Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa sụt giảm mạnh so cùng kỳ năm trước
Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa ghi nhận lợi nhuận trong quý 3/2022 sụt giảm mạnh tới hơn 300% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh ảm đạm
Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (Công ty Tiên Sơn), về việc giải trình chênh lệch lợi nhuận biến động mạnh trong báo cáo tài chính quý 3/2022.
Theo đó, kết quả kinh doanh quý 3/2022, Công ty Tiên Sơn ghi nhận lợi nhuận sụt giảm tới hơn 305% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong quý III/2022, Tiên Sơn Thanh Hóa chỉ ghi nhận hơn 610 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi đó, cùng kỳ năm trước mức lợi nhuận trên mà Tiên Sơn ghi nhận là hơn 2,47 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi UBCKNN về những biến động trên, Công ty Tiên Sơn lý giải, trong quý III năm nay mặc dù doanh thu thương mại tăng 125%, hoạt động cho thuê nhà xưởng tăng gần 71% nhưng do doanh thu từ hoạt động gia công giảm gần 50%, trong khi chi phí tài chính cũng tăng do công ty vay tiền đầu tư nhiều, đã khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, khi so sánh với kết quả kinh doanh quý 2 cũng cho thấy sự biến động mạnh. Trong quý II, Tiên Sơn Thanh Hóa ghi nhận hơn 88,324 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chủ yếu khoản lợi nhuận này xuất phát từ việc bán bất động sản. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ở quý I của Tiên Sơn cũng chỉ ghi nhận vỏn vẹn hơn 21 triệu đồng.
Điểm qua một vài chỉ tiêu quan trọng khác, tính từ đầu năm tới hết ngày 30/9, tài sản của Công ty Tiên Sơn tăng khoảng 83 tỷ đồng, từ 976 tỷ lên 1.059 tỷ đồng. Trong đó, nhiều khoản mục tài sản trọng yếu của doanh nghiệp này có sự biến động mạnh.
Cụ thể, so với thời điểm đầu năm nay, khoản mục tài sản cố định của Tiên Sơn giảm 256 tỷ đồng, từ 434 tỷ xuống 178 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 59% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 93 tỷ xuống 31,7 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn khác giảm khoảng 20 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm 48 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản tăng tới chủ yếu từ 2 chỉ tiêu là các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu với các đối tác khách hàng tăng khoảng 175 tỷ đồng từ 211 tỷ đồng lên 386 tỷ đồng và bất động sản đầu tư tăng từ con số 0 tỷ đồng từ đầu năm lên 272 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản mục khác như hàng tồn kho, tài sản dài hạn khác... không có nhiều biến động lớn.
Như vậy, qua các biến động trên có thể phần nào nhận thấy trong thời gian qua, Công ty Tiên Sơn đã dần thu hẹp ở mảng trực tiếp sản xuất may mặc cơ bản, từng bước dịch chuyển sang mảng bất động sản đầu tư.
Khó khăn thực hiện "phát hành, hút vốn"
Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 6 tháng niêm yết và giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh(HoSE), Tiên Sơn Thanh Hóa đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch phát hành thêm 25 triệu cố phiếu, nâng vốn điều lệ của Công ty lên hơn 638 tỷ đồng. Đây có thể xem là động thái tăng cường năng lực, chuẩn bị mục tiêu thực hiện các thương vụ ở mảng bất động sản, một lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư đánh giá là "màu mỡ" nhưng cũng cần năng lực vốn lớn.
Tiếp thành công suôn sẻ ở đợt phát hành đầu tiên, trong tháng 4/2022, tại đại hội cổ đông Công ty Tiên Sơn đã thống nhất quyết nghị phương án tiếp tục phát hành thêm 65 triệu cổ phần, tăng gấp đôi quy mô vốn điều lệ hiện tại.
Theo đó, đại hội thống nhất phát hành thêm 65 triệu cổ phiếu AAT, giá phát hành 10.000/cp, với tổng trị giá 650 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty lên 1.288 tỷ đồng, thông qua hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Kế hoạch tăng vốn trên dự kiến sẽ được Tiên Sơn Thanh Hóa thực hiện trong năm 2022 hoặc có thể kéo dài tới quý I/2023.
Tuy nhiên, ngoài bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 tương đối ảm đạm, thì diễn biến của cổ phiếu Công ty Tiên Sơn (mã cổ phiếu: AAT) trên thị trường chứng khoán thời gian qua cũng đang tương đối "tiêu cực".
Theo ghi nhận, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, thị giá cổ phiếu AAT chốt ở mức 7.200 đồng/cổ phiếu, nằm sâu dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, tính từ đầu năm tới nay, một nhà đầu tư nếu nắm giữ cổ phiếu AAT cũng sẽ mất khoảng 59% giá trị tài sản. Cụ thể, giá cổ phiếu AAT đã giảm một mạch từ mức 17.300 đồng/cổ phiếu ngày 4/1 về mức giá đóng cửa phiên giao dịch chiều 25/10.
Rõ ràng, về bản chất phương án phát hành của Công ty Tiên Sơn cho các nhà đầu tư riêng lẻ là ở thị trường sơ cấp, tuy nhiên, những diễn biến giao dịch cổ phiếu AAT tại thị trường thứ cấp - trên sàn HoSE, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư ở thương vụ này.
Việt Phương