Kế hoạch chinh phục thiên nhiên bảo vệ bờ biển của 1 thị trấn ở Mỹ trước nguy cơ xói mòn

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 09:49:52

North Cove, bang Washington (Hoa Kỳ) đang đối mặt với tình trạng xói mòn không thể tránh khỏi, song những người dân tận tụy quyết định bắt tay vào chinh phục lại thiên nhiên.


Khi David Cottrell mới là đứa trẻ 3 tuổi, ông từng được cha chở đi trên một con đường ngắn về phía bãi biển ở quê nhà North Cove.

Vùng đất đang mất dần

Đó là đầu những năm 1960. Gia đình Cottrells sở hữu, làm việc và sống trong một trang trại nam việt quất ở một phần của bờ biển phía nam bang Washington, Mỹ.

Khu định cư nhỏ, chưa hợp nhất, được thành lập vào năm 1884, nằm dọc theo một con đường phía sau Cape Shoalwater, một mỏm giống như móng vuốt uốn cong vào đầu phía bắc của Vịnh Willapa, nơi một cửa sông mở ra Thái Bình Dương. Tại con lạch nhỏ và vùng cao rừng rậm này, việc buôn bán nam việt quất đã phát triển mạnh trong gần một thế kỷ.

Đầu những năm 1960, tình trạng xói mòn ở thị trấn tồi tệ đến mức "nuốt chửng" những cấu trúc xây dựng.

Ở cuối con đường, tòa nhà lớn màu trắng thuộc trạm bảo vệ bờ biển bị bỏ hoang, nằm vắt vẻo một nửa trên mép bờ, nứt toác trong nước. Cấu trúc đó là thiệt hại mới nhất của xói mòn bờ biển - không ngừng nghỉ, không khoan dung, vốn như muốn nuốt chửng cả thị trấn.


Đêm đó, Cottrell không thể ngủ được vì cảm giác về đại dương cứ len lỏi, len lỏi tới gần - câu hỏi " Khi nào nó đến nhà mình? Nhà chúng tôi có thể bị ngập dưới nước không " - đã lẩn quẩn trong tâm trí ông từ đó.

Đến thời điểm hiện tại, Cottrell đang dẫn dắt dự án chống xói mòn lớn nhất từ trước đến nay của North Cove. Trong vài năm gần đây, ông đã tạo ra những barie - gồm các tảng đá dài và cát bồi đắp - để chắn sóng. Dự án là một bờ kè động hiện chạy dài gần 2 dặm (3,2km) dọc theo bờ biển phía bắc của Willapa.

Cho đến nay, có thể nói thử nghiệm này đang hoạt động hiệu quả. Tính đến năm ngoái, vịnh này đã chứng kiến tốc độ xói mòn giảm khoảng 10 lần - một đột phá đầy hứa hẹn nếu so với các mô hình lịch sử - theo Cục sinh thái bang Washington. Giá bất động sản trong khu vực cũng tăng lên, tỉ lệ nghịch với dòng triều cường đang dần rời xa bờ.

Các nhà khoa học và kỹ sư vùng ven biển tại Hoa Kỳ và châu Âu đã chú ý tới công việc của Cottrell. Trong thời đại biến đổi khí hậu và các cơn bão ven biển ngày càng gia tăng, các cộng đồng sống gần bờ biển phải đối mặt với một tương lai bất định. Nếu thí nghiệm của Cottrell thành công về lâu dài, thì kỹ thuật này có thể được bắt chước ở những nơi không đủ khả năng để ngăn các vùng nước dâng với việc xây dựng tốn kém.

David Cottrell cùng vợ là những người dẫn đầu dự án bảo vệ đường bờ biển của thị trấn.

