Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp: Thất bại đối với Tổng thống Macron
Kết quả cuộc bầu cử có thể được nhìn nhận là một thất bại đối với Tổng thống Macron và tạo ra thế khó cho chính quyền của vị Tổng thống này.
Theo kết quả bầu cử đầy đủ được Bộ Nội vụ Pháp chính thức công bố vào sáng sớm 20/6 (theo giờ địa phương), liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Emmanuel Macron đã đánh mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội nước này khi chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ 289 ghế cần thiết.
Báo chí Pháp cho rằng, liên minh "Cùng nhau" đã có những dự báo, phán đoán chưa chính xác trong quá trình vận động tranh cử và bị bất ngờ với kết quả bỏ phiếu. Liên minh này tập trung ưu tiên vận động vào tầng lớp cử tri khá giả, có trình độ hơn, lớn tuổi, tức là những cử tri "có xu hướng đi bỏ phiếu". Kết quả là "Cùng nhau" đã mất hơn 100 ứng cử viên đủ điều kiện vào vòng hai và số ứng cử viên dẫn đầu vòng một cũng thấp hơn một nửa so với năm 2017.
Việc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành đến 89 ghế tại Quốc hội Pháp được truyền thông Pháp đánh giá là một sự kiện nổi bật. Đây là số ghế cao nhất mà đảng cực hữu giành được trong lịch sử các kỳ bầu cử Quốc hội Pháp dưới thời nền Cộng hòa thứ 5 và trên thực tế đã biến đảng này trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Pháp.
Về tỷ lệ cử tri vắng mặt, con số sơ bộ cho thấy tỷ lệ vắng mặt tại vòng 2 là khoảng trên 53%. Điều này cho thấy xu hướng xa rời, thờ ơ của cử tri Pháp đối với bầu cử Quốc hội từ hơn 2 thập kỷ qua chưa có dấu hiệu thay đổi. Nói cách khác là cử tri Pháp vẫn chưa lấy lại được lòng tin vào hệ thống chính trị, vào các đảng phái như trước kia.
Theo ông Philippe Moreau-Chevrolet - Nhà phân tích chính trị: "Kết quả này là do việc cử tri không đi bỏ phiếu. Có thể thấy khoảng 70% người dưới 30 tuổi không bận tâm đến việc đi bầu cử, có nghĩa là 2/3 thanh niên ở Pháp không đi bỏ phiếu. Tỷ lệ người trẻ đi bầu cử vẫn luôn thấp hơn các nhóm tuổi khác, nhưng lần này thấp đến khó tin và chắc chắn sẽ có những tác động về sau. Còn đối với cử tri lớn tuổi, nhiều cử tri bầu cho Tổng thống Macron đã không đi bỏ phiếu ở vòng bầu cử Quốc hội".
Những gì chờ đợi chính quyền của ông Macron sắp tới sẽ rất khó khăn. Nguy cơ tê liệt chính trị không nhỏ, bởi bất cứ một quyết sách, một cải cách nào của ông Macron cũng đều cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Pháp.
Giới phân tích chính trị Pháp cho rằng, trước mắt ông Macron chỉ có thể vận động các nghị sĩ ôn hòa của cánh hữu và cánh tả đối với từng dự án, từng dự luật cụ thể để có đủ 289 phiếu ủng hộ. Nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và sớm muộn, ông Macron có lẽ sẽ phải tính đến phương án sử dụng điều 12 Hiến pháp đó là giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại.
Tuy nhiên, việc giải tán Quốc hội chỉ có thể được thực hiện sau 1 năm diễn ra cuộc bầu cử, tức là sang năm sau ông Macron mới có thể hy vọng tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay đổi cán cân trong Quốc hội Pháp. Điều này cũng có nghĩa là từ nay đến khi đó, các quyết sách lớn, các dự án cải cách mà ông Macron ấp ủ thực hiện sẽ bị đóng băng hoàn toàn.