào phải sử dụng thiết bị đu dây, chỗ nào được nhảy tự do. Điều này bắt buộc phải tuân theo lộ trình tour, du khách không được tự ý thực hiện.
"Trong thực tế, tất cả các lộ trình nhảy như các trò chơi ở biển, nhảy bể bơi, tắm suối… ở độ cao khoảng 5m là bình thường, nếu nhảy có đồ bảo hộ như áo phao hoặc mũ bảo hiểm. Đó là đối với các trường hợp nhảy đơn.
Còn với nhảy đôi, cụ thể là ôm nhau cùng nhảy như clip của hai du khách ở Hà Giang, điều này lại khá nguy hiểm. Việc ôm nhau, không mặc áo phao, khi tiếp nước sẽ ở dạng thức người này đè lên người kia, tạo áp lực lớn cho nước, gây nguy hiểm trực tiếp cho người thực hiện", đại diện Highland Sport Travel cho biết.
Vị này cũng cảnh báo, du khách khi thực hiện nhảy thác, đặc biệt là nhảy tự do cần có kỹ thuật cơ bản, hoặc phải mặc áo phao.
Tốt hơn, khách vẫn nên lựa chọn những đơn vị tour uy tín, đã được cấp phép để đảm bảo an toàn cho bản thân với những hoạt động du lịch mạo hiểm.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao đoạn video ghi cảnh hai vị khách Tây, một nam một nữ, ôm nhau, nhảy lộn nhào liên tiếp ba vòng từ đỉnh thác Du Già (Hà Giang). Được biết, độ cao từ vị trí nhảy xuống mặt nước khoảng 8m.
Một số cho rằng việc nhảy từ vị trí cao như vậy là quá nguy hiểm, số còn lại đánh giá kỹ thuật nhảy của du khách là có kinh nghiệm, phải nhảy nhiều lần mới dám thực hiện động tác đó, không nên làm nghiêm trọng vấn đề.
Chính quyền địa phương sau đó cho biết, đã có biển cảnh báo và cấm du khách nhảy đặt tại khu vực này.