Khách hàng ‘ruột’ hùn tiền giúp salon tóc mở cửa trở lại sau Covid-19
Chủ salon tóc vô cùng bất ngờ khi nhận được khoản tiền quyên góp từ các khách hàng 'ruột' giúp cửa hàng mở cửa trở lại sau dịch bệnh Covid-19.
Một chủ salon tóc gặp khó khăn tài chính tới mức phải đóng cửa hàng sau 2 tháng thành phố Thượng Hải thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ nhận được khoản tiền quyên góp 50.000 nhân dân tệ (7.350 USD) của những khách hàng “ruột”.
Anh Martin Li Menghua (25 tuổi) và cộng sự đã mở salon tóc có tên Martin & Jin ở quận Hoàng Phố của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 11/2019.
Tuy nhiên, vào cuối tháng Năm, anh Li buộc phải đóng cửa hàng do cạn kiệt nguồn vốn sau khi công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề vì lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng của thành phố Thượng Hải.
Ngay cả trong khoảng thời gian phải đóng cửa dừng kinh doanh để phòng dịch, anh Li vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và lương cho nhân viên, theo Dahe News.
Khách hàng của anh Li có tới 95% là người nước ngoài. Khi hay tin salon tóc đóng cửa, họ đã ngay lập tức có hành động giúp đỡ. Theo đó, một số người giúp anh Li quay video kêu gọi sự hỗ trợ trên mạng, còn những người khác bắt đầu quyên góp tiền.
Anh Li hiện nhận được số tiền hơn 50.000 nhân dân tệ (7.350 USD) từ 80 khách hàng nước ngoài bao gồm một số người đã rời khỏi Trung Quốc.
Những nhà hảo tâm hy vọng hoạt động của salon tóc anh Li sẽ được nối lại, trong bối cảnh nhiều cửa hàng ở Thượng Hải đã phải dừng kinh doanh do thất thu tài chính.
“Trước khi nhận được khoản quyên góp, tôi đã quyết định dừng kinh doanh salon. Các khách hàng nói rằng số tiền này tôi hoàn toàn được phép chi tiêu theo ý. Họ nói dù tôi có làm gì, họ cũng sẽ ủng hộ và không có bất cứ áp lực nào”, anh Li tâm sự.
“Tôi từng nghĩ chỉ có bố mẹ mới hỗ trợ tôi. Nhưng những khách hàng này lại không cho tôi vay, mà là tặng tiền cho tôi. Tôi đã làm việc xa nhà hơn 10 năm. Tôi đã gặp được nhiều người tốt, nhưng cũng bị không ít người lừa đảo. Lòng tốt này là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi thực sự rất cảm động”, anh Li cho hay.
Theo anh Li, khoản tiền quyên góp của các khách hàng cho thấy họ đánh giá cao công việc anh đang làm, và giúp anh cảm nhận được “sự ấm áp ở Thượng Hải”.
“Tôi tự hào về bản thân mình. Tôi cảm thấy những gì tôi làm trong nhiều năm qua là có ý nghĩa, và công việc của tôi nhận được sự tôn trọng của người khác”, anh Li nói thêm.
Anh Li sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở huyện Tây Hoa của tỉnh Hà Nam. Anh đã thôi học từ năm mới 13 tuổi. Sau đó, anh đi khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc để học nghề làm tóc trước khi tới Thượng Hải lúc 16 tuổi.
Bằng khả năng tự học tiếng Anh cách đây 6 năm, anh Li hiện giao tiếp trôi chảy với những khách hàng là người nước ngoài. Được biết, sau 6 tháng tự học, anh Li đã có thể nói chuyện bằng tiếng Anh được với khách.
Nhờ đó anh Li có số điện thoại liên lạc của 3.000 người nước ngoài trong danh bạ điện thoại. Trước khi thành phố Thượng Hải thực hiện lệnh phong tỏa và áp dụng các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19, salon tóc của anh Li được rất nhiều khách hàng nước ngoài ghé thăm. Thậm chí, nhiều người phải di chuyển bằng ô tô 2 tiếng đồng hồ để tới cửa hàng của anh Li cắt tóc.
Salon tóc rộng 40m2 của anh Li còn là nơi tụ tập của những khách hàng nước ngoài, và anh Li cũng thường xuyên được mời tới dự các bữa tiệc của khách với tư cách là một người bạn chứ không chỉ là thợ cắt tóc.
Nói về quyết định đóng cửa salon, anh Li nói bản thân rất buồn nhưng không còn lựa chọn nào khác, do cửa hàng đã bị dừng hoạt động hơn 6 tháng trong vòng 2 năm qua vì các quy định phòng dịch.
“Salon phải đóng cửa không phải vì tay nghề của chúng tôi kém, hay chất lượng dịch vụ thấp. Trong tình huống này, chúng tôi không thể làm gì được và chúng tôi cảm thấy bất lực”, anh Li trải lòng.
Hiện tại, anh Li và các đồng nghiệp đang làm việc trong một salon của người bạn. Anh Li chân thành cảm ơn khoản quyên góp của các khách hàng, nhưng số tiền này còn quá ít để anh có thể mở một salon mới.
Anh Li ước tính khoảng 1/2 số khách nước ngoài của salon đã rời khỏi Trung Quốc bao gồm “những người bạn cũ”.
“Chắc chắn chúng tôi không có cơ hội gặp lại nhau. Tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này”, anh Li cho biết.
Cho tới nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ phải đóng cửa hoạt động do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa kéo dài tại thành phố Thượng Hải.
Song số liệu được chính phủ Trung Quốc cung cấp đã cho thấy phần nào mức độ khó khăn của các doanh nghiệp.
Cụ thể, ngành ăn uống là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh Covid-19 với 373.000 nhà hàng phải đóng cửa trong nửa đầu năm nay, so với con số 320.000 trong năm 2020 và 935.000 năm 2021.
Minh Thu (lược dịch)