Kẻ săn mồi nào giỏi nhất và tệ nhất thế giới loài vật?

Chia sẻ Facebook
31/12/2023 08:08:43

Chuồn chuồn săn mồi giỏi nhất xét theo tỷ lệ bắt mồi thành công, nhưng trăn có thể đoạt danh hiệu này nếu xét theo hiệu quả.


Cách rõ ràng nhất để trả lời câu hỏi về năng lực săn mồi là xem xét tỷ lệ bắt mồi thành công hay số lần kẻ đi săn kiếm được bữa ăn trong tổng số lần thử vồ mồi . Nếu xét theo chỉ số này, những sinh vật mà con người thường nghĩ đến nhất khi nhắc tới săn bắn như sư tử, hổ hay sói lại không phải kẻ thành công nhất. Sư tử hạ gục con mồi thành công khoảng 30%, trong khi với hổ chỉ là 10%.

Chuồn chuồn có thị lực và khả năng bay xuất sắc. (Ảnh: Index Open).


Danh hiệu kẻ đi săn giỏi nhất xét theo tỷ lệ bắt mồi thành công thuộc về sinh vật ít ai nghĩ tới đó là c huồn chuồn . Nhóm côn trùng này, cùng với họ hàng của chúng là ruồi ăn sâu, có tỷ lệ bắt mồi thành công lên tới 97% . Chúng có thể ăn hàng trăm con muỗi một ngày.


Thành công này một phần do chúng có thị lực phi thường . Chuồn chuồn và họ hàng của chúng sở hữu mắt đa hợp, mang lại tầm nhìn gần như 360 độ. Não chúng có khả năng xử lý thông tin cảm giác cực nhanh, giúp dự đoán nơi con mồi sẽ di chuyển. Cánh trước và cánh sau có thể chuyển động độc lập nên chuồn chuồn bay rất giỏi, thậm chí có thể bay lùi.


Tuy nhiên, có những cách đánh giá khác về năng lực săn mồi , theo Mark Belk, nhà sinh thái học tiến hóa tại Đại học Brigham Young. Thông thường, động vật săn mồi được chia thành hai loại: nhóm chủ động truy đuổi và tấn công con mồi , nhóm nằm rình, kiên nhẫn đợi thời cơ. Xét về tính hiệu quả, một con trăn lớn có thể đoạt danh hiệu kẻ săn mồi giỏi nhất.


"Một con trăn lớn như thế có thể nằm yên một chỗ và chờ đợi. Cuối cùng, khi con vật phù hợp đi qua, chúng sẽ tóm lấy và giết chết. Với những con trăn lớn, điều đó có thể chỉ xảy ra hai hoặc ba lần một năm" , Belk nói.


Một cách khác để trả lời câu hỏi về kẻ săn mồi giỏi nhất là xem xét các kỹ năng. Nếu vậy, sói đồng cỏ có thể là kẻ chiến thắng, theo Jason Fisher, nhà sinh vật hoang dã tại Đại học Victoria. Chúng có khả năng săn mồi một mình hoặc theo nhóm và ăn thịt mọi thứ từ nai sừng tấm con đến chuột. Sự linh hoạt giúp chúng phát triển mạnh ở hầu hết môi trường sống, bao gồm cả các thành phố của con người. Fisher cho biết, sói đồng cỏ rất xuất sắc trong việc tận dụng mọi thứ trong tầm tay.


Ngoài ra, một số sinh vật có cách săn mồi sáng tạo đến mức có thể coi chúng là những kẻ chiến thắng đặc biệt. Cá cung thủ, hay cá mang rổ - nhóm cá nhiệt đới sống trong các rừng ngập mặn Đông Nam Á - có thể tính khoảng cách giữa chúng và côn trùng đậu trên lá, sau đó hạ gục con mồi bằng một tia nước mạnh phun lên. Trong khoảng cách 65 cm trở xuống, chúng nhắm bắn gần như chuẩn xác 100%. Bạch tuộc cũng thành công tương tự trong việc săn mồi ở ngoài môi trường sống tự nhiên của mình. Ngoài khả năng ngụy trang siêu phàm, sinh vật thân mềm này còn có thể lên bờ một thời gian ngắn để truy đuổi con mồi.

Chồn sói có vẻ ngoài và chiến lược săn mồi kỳ lạ. (Ảnh: Dennis Jacobsen).


Câu hỏi con vật nào săn mồi tệ nhất có thể còn khó trả lời hơn. Theo định nghĩa, mọi loài đi săn đều thành công vì chúng có thể tự duy trì như một quần thể. Nhưng xét về sự kỳ quặc, Fisher sẽ trao danh hiệu này cho chồn sói , loài vật được coi là kẻ đi săn nhưng cũng ăn xác thối khi thức ăn khan hiếm.


Fisher cho biết, chồn sói có hình dáng kỳ lạ và chiến lược đi săn cũng rất kỳ quái. Chúng đi săn bằng cách lao vào con mồi và làm nó hoảng sợ bằng tiếng kêu gào và những âm thanh lớn khác. "Với chúng, nếu hiệu quả thì tốt, còn không thì là xui xẻo", Fisher nói.

Chia sẻ Facebook