Kéo startup blockchain về Việt Nam (kỳ 2): Tháo rào cản cần giải pháp nào?
Hiện nay, hành lang pháp lý cho các hoạt động blockchain, huy động tài chính vẫn chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia và Việt Nam, cung như chưa có pháp lý cho quản lý tài sản số trên hệ thống.
Xây dựng hành lang pháp lý cho tài sản số
Lý giải về nguyên nhân các startup blockchain Việt luôn chọn nước ngoài là nơi “khai sinh” bà Đoàn Kiều My - Trưởng làng Công nghệ Tiên phong Techfest Việt Nam cho biết, thể chế - quy định – sự trợ giúp từ chính phủ chính là những lý do khiến cho việc đặt trụ sở tại nước ngoài của các startup blockchain Việt trở thành một xu hướng. Câu trả lời hoàn toàn nằm ở khung pháp lý cho lĩnh vực này.
Với chính sách cởi mở, hành lang pháp lý rõ ràng cùng với đó là chương trình miễn thuế từ 50-70% trong 3 năm đầu cho các startup, không đánh thuế hai lần trên cùng một loại thu nhập nên không khó hiểu khi các startup ưu tiên chọn những điểm đến như Singapore để “làm giấy khai sinh” cho doanh nghiệp của mình.
Đối với tiền ảo, mặc dù startup phải có giấy phép để hoạt động nhưng lại được cơ quan quản lý linh động cho phép hoạt động ngay từ quá trình chờ hoàn thiện đăng ký giấy phép. Không chỉ có thế, Singapore cũng là một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng tiền ảo như một phương tiện trao đổi. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để phát triển các startup tiền ảo và blockchain.
Bên cạnh đó ông Bùi Thành Đô, đối tác sáng lập – Giám đốc điều hành tại Qũy đầu tư Thinkzone Ventures cũng cho biết, việc các startup blockchain chọn Singapore đặt trụ sở vì có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cùng với đó thủ tục và quy trình đầu tư nhanh hơn khi đầu tư vào các công ty đặt tại Việt Nam cũng đang là một trong những lý do khiến tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực blockchain đang diễn được diễn ra ngày càng nhiều.
Đứng ở góc độ startup lĩnh vực blockchain, ông Ngô Tuấn Khôi – Giám đốc công ty Moonka chia sẻ, pháp lý chưa hoàn thiện khiến các startup phải chạy xô ra nước ngoài đang là một trong vấn đề khó khăn lớn nhất đối với các startup.
“Đây là tình trạng chung, hiện chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mảng blockchain này. Cái mà mọi người trong ngành đang đặc biệt quan tâm là tình trạng chảy máu chất xám khi mà chưa có hành lang pháp lý khiến cho các startup chạy ra nước ngoài.” – ông Ngô Tuấn Khôi nói.
Hiện nay, hành lang pháp lý cho các hoạt động blockchain , ICO - (Initial Coin Offering: huy động tài chính) vẫn chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, vẫn chưa có các pháp lý cho quản lý tài sản số trên hệ thống. Việc này đồng nghĩa với việc không thể thu được thuế từ các hoạt động ICO, cũng như không bảo vệ được nhà đầu tư sở hữu tài sản số.
Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đang là vấn đề mà mọi startup Việt trong lĩnh vực blockchain đang mong mỏi mỗi ngày. Việc đồng hành của Chính phủ trong việc tạo ra cơ chế chính sách như một chất xúc tác làm nhanh hơn, chiều sâu hơn trong quá trình ứng dụng công nghê này vào công cuộc chuyển đổi số của Quốc gia cũng như khẳng định vị thế của mình trên bản đồ blockchain thế giới
Startup công nghệ cần hệ sinh thái
Theo các chuyên gia, để không chỉ startup blockchain mà còn các startup các công nghệ tiên phong như AI, bigdata có thể yên tâm đi phát triển tại sân nhà thì cần phải sớm giải quyết được câu chuyện thể chế, pháp lý. Bên cạnh đó cần phải có những hướng dẫn cụ thể, sự trợ giúp từ chính phủ cho các startup trong lĩnh vực này.
Bà Đoàn Kiều My nhấn mạnh: “Nếu chúng ta thật sự muốn giải quyết vấn đề thì cái lớn nhất và quan trọng nhất là của một Chính phủ khi làm đó là cái sự khuyến khích, khuyến khích từ hệ sinh thái. Lớn nhất là câu chuyện thể chế cũng như là phần khung pháp lý và những hướng dẫn cụ thể về khung pháp lý đấy.”
Hay theo ông David Trần, Giáo sư ngành Khoa học máy tính tại Đại học Massachusetts (Mỹ), chúng ta không thể để blockchain, crypto tự do như vậy vì đất nước nào cũng có đặc thù và quản trị riêng của đất nước đó nhưng cũng không thể cấm hay bỏ 100%. Chúng ta ít nhất có thể để các tổ chức tài chính tham gia vào hoặc chúng ta liệu có cần xây dựng một mạng blockchain riêng hay không?...
Rõ ràng, xây dựng khung pháp lý vốn vẫn đang chỉ mới bắt đầu và cả hệ sinh thái trợ giúp cho Startup blockchain có đất sống nhưng vẫn còn trống không... đều là những vấn đề nan giải với các startup đang phải đi tìm môi trường kinh doanh và phát triển thuận lợi. Và những gợi ý, những mong đợi, băn khoăn đối với vấn đề này của các startup "made in Vietnam" nhưng đăng ký nước ngoài, hiện vẫn còn bỏ ngỏ...
“Ở việt nam chúng ta không nên bỏ qua lĩnh vực này vì sẽ không chỉ “chảy máu chất xám” mà còn dẫn đến “chảy máu tài chính”.” Ông David Trần đề xuất.
Với động thái ban hành quyết định Quyết định 942/QĐ-TTg vào ngày 15/06/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đây được xem là một bước đột phá khi đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như mã QR, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn tạo điều kiện sớm triển khai công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số.
Còn theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học Bộ KH&CN cho biết, những năm gần đây Việt Nam tuy đã có cái nhìn cởi mở và nhận định blockchain sẽ là lĩnh vực đầy tiềm năng nên vấn để pháp lý để các startup yên tâm phát triển tại Việt Nam thì Chính phủ đang tiến hành tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình và kế hoạch hợp lý nhất.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho các startup tiếp cận một cách khoa học, đúng bản chất và ứng dụng vào thực tiễn để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ lợi ích chung theo chủ trương của Đảng, Nhà Nước.” – ông Hồng Quất chia sẻ.