Kế hoạch thay đổi nhân sự của nhà sản xuất chip Intel
Intel đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh về nhu cầu đối với bộ vi xử lý máy tính cá nhân (PC) - mảng kinh doanh chính của họ.
Theo một số nguồn tin thân cận, tập đoàn Intel đang lên kế hoạch giảm đáng kể số lượng nhân viên của mình (có thể lên tới hàng nghìn người) để cắt giảm chi phí và thích nghi với thị trường máy tính cá nhân ở thời điểm hiện tại.
Việc sa thải sẽ được công bố sớm nhất trong tháng này. Theo Nikkei, Intel dự định thực hiện kế hoạch trên cùng thời điểm với báo cáo thu nhập quý III năm nay vào ngày 27/10. Tính đến tháng 7 năm nay, nhà sản xuất chip của Mỹ có 113.700 nhân viên trên toàn thế giới.
Một số bộ phận, bao gồm cả nhóm bán hàng và marketing của Intel, có thể bị cắt giảm nhân sự. Nguồn tin nội bộ cho biết việc này có thể ảnh hưởng đến khoảng 20% nhân viên.
Vào tháng 7, Intel dự báo rằng doanh thu năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 11 tỷ USD so với dự báo trước đó. Gần đây, các nhà phân tích dự đoán doanh thu quý III của tập đoàn sẽ giảm khoảng 15%. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận từng đáng ghen tị một thời của Intel cũng có xu hướng giảm so với con số lịch sử là khoảng 60%.
Trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý II/2022, Intel thừa nhận rằng họ có thể sẽ phải thực hiện một số thay đổi để cải thiện lợi nhuận. "Chúng tôi cũng đang giảm chi phí cốt lõi trong năm 2022 và sẽ xem xét thực hiện các kế hoạch bổ sung trong nửa cuối năm", CEO Pat Gelsinger cho biết vào thời điểm đó.
Hiện Intel (có trụ sở tại Santa Clara, California) từ chối bình luận liên quan đến thông tin sa thải nhân viên.
Làn sóng sa thải lớn gần đây nhất của Intel xảy ra vào năm 2016, khi họ cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, tương đương 11% tổng số nhân viên. Kể từ đó, tập đoàn vẫn cắt giảm nhân sự nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn. Bên cạnh đó, họ cũng đóng cửa một số bộ phận, bao gồm bộ phận modem di động và thiết bị bay không người lái.
Giống như nhiều công ty trong ngành công nghệ, Intel cũng đã đóng băng việc tuyển dụng vào đầu năm nay, khi điều kiện thị trường trở nên không thuận lợi và lo ngại về suy thoái gia tăng.
Nhà phân tích Mandeep Singh của Bloomberg cho biết các khoản cắt giảm nhân sự mới nhất có thể nhằm giảm chi phí cố định của Intel lên tới 10% đến 15%. Ông ước tính rằng những con số này có thể dao động từ ít nhất 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD.
CEO Gelsinger nắm quyền lãnh đạo Intel vào năm ngoái và đang nỗ lực khôi phục danh tiếng của tập đoàn như một huyền thoại của Thung lũng Silicon. Nhưng ngay cả trước khi thị trường PC xuống dốc, đó đã là một cuộc chiến khó khăn. Intel đã đánh mất lợi thế công nghệ lâu đời của mình và các giám đốc cấp cao của họ cũng thừa nhận rằng văn hóa đổi mới của tập đoàn đã "khô héo" trong những năm gần đây.
Giờ đây, sự chậm lại trên diện rộng đang làm tăng thêm những thách thức đối với Intel. Các nhóm phụ trách mảng PC, trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của Intel đang phải đối mặt với sự suy thoái trong chi tiêu của người tiêu dùng, dẫn tới ảnh hưởng không tốt đến doanh thu và lợi nhuận.
Theo công ty dữ liệu quốc tế IDC, doanh số PC toàn cầu đã giảm 15% trong quý III so với một năm trước đó. Doanh số của HP, Dell và Lenovo - những công ty sử dụng bộ xử lý của Intel trong máy tính xách tay và máy tính để bàn của mình, đều bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhà phân tích Mandeep Singh cho biết với việc giá của PC không tăng và nhu cầu suy yếu, Intel cũng có thể cần cắt giảm cổ tức để bù đắp cho dòng tiền. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch bán cổ phần của mảng kinh doanh công nghệ tự lái Mobileye của Intel trong đợt IPO có thể làm giảm bớt những lo ngại đó.
Đây dường như là một thời điểm khó khăn đối với Intel khi phải cắt giảm nhân sự. Tập đoàn đã vận động hành lang mạnh mẽ cho dự luật kích thích sản xuất chip trị giá 52 tỷ USD trong năm nay, đồng thời cam kết mở rộng sản xuất ở Mỹ. CEO Gelsinger đang lên kế hoạch phát triển bao gồm việc đưa trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới đến Ohio.
Đồng thời, Intel đang chịu áp lực lớn từ các nhà đầu tư trong việc tăng lợi nhuận. Cổ phiếu của họ đã giảm hơn 50% vào năm 2022, với mức giảm 20% chỉ trong tháng trước.
Căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc cũng làm tương lai của ngành công nghiệp chip trở nên mờ mịt. Chính quyền Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới ngày 7/10 với việc hạn chế bán thiết bị sản xuất chip và bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc. Tin tức này khiến cổ phiếu của các nhà sản xuất chip lao dốc một lần nữa, trong đó cổ phiếu Intel giảm 5,4% vào ngày hôm đó.
Intel đã cố gắng lấy lại vị thế của mình trong ngành bằng cách phát hành bộ vi xử lý PC và chất bán dẫn đồ họa mới. Một phần quan trọng trong chiến lược của họ là bán nhiều chip hơn cho thị trường trung tâm dữ liệu, nơi các đối thủ AMD và Nvidia đã gia nhập từ trước.
Ngày 11/10, Google tiết lộ rằng công nghệ mới do Intel cung cấp cho các trang trại máy chủ của mình sẽ giúp tăng tốc các tác vụ trí tuệ nhân tạo. Intel hiện đang tìm cách theo đuổi những mục tiêu đó với tư cách là một công ty tinh gọn nhân sự hơn.
David Zinsner - giám đốc tài chính của Intel, cho biết sau báo cáo hàng quý mới nhất của tập đoàn: "Có nhiều cơ hội lớn để Intel cải thiện và cung cấp sản lượng tối đa".
Nguồn: Nikkei, CNN
Mộc Tiên