Dự án này vượt ra ngoài North Cove và bang Washington hay phía tây bắc Hoa Kỳ. Nó có tầm quốc tế, cách tiếp cận này sử dụng đá cuội - đá nhỏ hoặc sỏi - để tiêu hao năng lượng (sóng) và bảo tồn các bãi biển ở những nơi không có nhiều tài nguyên để xây dựng công trình tốn kém

"Bãi biển bị cuốn trôi"

North Cove trở nên nổi tiếng là điểm xói mòn nhanh nhất của bờ biển phía Tây Hoa Kỳ, với biệt danh "bãi biển Washaway" (tạm dịch: Cuốn trôi) vì nhiều thập kỷ mất mát kinh hoàng. Năm này qua năm khác, các cơn bão mùa đông, dòng chảy thủy triều và sóng biển đã làm xói mòn nền móng của thị trấn và đẩy vùng đất của nó lui về phía đông bắc.

Một kênh nước sâu chạy dọc theo chiều dài của vịnh nhỏ, băng qua quán bar Willapa, lừ lừ tiến về phía thị trấn. Sóng lớn ập vào một vùng hẹp và quét qua đất liền, cuốn trôi của cải và hạ tầng của North Cove. Chỉ trong vài năm, thị trấn đã chứng kiến đường bờ biển của nó di chuyển vào đất liền hơn 30m.

Trong khi đó, một hệ thống cầu cảng ở phía bắc đã giữ hết cát lại từ đầu thế kỷ 20, chưa kể việc trồng cỏ cồn cát trên các bãi biển khác hay đắp đập của sông Columbia làm giảm nguồn cung cấp trầm tích - tất cả đều đóng góp vào việc North Cove dần bị xói mòn theo thời gian.

Tới giữa những năm 1960, trạm bảo vệ bờ biển trong hồi ức của Cottrell đã biến mất. Theo sau là ngọn hải đăng, trường học, bưu điện và một số ngôi nhà nghỉ hè. Người dân buộc phải cầu xin các quan chức chính phủ, kiến nghị với các tổng thống Hoa Kỳ, tìm kiếm nguồn tài trợ khẩn cấp, ca ngợi tiềm năng của North Cove như một địa điểm để giải trí và bến du thuyền, bất cứ thứ gì có thể để kêu gọi nguồn tài chính bảo vệ khu vực này.

Khi những hy vọng này không được hồi âm, North Cove đã trở thành một phòng thí nghiệm của các thử nghiệm thô trong việc ổn định đường bờ biển. Các dự án chống xói mòn mọc lên, trên các bất động sản riêng lẻ và dọc theo các bãi biển dễ bị tổn thương. Đáng tiếc, hầu hết các nỗ lực hiện nằm ngoài khơi hàng chục đến cả trăm mét, dưới đáy vịnh Willapa.

Giới báo chí và nhiếp ảnh đã ghi lại hiện trường ngày càng buồn thảm: những ngôi nhà mất đi nền móng và sập dần bên các bãi biển, đồ đạc và vật liệu xây dựng nằm rải rác, móng nhà trơ ra sương gió.

Một số ít chủ nhà đã nghĩ ra việc đặt cả căn nhà của họ lên bánh xe và chuyển chúng đi nơi khác. Một số cư dân tái định cư trong cộng đồng, trong khi người khác rời đi hoàn toàn. Tệ hơn, khu vực bị xói mòn là một "ngọn hải đăng" cho những kẻ vi phạm pháp luật. Người ta lợi dụng tinh thần cảnh giác kém, đổ rác và chất độc hại vào những khu vực trống trải, chiếm nhà bỏ hoang, đột nhập vào ô tô đang đậu.

Người dân phải cho nhà lên xe kéo để rời vùng xói mòn.


" Chuyện đó (trở nên) bình thường, nhưng nó thật đáng lo ngại ", Cottrell nói với phóng viên tờ Guardian. " Nó đã làm mất ổn định cộng đồng theo một cách khá nghiêm trọng ".

