“Kế hoạch vàng” giúp Đức đánh chiếm Pháp chỉ trong 6 tuần (P1)
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân Đức chỉ mất 6 tuần để giành chiến thắng, đánh bại quân đồng minh Anh - Pháp...
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Đức tấn công Pháp và bị sa lầy ở phòng tuyến Maginot mà không thắng được liên quân Anh – Pháp. Quân Đức bị quân Anh – Pháp đánh bại và phải chấp nhận ký hiệp ước Versailles bồi thường chiến tranh. Thế nhưng đến chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân Đức chỉ mất 6 tuần (từ 10/5/1640 đến 25/6/1940) để giành chiến thắng, đánh bại quân đồng minh Anh – Pháp và khiến chính phủ Pháp phải đầu hàng. Vậy người Đức đã thực hiện kế hoạch nào để có thể đánh bại chớp nhoáng quân Anh – Pháp?
Ngay trước khi cuộc chiến xảy ra, người Pháp có phòng tuyến Maginot rất vững chắc, có thể ngăn cản quân Đức từ phía tây, và họ rất tin tưởng vào phòng tuyến này.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Đức tấn công Ba Lan. Tháng 3/1940, một phái đoàn quân đội Pháp đi kiểm tra việc bố trí phòng thủ tại Sedan và nhận thấy còn rất thô sơ. Phái đoàn này đã cấp báo lên tướng Huntziger đang chỉ huy bố phòng tại đây nhưng ông ta không nghe, mà tin rằng địa hình rừng núi hiểm trở trong dãy Anrdennes và tuyến phòng thủ Maginot sẽ ngăn quân Đức.
Để tấn công Pháp, quân Đức lên nhiều kế hoạch nhưng không được Hitler tán thành. Chỉ đến khi tướng Erich von Manstein đề xuất kế hoạch của mình Hitler mới tán thưởng. Sau đó các chỉ huy thiết giáp như Guderian, Rommel bổ sung các chi tiết cụ thể, hoàn thiện kế hoạch đánh chiếm nước Pháp, lấy tên là “Kế hoạch vàng” (Fall Gelb).
Nhìn vào bản đồ có thể thấy phòng tuyến Maginot màu đỏ, phần màu đỏ đậm liền nét là nơi rất chắc chắn. Phần ở giữa nơi biên giới Bỉ và Luxembourg là khu vực rừng núi hiểm trở Ardennes, đường xá thô sơ, rất khó để xe tăng thiết giáp đến đây, vì thế dù việc phòng thủ tại đây không chắc chắn nhưng quân Pháp không lo lắm. Còn lại là phòng tuyến nơi biên giới với Bỉ, khu vực này khá yếu nên quân Pháp tập trung ở đây, quân đồng minh cũng cho rằng nếu tấn công thì quân Đức sẽ xem đây là mũi tấn công chính.
Để thực hiện “Kế hoạch vàng”, quân Đức chia làm 3 cụm quân A,B,C, cụ thể như sau:
Cụm quân B đánh bại Hà Lan nhanh nhất có thể rồi tấn công vào trung tâm nước Bỉ, làm mồi nhử dụ quân đồng minh tập trung quân đến đây. Cụm quân B gồm có quân đoàn 18 ở phía Bắc tiến công vào Hà Lan và quân đoàn 6 ở phía Nam tiến công vào Bỉ, hai quân đoàn này có 3 sư đoàn thiết giáp.
Nhiệm vụ cụm quân B hết sức quan trọng trong “kế hoạch vàng”, phải làm sao cho quân đồng minh tin rằng đây là hướng tấn công chính của quân Đức nhằm tập trung quân vào đây. Chính vì thế mà quân Đức bố trí thêm cả không quân và sư đoàn dù hỗ trợ cho cụm quân B, nhằm khiến quân đồng minh tin chắc đây là hướng tấn công chính.
Cụm quân C có lực lượng ít hơn so với 2 cụm quân còn lại, sẽ tiến đến phòng tuyến Maginot vững chắc nhất, nhưng không phải để vượt qua phòng tuyến này mà là khiến quân Pháp phải lo tập trung phòng thủ nơi đây, không thể chi viện cho nơi khác.
Cụm quân A là mũi tấn công chủ lực với sự xuất hiện của “quân đoàn thiết giáp Kleist” (gồm 7 sư đoàn thiết giáp và 3 sư đoàn cơ giới) với 75 vạn quân. Quân đoàn này được xem là mạnh nhất châu Âu.
Nhiệm vụ Cụm quân A là đến khu vực biên giới giữa Bỉ và Luxembourg, vào khu vực rừng núi hiểm trở Ardennes rồi tấn công quân Pháp ở sông bờ sông Meuse. Sau đó quân đoàn 4 sẽ vượt sông Meuse ở Dinant, còn quân đoàn 12 dùng thiết giáp vượt Meuse ở thành phố chiến lược Sedan.
Kế hoạch này khiến một số tướng lĩnh Đức không đồng ý. Một trong những lý do là vùng rừng núi hiểm trở Ardennes không thuận tiện cho thiết giáp di chuyển, nên kế hoạch không khả thi. Nhưng một số tướng lĩnh khác thì cho rằng, yếu tố bất ngờ sẽ mang đến chiến thắng.
Để đánh nước Pháp, quân Đức huy động 141 sư đoàn với 3.350.000 quân, 7.378 pháo, 2.445 xe tăng và thiết giáp, 5.638 máy bay (bao gồm cả máy bay vận tải).
Quân đồng minh (chủ yếu là Anh, Pháp) có 144 sư đoàn gồm 3.300.000 quân, 13.974 pháo, 3.383 xe tăng và thiết giáp, 2.935 máy bay.
Sáng sớm ngày 10/5/1940 quân Đức bắt đầu tấn công.
(Còn nữa)
Trần Hưng