“Kế hoạch vàng” giúp Đức đánh chiếm Pháp chỉ trong 6 tuần (P5)

Chia sẻ Facebook
19/02/2023 07:07:41

Quân Đức thẳng tiến đến Paris, quân Pháp chỉ tập trung cố thủ bên ngoài thành phố. Ngày 14/6, quân Đức tiến vào Paris mà không có sự kháng cự nào. Paris không bị chiến tranh tàn phá, nhờ thế mà bảo tồn được nhiều kiến trúc.


Ngay khi cuộc di tản ở Dunkirk đang diễn ra, tổng chỉ huy quân Pháp Weygand đã cho thiết lập phòng tuyến ở phía nam sông Somme gọi là phòng tuyến Weygand. Quân tinh nhuệ và quân chủ lực của Pháp đã bị tiêu diệt và bị bắt hết ở phía bắc, quân dự bị cũng bị thiệt hại nặng nề và bị mất 3 đến 4 sư đoàn. Quân Pháp còn 64 sư đoàn cùng 1 sư đoàn của quân Anh, nhưng tất cả chỉ là quân hạng hai.

Ngay sau khi tiến vào Dunkirk, ngày 5/6 quân Đức tiến đánh phòng tuyến Weygand. Đồng thời một phần Cụm quân A phối hợp cùng Cụm quân C bao vây quân Pháp ở phòng tuyến Maginot, khiến quân Pháp tại đây bị bao vây không thể ứng cứu nơi khác được. Tuy nhiên phòng tuyến nơi đây rất vững chắc, dù bị bao vây quân Pháp vẫn dựa vào phòng tuyến cố thủ.

Tại phòng tuyến Weygand, suốt 2 ngày liền quân Đức bị chặn lại không sao tiến được. Máy bay Đức đã hỗ trợ tấn công pháo binh Pháp nhằm giúp bộ binh Đức tiến lên. Dù khó khăn và tổn thất nhân mạng, cuối cùng quân Đức cũng bắt đầu vượt qua các phòng tuyến của quân Pháp. Cuối cùng phòng tuyến Weygand sụp đổ.

Ngày 10/6, chính phủ Pháp vội chạy đến Bordeaux, quân Đức thẳng tiến đến thủ đô Paris, quân Pháp nỗ lực phòng thủ ngăm quân Đức.


Ngày 13/6, Thủ tướng Anh Churchill tham dự cuộc họp “Hội đồng Chiến tranh Tối cao Anh-Pháp” tại Tours, ông đưa ra lời đề nghị hợp nhất 2 quốc gia nhưng bị từ chối. Người Pháp yêu cầu Churchill cho máy bay đến ứng cứu Paris, nhưng Churchill từ chối vì máy bay Anh bị thiệt hại nhiều, còn chưa đến 25 phi đội, chỉ đủ để đảm bảo phòng thủ nước Anh.

Quân Đức diễu hành chiến thắng tại Khải Hoàn Môn ở Paris. (Ảnh: Bundesarchiv, Bild 101I-126-0347-09A / Gutjahr / CC-BY-SA 3.0 DE)

Quân Đức ở gần Khải Hoàn Môn ngày 14/6/1940. (Ảnh: Bundesarchiv, Bild 183-L05487 / CC-BY-SA 3.0)


Chỉ sau hơn 1 tháng tấn công theo “kế hoạch vàng” , quân Đức đã chiếm được thủ đô Paris, nhưng chính phủ Pháp đã rút đi và quân Pháp các nơi vẫn nỗ lực chiến đấu.

Lúc này chính phủ Pháp có hai khuynh hướng, nhóm thứ nhất bao gồm Thủ tướng Paul Reynaud vẫn hy vọng vào cuộc chiến, đặc biệt phía Anh hứa luôn ở bên cạnh nước Pháp, muốn cùng Pháp tiếp tục cuộc chiến chống phát-xít dù cho Pháp có bị đánh bại, nhóm này muốn rút quân đến thuộc địa ở bắc Phi để tiếp tục cùng quân đồng minh chống Đức. Nhóm thứ hai có khuynh hướng đầu hàng gồm có Tổng chủ huy quân Pháp là Weygand, Phó thủ tướng Pétain, Pierre Laval và Đô đốc Darlan. Cuối cùng nhóm muốn đầu hàng đã chiến thắng.

Không muốn đầu hàng, Thủ tướng Reynaud đã từ chức để phản đối vào ngày 16/6/1940. Phó thủ tướng Philippe Pétain lên thay, thành lập chính phủ mới và đầu hàng người Đức.

Thủ tướng Anh Churchill và De Gaulle 1944. (Ảnh: British Government, Wikipedia, Public Domain)

Hiệp định đình chiến được ký kết vào ngày 22/6/1940 tại đúng nơi diễn ra Hiệp định đình chiến vào năm 1918 (kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất). Vị trí mà Thống chế Pháp Ferdinand Foch ngồi năm xưa đối diện với bên chiến bại là Đức khi ký hiệp định, thì nay Hitler ngồi đúng vào vị trí này đối diện phía bại trận là Pháp. Hiệp định Pháp đầu hàng có giá trị từ ngày 25/6/1940.

Năm 1944, tướng Pháp Charles de Gaulle cùng quân đồng minh giải phóng nước Pháp, Thủ tướng chính phủ Pháp đã đầu hàng Đức là Pétain chạy trốn sang Đức. Khi chiến tranh kết thúc, quân đồng minh tiến vào Đức, Pétain bị giải về Pháp và bị kết án tử hình.

Philippe Pétain (Ảnh: Reseau-canope.fr, Wikipedia, Public Domain)

Tuy nhiên Tổng thống lâm thời Charles de Gaulle vẫn nhớ về trận Verdun, đây được xem là trận đánh lớn thứ hai trong lịch sử thế giới với sự tham gia của 2,4 triệu quân (chỉ sau trận Berlin năm 1945). Charles de Gaulle khi đó là sĩ quan cùng đơn vị và là cấp dưới của Pétain. Ông vẫn còn nhớ rằng Pétain đã lên các kế hoạch giúp quân Pháp đánh lui quân Đức trong cuộc lớn và kéo dài bậc nhất lịch sử thế giới, bởi vậy Pétain từng được xem là người hùng, niềm tự hào của nước Pháp. Vậy nên Charles de Gaulle lên tiếng xin giảm án cho Pétain xuống còn chung thân. Pétain mất ở trong tù, thọ 95 tuổi.


Trần Hưng

Trận Verdun của Thế chiến I: Chiến tranh của những chiến tranh (P1)


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook