Kê minh thập sách: Kế trị quốc của người phi tần thông tuệ
“Kê minh thập sách” thể hiện sự thông tuệ và hiểu rõ thời cuộc của tác giả – một người phụ nữ đầy quả cảm. Văn phong chứa đựng chiến lược trị quốc vẫn còn giá trị đến ngày nay. Mặc dù còn nhiều tranh luận xung quanh sự tồn tại của bà, nhưng truyền kỳ dã sử về bà vẫn đáng để người đời sau suy ngẫm.
Người con gái thông tuệ, hiểu văn chương, âm nhạc
Vào thời nhà Trần, có một đại thần trong triều là Nguyễn Tướng Công có cô con gái rất xinh đẹp là Nguyễn Thị Bích Châu. Theo “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm thì Bích Châu không chỉ xinh đẹp mà còn thông tuệ, hiểu văn chương, âm nhạc, nổi tiếng khắp vùng.
Năm 1373 khi được 16 tuổi, Bích Châu được đưa vào cung tuyển làm cung nhân. Đã xinh đẹp lại giỏi đàn ca, ngâm vịnh, nên Bích Châu được vua Duệ Tông rất thương yêu gọi là Nguyễn Cơ. Rồi phong làm ái phi.
Một hôm, nhân tiết trung thu, Bích Châu bày tiệc nhỏ, chung quanh có treo đèn lồng đủ màu sắc, Vua cùng các quan viên đến dự. Vua Duệ Tông cao hứng ra câu đối: “Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng” .
Trong khi các quan đang suy nghĩ ghép vần thì Bích Châu đã đáp rằng: “Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước” . Nhà Vua khen hay và tặng theo cho đôi “ngọc long kim nhĩ” (hoa tai vàng cẩn ngọc hình rồng nổi) và nhân đó đặt biệt hiệu cho bà là Phù Dung.
Vấn nạn Chiêm Thành
Vào thời kỳ sơ khai, các đời vua Trần có niềm tin tín ngưỡng cao, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc ổn định, Giang Sơn cường thịnh. Nhưng đến thời kỳ này, các vua Trần không còn duy trì được niềm tin tín ngưỡng khiến Xã Tắc rối ren. Vua quan ham mê tửu sắc, đánh sưu cao thuế nặng, sống xa hoa trên sự đói khổ của người dân, xã hội lúc này rất bất ổn.
Lợi dụng nhà Trần suy yếu, phía nam vua Chiêm là Chế Bồng Nga nhiều lần tiến đánh Đại Việt. Năm 1371 thời vua Nghệ Tông, quân Chiêm Thành từng đánh chiếm cả kinh thành Thăng Long, triều đình nhà Trần phải trốn khỏi kinh thành. (Xem bài: Chiêm Thành từng vào Thăng Long như chốn không người )
Sau này Nghệ Tông lên làm Thượng Hoàng, nhường ngôi Vua cho em mình là Duệ Tông. Vua Duệ Tông nóng lòng muốn đánh Chiêm Thành để trả thù việc quân Chiêm từng tiến vào Thăng Long cướp phá.
“Kê minh thập sách” giúp Vua trị quốc
Bích Châu nhận thấy nhà Vua quá nôn nóng đánh Chiêm Thành, trong khi Xã Tắc chưa mạnh, lòng dân ly tán, triều chính nguy cơ rạn nứt. Vì thế mà bà soạn thảo bản điều trần dâng Vua gọi là “Kê minh thập sách”, nêu 10 kế sách trị nước an dân.
Bích Châu lấy tên là “kê minh” ngụ ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà Vua ( “kê” nghĩa là gà). Toàn bài như sau:
Trộm nghĩ, dời củi nâng mái bếp gây nền trị từ khi chưa loạn; dùng dâu ràng cửa tổ, được ở yên cần lo tính lúc nguy. Vì dân tình dễ đắm đuối sự yên vui; mà thế vận khó giữ luôn thời bình trị. Cho nên dâng lời răn chớ chơi bời lười nhác, Cao Dao trước hãy ngợi khen, ở vào thời không máu chảy gươm khua, Giả Nghị vẫn tâu lời than thở. Chỉ vì yêu vua mà ngăn trước, không phải khác chúng để khoe tài. Tiện thiếp tên gọi Bích Châu, lúc nhỏ vốn nhà nghèo khó, lớn lên được tuyển vào cung, ân sủng chứa chan, thương yêu đằm thắm. Vả xiêm áo vua ngu, dám đâu sánh với người nam tử; rút trâm cài Khương hậu, tiến lời can đứng trước đình thần. Mạo muội tỏ bày mười điều vụng nghĩ:
Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.
Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.
Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.
Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.
Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.
Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.
Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.
Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.
“Kê minh thập sách” cho thấy Bích Châu đã hiểu rõ thời cuộc lúc đó, bà khuyên nhà Vua trước tiên cần “bền gốc” nhằm ổn định cuộc sống người dân, từ tham quan, ổn định triều đình, sau đó mới rèn luyện binh tướng nhằm có quân mạnh thì mới nên đánh Chiêm Thành.
Vua Duệ Tông xem “Kê minh thập sách” thì vỗ trán và thốt lên rằng: “Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ phi.”
Vua Duệ Tông ngưng đánh Chiêm Thành, nhưng lại không thực hiện 6 điều đầu tiên trong “kê minh thập sách” nhằm “bền gốc” ổn định Giang Sơn Xã Tắc mà lại thực hiện ngay từ điều 7 rèn luyện binh tướng xây dựng quân đội một cách vội vã, bổ sung quân ngũ, nhưng các quan tướng chỉ lo tham nhũng vơ vét, quân đội không có được sự thiện chiến.
