'Kênh đen' ở TP. HCM: Ngập rác chờ giải tỏa và ước mong về một Nhiêu Lộc - Thị Nghè thứ 2

Chia sẻ Facebook
19/06/2022 00:07:59

Kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm… là những con kênh ngập rác, có nơi chờ cải tạo tận 20 năm. Trong khi đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã "lột xác" sau khi được đầu tư 8.600 tỷ.

Nhiều con kênh ở TP. HCM đang dần bị ô nhiễm do trở thành nơi chứa rác thải, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Là một nhánh của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm có chiều dài 6,2 km, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TP. HCM) đến sông Vàm Thuật. Gần 20 năm qua, con rạch là một trong những con “kênh đen” nổi bật với mức độ ô nhiễm bậc nhất thành phố.

Vào năm 2002, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được phê duyệt với kinh phí 123 tỷ đồng. Sau 20 năm, vốn dành cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã tăng lên 9.353 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể triển khai. Hiện nay, dọc theo con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Nơi đây giống như một “bãi tập kết rác” với bao ni lông, hộp xốp, chai nhựa, xác động vật.

Hai bên rạch có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống. Có nhiều đoạn bị người dân lấn chiếm, dựng nhà, xả thải thẳng xuống sông. Những căn nhà lấn rạch đã làm thu hẹp dòng chảy, dòng nước bị tù gây ra ô nhiễm.

Người dân sống lâu năm ở nơi này cho biết: “Con rạch này mới ô nhiễm tầm 10 năm trở lại đây. Mỗi khi trời nắng, mùi hôi từ phía dưới bốc lên kinh khủng lắm. Nhưng sống riết rồi cũng quen thôi. Suốt 20 năm qua, chúng tôi đều trông chờ dự án cải tạo con rạch, nhưng mãi chẳng thấy đâu”.

Một tuyến “kênh đen” nữa ở giữa lòng thành phố là Kênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Vào tháng 5/2016, UBND TP. HCM quyết định phê duyệt dự án đầu tư Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM đầu tư bằng vốn ODA của Ngân hàng thế giới, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng với kinh phí thực hiện là 488 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 99 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 277 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, TPHCM và Ngân hàng thế giới đã kết thúc đầu tư dự án. Vào năm 2021, Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM đề xuất chủ trương đầu tư, xây dựng kênh Hy Vọng với mức vốn 1.980 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải toả hơn 1.595 tỷ đồng (tổng diện tích đất giải toả 21.209 m2), chi phí xây dựng là 167 tỷ đồng. Tuyến kênh sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài 1,1 km.

10 năm qua, nơi này luôn ngập ngụa rác, ảnh hưởng đến những hộ dân sống xung quanh và làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến an toàn bay. Được biết, rác thải dọc "kênh đen" chủ yếu do người dân sống ở hai bên và người nơi khác đem tới đổ. Theo người dân nơi đây, một năm trở lại đây, con kênh đã ít rác hơn nhờ vận động người dân, thanh niên dọn rác, chính quyền cũng đã lắp khoảng 10 camera ở những “điểm nóng” xả rác dọc kênh.

Tuy nhiên, tình trạng giậm chân tại chỗ của dự án cải tạo kênh khiến nhiều người dân ngán ngẩm. “Ai cũng trông cho dự án được triển khai nhanh chóng, dòng sông sạch trở lại, đời sống của người dân cũng khá khẩm hơn. Mà mãi đến giờ chưa thấy gì, chúng tôi đâm ra nản quá”, chị Phương (28 tuổi), chia sẻ.

Ngoài ra, người dân sống dọc dòng "kênh đen" rất sợ mỗi khi trời mưa lớn. Bà Linh (57 tuổi), sống cạnh kênh Hy Vọng hơn 10 năm, cho biết: “Mùa nắng thì kênh bốc mùi hôi, mùa mưa thì nước dâng, gây ngập nặng. Trận ngập vào tháng 6 năm ngoái kinh khủng, nước ngập cũng phải tới đầu gối, gia đình tôi phải di chuyển hết đồ lên trên căn gác của nhà trọ”. Được biết, tình trạng ngập lụt một phần là do những căn nhà xây lấn chiếm khiến lòng kênh bị thu hẹp.

Cũng từng là con kênh chết, hơn 30 năm trước, mỗi khi nhắc đến Nhiêu Lộc - Thị Nghè người ta sẽ nghĩ ngay đến một dòng "kênh đen", bởi ven bờ kênh nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm; dưới kênh một màu đen kịt, bốc mùi. Con kênh dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và đổ ra sông trở thành nỗi ám ảnh của người dân Sài Gòn.

Vào năm 2002, dự án cải tạo Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chính quyền TP.HCM triển khai với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân, hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa được mở rộng. Tất cả đã tạo nên cảnh quan đẹp bậc nhất thành phố.

Kể từ khi được cải tạo, không khí xung quanh khu vực này cũng trở nên trong lành hơn nhờ những tán cây cao chạy dọc theo suốt chiều dài con kênh. Đây là nơi tản bộ yêu thích của người dân mỗi khi về chiều.


Theo Phùng Kiên

Tổ quốc

Chia sẻ Facebook