Kế 'vây Ngụy cứu Triệu' của Trung Quốc
Kế sách của Tôn Tẫn cách đây hơn 2.300 năm đang được hậu thế của ông áp dụng lại, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp cả trong lẫn ngoài nước.
Chuyến thăm 10 ngày của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến 8 quốc đảo Nam Thái Bình Dương từ ngày 26-5 đến 4-6 đang gây quan tâm lớn trong dư luận khu vực và quốc tế.
3 mục tiêu chiến thuật
Mặc dù xuất hiện quan điểm cho rằng chuyến thăm này có thể làm khơi mào "chiến tranh lạnh" giữa Trung Quốc và phương Tây, trên thực tế với tư cách là một quốc gia xuất hiện muộn hơn ở Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc khó có thể thay thế các ảnh hưởng chính trị truyền thống và bền vững của các cường quốc khu vực như Úc và New Zealand.
Do vậy, chuyến thăm này khả năng cao nhằm thực hiện 3 mục tiêu thứ yếu khác của Chính phủ Trung Quốc với mức độ nhạy cảm thấp hơn.
Thứ nhất, Trung Quốc dường như muốn điều hướng sự chú ý của dư luận quốc tế đến các khó khăn nội tại do chính sách "zero-Covid" mà nước này vẫn đang duy trì.
Chuyến thăm Nam Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh 46 thành phố Trung Quốc đang bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, ảnh hưởng đến đời sống trực tiếp của 1/4 dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Việc
Trung Quốc chính thức tuyên bố hoãn tổ chức Á vận hội (ASIAD) 19 và từ bỏ quyền đăng cai vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup) 2023 vào giữa tháng 5-2022 cũng cho thấy tác động của dịch bệnh.
Thứ hai, Trung Quốc muốn "vây Nam Thái Bình Dương" để "cứu Hoa Đông và Biển Đông". Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Mỹ tổ chức một loạt các sự kiện tập hợp nhiều nước trong khu vực như Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN ở Washington (hai ngày 12 và 13-5), Hội nghị Thượng đỉnh "Bộ tứ kim cương" (QUAD) diễn ra ở Nhật Bản (ngày 24-5) và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các hoạt động tăng cường ngoại giao cấp cao của Mỹ được thực hiện đồng thời với một loạt các hoạt động triển khai tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Á. Tại biển Hoa Đông là việc tăng cường tập trận không quân với Nhật Bản để đối trọng với cuộc tập trận chung của Trung Quốc và Nga sát cạnh không phận biển Hoa Đông gần đây.
Tại khu vực Đông Nam Á là cuộc tập trận CARAT với Thái Lan vào ngày 23-5, sau đó là tập trận Garuda Shield với Indonesia có 14 nước tham gia. Trong bối cảnh đó, có thể hiểu kế sách "vây Ngụy cứu Triệu" lúc này là lựa chọn phù hợp để giúp Trung Quốc giãn áp lực ở Biển Đông và Hoa Đông.
Thứ ba, Trung Quốc muốn thăm dò thái độ của chính quyền tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese - vốn nổi tiếng cứng rắn với vấn đề đảm bảo ảnh hưởng của Úc tại Nam Thái Bình Dương.
Ở một khía cạnh nào đó, chuyến đi của ông Vương Nghị lại chứa thông điệp "dĩ hòa vi quý", bởi trước khi người đứng đầu Bộ Ngoại giao lên đường, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bắn tiếng muốn cải thiện quan hệ với chính phủ mới của Úc.
Một chỉ dấu khác là ngay trong thời gian thăm các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, ông Vương Nghị cũng khẳng định không có ý định xây dựng căn cứ quân sự tại Solomon. Đây vốn là điều gây quan ngại lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến sự điều chỉnh lập trường của Chính phủ Úc với Trung Quốc.
Giảm thiểu áp lực
Ba mục tiêu chiến thuật nói trên có tính khả thi cao hơn rất nhiều các mục tiêu mà dư luận đang nghĩ Trung Quốc sẽ thực hiện nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của các cường quốc đối trọng trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Ngoài ảnh hưởng truyền thống của Úc và New Zealand, thực tế cả Mỹ và Pháp đều đã thiết lập thành công ảnh hưởng bền vững ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trong đó, mạng lưới hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực đảo xa Thái Bình Dương (PRIA), cùng với các quần đảo Marshall, Samoa, Micronesia... và mới đây nhất là quốc đảo Palau đã cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự cùng với việc tổ chức bảo vệ bờ biển mà Pháp thiết lập với các quốc đảo trong khu vực Nam Thái Bình Dương vào nửa cuối năm 2021.
Cơ chế Đối thoại phòng thủ quần đảo Thái Bình Dương - Nhật Bản tổ chức lần đầu vào tháng 9-2021 tiếp tục là minh chứng cho thấy sự hiện diện tăng cường về an ninh ngày càng dày đặc của các cường quốc ngoài khu vực, hỗ trợ mạnh cho sự đối trọng của Úc và New Zealand với Trung Quốc.
So sánh với thiết chế đa phương mà Trung Quốc đã xây dựng được với Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIC) vào tháng 12-2021 (vốn chỉ hạn chế trong lĩnh vực hợp tác về phát triển nghề cá), thực sự rất khó để Trung Quốc cạnh tranh thay đổi cán cân ảnh hưởng an ninh ở khu vực Nam Thái Bình Dương trước thế trận đối ngoại quốc phòng quy mô mà Mỹ và đồng minh đã thiết lập.
Tựu trung lại có thể thấy chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc đến các quốc đảo Nam Thái Bình Dương lần này đã thành công trong việc thu hút dư luận nhằm hoàn thành 3 mục tiêu giúp giảm thiểu áp lực cho các mặt trận truyền thống mà Trung Quốc đang thúc đẩy.
Chiến thuật "vây Ngụy cứu Triệu" của Trung Quốc kết hợp với các tính toán nhằm "dĩ hòa vi quý" với chính quyền mới của Úc thực sự cho thấy một bước đi tuy mang tính lưỡng toàn nhưng có phần thiếu tính quyết đoán và táo bạo thường thấy của Chính phủ Trung Quốc.
Fiji tham gia IPEF
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-5 Nhà Trắng cho biết đảo quốc Nam Thái Bình Dương Fiji sẽ tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) của Tổng thống Joe Biden.
Báo Financial Times nhận định việc Fiji gia nhập IPEF, chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Fiji, đã trao cho chính quyền ông Biden một chiến thắng trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken "bôi nhọ" nước này sau khi ông Blinken có bài phát biểu cảnh báo Bắc Kinh đang muốn định hình lại trật tự thế giới.