Tấm lòng quả cảm
Năm 1376, Chế Bồng Nga cho quân tiến đánh Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đưa quân đi đánh, Chế Bồng Nga cho người dâng 10 mâm vàng xin giảng hòa, thế nhưng các quan tướng nhà Trần lúc này chỉ lo tham nhũng vơ vét, Đỗ Tử Bình dấu vàng rồi tâu về triều là Vua Chiêm ngạo mạn không thần phục. Vua Duệ Tông nổi giận, tháng 1/1077 liền đưa quân nam tiến đánh Chiêm Thành.
Bích Châu vội vàng vâng biểu khuyên can: “Đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng được yên hàn, trị cái rắn nên dùng cái mềm, lấy đức để thu phục người phương xa như vua Hạ chỉ gảy đàn mà chẵn 1 tháng rợ Hồ quy phục, đó là thượng sách.”
Thêm vào đó, các quan như Ngự sử trung tán Lê Tích và Ngự sử đại phu Trương Đỗ nhiều lần lên tiếng can ngăn.
Nhưng vua Trần Duệ Tông có sức mạnh của 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Tin tưởng với đội quân hùng mạnh này, Vua nhất quyết đánh quân Chiêm, bỏ ngoài tai những lời can gián.
Không khuyên nhủ được, Bích Châu quyết định theo Vua đánh quân Chiêm. Quân nhà Trần cờ xí rợp trời theo đường thủy nam tiến. Đến vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh ngày nay) trời bỗng nổi phong ba bão táp, các chiến thuyền phải neo lại.
Nhưng cơn bão vẫn dai dẳng và ngày càng dữ dội, các chuyền thuyền bị va vào nhau, cái thì bị đứt dây neo lao đi đâm vào đá mà vỡ tan, ai cũng thấy kinh sợ.
Đêm hôm ấy vua Duệ Tông nằm mơ thấy “Nam Minh Đô đốc” , thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua.
Sáng sớm hôm sau, Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ, trong khi chưa ai biết nên ứng phó thế nào thì Bích Châu đã nói rằng: “Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân”.
Dù nhà Vua cùng nhiều người can ngăn nhưng Bích Châu vẫn cương quyết thực hiện. Dù biết cuộc chiến này lành ít dữ nhiều, can ngăn Vua không được bà cũng quyết hy sinh thân mình nhằm giúp Vua bình định được Chiêm Thành.
Khi đó bà mới 20 tuổi, trước những cơn sóng to ập vào từng đợt, Bích Châu quay về hướng bắc lạy tạ cha mẹ, từ biệt mọi người, mong mọi người giành chiến thắng, rồi ngồi vào trong chiếc thuyền thoi nhỏ nhắn, chiếc thuyền được thòng dây thả từ từ xuống biển…
Hai ngày sau bão mới tan, xác Bích Châu nổi lên, người dân vớt bà lên an táng ở làng Kỳ Hoa. Trong khi đó nhà Vua cùng đoàn quân đã tiến xa xuống phía nam.
Đến kinh thành Đồ Bàn, nhà Vua không nghe lời khuyên của đại tướng quân Đỗ Lễ nên rơi vào bẫy, tử trận. (Xem bài: Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa kinh thành nước Chiêm )
Tưởng nhớ
Một thế kỷ sau, năm 1470 vua Lê Thánh Tông tiến quân đánh Chiêm Thành, khi đi đến cửa biển Kỳ Hoa, nghe chuyện về Bích Châu, nhà Vua đã cho lập Đền thờ bà ở cửa biển và phong làm “Chế Thắng” (người dân hay gọi là đền Chế Thắng phu nhân) và làm bài thơ như sau:
Nàng xưa cung nữ của Hy Lăng,
Vì nước lâm nguy, quyết xả thân.
Một trận gió yêu gây sóng cả,
Hồn nương bến bãi suốt đêm xuân.
Bỗng dưng sông lạnh vùi thân gái,
Biết chốn nào đây viếng nữ thần?
Chán nhỉ, vạn ngàn quân tướng mạnh,
Chẳng bằng tờ hịch gã thư sinh!
Sau này người ta thấy trong tập thơ “Minh lương cẩm tú” của nhà Vua còn có bài “Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa” như sau:
Hà Hoa đáo xứ vũ sùng triêu,
Hoàn hải mang nhiên tứ vọng diêu.
Xúc thạch du du vân luyến tụ,
Bài nham húng húng lãng tùy triều.
Thủy Tiên đàm thượng yên hà cổ,
Chế Thắng từ trung thảo mộc kiều.
Túy ỷ song bồng ngâm ý phát,
Thi hoài khách tứ bội vô liêu.
Bài thơ sau này được Đỗ Ngọc Toại dịch như sau:
Mưa mai mù mịt cửa Hà Hoa,
Ngắm biển mênh mang bốn phía xa.
Mây mến đầu non lơ lửng đứng,
Sóng theo con nước rập rờn qua.
Thuỷ Tiên đầm nọ đầy sương ráng,
Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.
Say tựa bên mui càng nảy hứng,
Lòng thơ dạ khách khó khuây khoa.
Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của Nguyễn Cơ Bích Châu. Người dân mở hội lớn ở Đền thờ Chế Thắng phu nhân, người tham gia rất đông.
“Kê minh thập sách” được khắc trang trọng trong đền thờ – tiếng gà gáy sáng thức tỉnh những ai còn trong u mê vẫn còn giá trị đến tận ngày hôm nay.
Trần Hưng
Chuyện vua quan Đại Việt cầu mưa
Mời xem video :