Kết giao bạn bè: Trọng nghĩa không trọng lợi
Nếu kết giao vì lợi thì khi lợi hết tình sẽ tiêu tan, vì quyền thì khi quyền mất đôi bên sẽ tuyệt giao, chỉ có kết giao vì nghĩa thì tình...
Mạnh Tử nói: “Bạn bè đến với nhau không cậy lớn bé, không cậy để có địa vị, cũng không cậy để có anh em gần gũi. Bạn bè là kết bạn về đức hạnh, không phải là để cậy nhờ điều gì”. Con người ta sống ở đời không thể tách rời bạn bè. Tình bằng hữu giữa bạn bè với nhau chính là hoa trái được kết tinh từ mối quan hệ giao tế giữa con người với con người, nó có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Cổ nhân cho rằng, trong kết giao bạn bè cần có thái độ khiêm tốn, vừa thân thiết, kính trọng lại phải khoan dung đối phương. Ngoài ra làm bạn với nhau phải biết khuyên nhủ, chỉ ra những điều sai trái và khích lệ, tán thưởng những điểm tốt của bạn. Tình bạn như vậy mới được bền chặt và lâu dài.
Cùng người khác kết giao bạn bè, nếu chỉ nhìn vào khuyết điểm của đối phương mà không nhìn vào sở trường của đối phương thì tình bạn đó không thể tồn tại được. Nhưng nếu có thể nhìn vào sở trường của đối phương mà không quá để tâm đến khuyết điểm của đối phương thì có thể làm bạn cả đời.
Nói về kết giao bạn bè, người xưa có rất nhiều lời khuyên:
“Dĩ lợi giao giả, lợi tẫn nhi giao sơ” , tức là bạn bè kết giao vì lợi ích thì khi lợi hết tình bạn cũng liền bất hòa, tiêu tan.
“Dĩ thế giao giả, thế khuynh nhi giao tuyệt” , nếu kết bạn vì quyền thế thì khi thất thời, không còn quyền thế nữa, đôi bên cũng sẽ tuyệt giao.
“Dĩ sắc giao giả, hoa lạc nhi ái du” , nếu người đàn ông yêu một người phụ nữ vì sắc đẹp, người phụ nữ yêu một người đàn ông vì vẻ ngoài phong độ tuấn tú thì khi hai người già đi, vẻ đẹp bên ngoài không còn nữa thì tình yêu ấy cũng liền phai nhạt.
“Dĩ đạo giao giả, thiên hoang nhi địa lão” , nếu hai người kết giao vì tình nghĩa, vì đạo nghĩa, vì ân nghĩa thì tình bạn ấy mới có thể vượt qua được những khó khăn mà tồn tại lâu dài, thiên trường địa cửu.
Trong lịch sử có những người kết giao vì tình vì nghĩa mà được lâu dài, lưu danh thiên cổ. Câu chuyện về tình bạn giữa Văn Thiên Tường và Trương Thiên Tái là một ví dụ.
Trương Thiên Tái là bạn thân thiết của danh thần triều Tống Văn Thiên Tường. Thời niên thiếu, Trương Thiên Tái và Văn Thiên Tường thân thiết như anh em ruột thịt. Sau này đến tận lúc Văn Thiên Tường đã làm quan to đến chức Thừa tướng, danh tiếng hiển hách khắp thiên hạ thì Trương Thiên Tái vẫn chỉ là một người dân thường.
Dù người bạn thân thiết hiển đạt nhưng Trương Thiên Tái trước sau đều chưa từng lợi dụng tình cảm của Văn Thiên Tường. Văn Thiên Tường từng nhiều lần giúp đỡ và tiến cử bạn ra làm quan, nhưng Trương Thiên Tái luôn tránh né.
Đến khi Văn Thiên Tường kháng quân Nguyên bị bắt, tình thế vô cùng nguy nan thì Trương Thiên Tái không hề sợ hãi, một mực đứng ra cứu trợ. Khi Văn Thiên Tường bị áp giải đến dưới thành Cát Châu, Trương Thiên Tái đã lẻn vào gặp ông, khóc mà nói: “Thừa tướng! Ngài đi đến Yên Kinh, tôi cũng theo ngài đến đó.”
Khi Văn Thiên Tường bị áp giải đến phương Bắc, bị nhốt vào trong đại lao, Trương Thiên Tái cũng ở gần nơi đại lao, hàng ngày đều cung cấp đồ ăn thức uống cho bạn. Cứ như vậy suốt ba năm liền Trương Thiên Tái chăm sóc cho Văn Thiên Tường. Trương Thiên Tái còn liều mình mang những điều mà Văn Thiên Tường viết trong ngục để truyền ra ngoài.
Văn Thiên Tường bị giết, Trương Thiên Tái lại mạo hiểm tính mạng của mình để mang thi thể của bạn đi an táng. Sau nhiều năm tìm kiếm tung tích, cuối cùng Trương Thiên Tái cũng biết được nơi lưu lạc của vợ Văn Thiên Tường. Ông liền mang những kỷ vật và những bản thảo của Văn Thiên Tường khi còn sống giao lại cho người vợ của bạn mình.
Người đời sau đem câu chuyện trọng tình trọng nghĩa của Trương Thiên Tái đối với Văn Thiên Tường truyền tụng lại, gọi là “Sinh tử giao tình, Thiên Tái nhất ngạc” , ý nói tình bạn chân thành có thể vì đối phương mà không tiếc nguy hiểm mạng sống.
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là một câu rất có đạo lý trong Kinh Dịch, tức là nói những người có cùng chí hướng sẽ tự nhiên ở cùng nhau, tác động, ảnh hưởng đến nhau. Nếu một người kết giao vì lợi ích cá nhân, vì để lợi dụng quyền thế, thì người bạn kia cũng không thể tận nghĩa với người ấy được. Vì vậy, trong kết giao, nếu muốn có một người bạn thực sự ở bên mình trọn đời thì phải lấy đạo nghĩa làm trọng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :