Kết luận chùm ngộ độc botulinum ở Thủ Đức: ‘Chỉ một vụ là ngộ độc botulinum’
Ban Quản lý an toàn thực phẩm kết luận chỉ một trong 3 vụ tại TP. Thủ Đức là ngộ độc botulinum. Điều này trái với kết luận từ các bệnh viện.
Trong 3 vụ với tổng 7 người bị ngộ độc botulinum tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), Ban Quản lý an toàn thực phẩm kết luận chỉ một vụ được xác định có nguyên nhân từ độc tố botulinum do ăn bánh mì chả lụa. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất chả lủa được xác định “chưa đủ cơ sở kết luận” là nơi gây ra vụ ngộ độc.
Sau gần 3 tháng điều tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm vừa có văn bản báo cáo kết quả các vụ nghi ngờ ngộ độc Clostridium botulinum tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, cả 3 vụ nghi ngộ độc đều khởi phát từ ngày 13/5, phân bố rải rác ở các phường Thạnh Mỹ Lợi, Long Thạnh Mỹ và Cát Lái.
Có tổng cộng 7 người nghi ngộ độc. Trong 6 người nhập viện cấp cứu, một người tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Cơ quan quản lý thực phẩm kết luận chỉ 1 trong 3 vụ nghi ngộ độc – tại phường Long Thạnh Mỹ – là do độc tố Clostridium botulinum. Thức ăn nghi gây ngộ độc là bánh mì chả lụa mua từ người bán rong.
Hai vụ ngộ độc còn lại ở phường Cát Lái và Thạnh Mỹ Lợi được nhận định là không có cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm.
Đối với vụ ngộ độc tại phường Long Thạnh Mỹ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cho hay có 4 người bị ngộ độc, gồm 1 người lớn và 3 trẻ từ 10-14 tuổi. Bốn người lần lượt xuất hiện các triệu chứng nôn ói, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy chỉ sau 10-24h ăn bánh mì với chả lụa mua từ người bán rong.
Ba trẻ (là anh em ruột), gồm N.V.H (SN 2009), N.V.Đ (SN 2010) và N.T.X (SN 2013) sau đó đều chuyển nặng (yếu chi, sụp mi, rối loạn tri giác…) và lần lượt nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị dài ngày. Trong đó, bệnh nhi N.V.Đ. nguy kịch, các bác sĩ phải chỉ định truyền huyết thanh kháng độc, đặt nội khí quản và hiện vẫn còn phải nằm viện theo dõi.
Riêng người dì – bà N.T.H. (SN 1952) không nhập viện. Theo kết luận, bà H. “tự mua thuốc uống tự khỏi”, sau đó sức khỏe ổn định. Bà H. cũng là ca đầu tiên phát sinh các triệu chứng của chùm ngộ độc này.
Đối với cơ sở cung cấp chả lụa gây ngộ độc, kết quả điều tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm khẳng định cơ sở này không có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có đăng ký kinh doanh, sử dụng nguyên liệu (như thịt heo, thịt gà, mỡ heo) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy khẳng định có đủ cơ sở kết luận các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium botulinum, nhưng Ban Quản lý an toàn thực phẩm khẳng định “chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân gây ngộ độc là từ cơ sở này”.
Trước đó, mẫu xét nghiệm bánh mì còn sót lại tại nhà của nhóm ngộ độc này không phát hiện botulinum. Riêng chả lụa, do các bệnh nhân đã dùng hết nên không có mẫu xét nghiệm.
Với 2 cơ sở sản xuất chả lụa ở phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức mà nhóm bệnh nhân này đã sử dụng, do sản phẩm chả lụa sản xuất ngày 13/5 không còn nên cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu sản xuất ngày 17/5. Kết quả kiểm nghiệm âm tính với Clostridium botulinum.
Bệnh nhân nhiễm botulinum đã quá thời gian vàng giải độc
Theo kết luận điều tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cho rằng 3 trường hợp ngộ độc còn lại, gồm một ca tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và 2 ca là anh em ruột quê Hậu Giang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không có cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, cả 3 ca được các bệnh viện hội chẩn, chẩn đoán và điều trị theo hướng ngộ độc botilinum.
Ca tử vong là ông P.V.H. (45 tuổi, ngụ phường Cát Lái) được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu vào tối 15/5 trong tình trạng yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi và được đặt nội khí quản thở máy.
Bệnh nhân được lấy mẫu phân làm xét nghiệm chẩn đoán Clostridium botulium, đến ngày 19/5 kết quả cho thấy bệnh phẩm bệnh nhân có gen độc tố Clostridium botulium type A, là một trong những type rất nặng. Do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, bệnh nhân không đáp ứng điều trị, tử vong vào tối 24/5, trước khi kịp dùng thuốc giải độc BAT.
Với hai ca ngộ độc là anh em L.N.T (SN 2005) và L.N.T (SN 1997) ở phường Thạnh Mỹ Lợi, sau khi ăn bánh mì với chả lụa mua từ người bán dạo vào ngày 13/5, đến ngày hôm sau lần lượt người em và người anh cùng xuất hiện triệu chứng ngộ độc, phải nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn, điều trị ngộ độc botulinum.
Sau một thời gian được chăm sóc tích cực, người anh thực hiện được một số y lệnh đơn giản, khả năng tự thở vẫn hạn chế. Đây là bệnh nhân có sức cơ khá hơn khi nhập viện nhưng diễn tiến xấu dần, sức cơ yếu, cơ hô hấp yếu. Người em là bệnh nhân nặng hơn, đến nay tỉnh táo, gọi biết, gật đầu nhưng chưa thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản.
Chiều 8/6, 2 bệnh nhân được hỗ trợ chuyển viện về Bệnh viện đa khoa Hậu Giang tiếp tục trị liệu.
Trước kết luận của Ban quản lý An toàn thực phẩm, báo Tuổi Trẻ cho hay đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy “vẫn bảo lưu quan điểm các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum” . Người đại diện cho biết các bác sĩ “dựa vào triệu chứng lâm sàng, tức cùng lúc có một loạt bệnh nhân ăn cùng loại thực phẩm và có cùng bệnh lý như nhau” để đưa ra đánh giá ngộ độc botulinum.
Nguyễn Sơn
Thêm nhiều ca ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua tại Quảng Nam
Tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vừa liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua - món ăn truyền thống của người địa phương.