Cottrell trút nỗi lòng vào một buổi chiều mưa phùn đầu năm 2020 trên bãi biển North Cove. Cao lớn và lanh lợi, người nông dân trồng nam việt quất để râu và đeo kính không gọng, búi mái tóc màu xám thành đuôi ngựa dưới chiếc mũ lưỡi trai.

Phóng viên chú ý tới một dòng chữ được vẽ trên lưng chiếc áo khoác sẫm màu của ông: "Wash Away No More" (tạm dịch: Không còn bị cuốn trôi).

Những nỗ lực thất bại vào thập niên 60 của thế kỷ trước giờ đã nằm dưới đáy vịnh. Trong ảnh, các cọc được chằng buộc với lưới biển được sử dụng nhằm chắn sóng.

Dưới chân ông là một đống đá núi lửa, đá cuội bazan chủ yếu có kích thước từ quả bóng chày đến bóng rổ. Loanh quanh trong đôi ủng cao su, Cottrell khom lưng để di chuyển những viên đá xung quanh bằng tay, tinh chỉnh một đống mà ông đã sắp xếp cho con đê chắn sóng tự chế. Cottrell còn chỉ tới những "gờ giảm tốc" rải rác, cái cũ cái mới lẫn lộn chạy song song với đường sóng.

Cottrell và cộng đồng của ông nhận thức rõ hơn vào năm 2016 - khi quận Pacific, nơi có North Cove tọa lạc, đề xuất cấm xây dựng ở những khu vực có khả năng bị xói mòn trong vòng 30 năm - rằng các cơ quan liên bang và tiểu bang coi sự "diệt vong" của North Cove là không thể tránh khỏi.

Gần 13km2 đã nằm dưới đáy vịnh kể từ năm 1871. Kỳ công kỹ thuật cần thiết để cứu thị trấn - ví dụ như một đê chắn sóng - sẽ tiêu tốn hàng triệu đô la. Như các cơ quan đã chỉ ra trong nhiều năm, giá trị kinh tế của North Cove "không phù hợp" với chi phí cao ngất ngưởng ấy, bất chấp nỗ lực thuyết phục của người dân.

Cục sinh thái của tiểu bang dự đoán rằng nước sẽ xâm nhập vào đường cao tốc - đã được định tuyến lại để thoát khỏi sự xói mòn - vào năm 2030. Gần 550 mẫu Anh (hơn 2km2 nữa) sẽ tiếp tục biến mất vào năm 2060.

Trang trại của gia đình Cottrell giờ nằm ở ngang mực nước biển, giữa hàng trăm mẫu sa lầy nam việt quất và cơ sở chế biến. Xâm nhập mặn có thể làm mất mùa ở North Cove. Nền kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp vài triệu đô la, với hàng triệu đô la khác bị thiệt hại gián tiếp.

David Cottrell đứng trên đê chắn sóng động của thị trấn.

Một liên minh địa phương hình thành. Họ tự gọi mình là Wecan (Tổ chức Hành động Kiểm soát Xói mòn Willapa). Với tư cách là chủ tịch khu vực xói mòn, Cottrell được luật tiểu bang ủy quyền bảo vệ đất của khu "chống lại thiệt hại hoặc lũ lụt từ bất kỳ vùng nước nào", tức là bao gồm cả đại dương.

Vợ ông Cottrell, bà Connie Allen, đã thành lập một nhóm công dân có tên là Wash Away No More bằng cách sử dụng tổ chức phi lợi nhuận từ thiện địa phương để vận động quyên góp. Bà giúp thiết kế một logo và vẽ nó lên các mặt hàng quần áo - bao gồm cả áo khoác của chồng mình - cũng như các mặt hàng khác. Nhóm sẽ bán hàng và dùng số tiền thu được cho dự án chống xói mòn.

Cần những nỗ lực liên tục

Kè động, hay kè bằng đá cuội, không được nhiều người biết đến, nhưng ý tưởng này vốn có từ thời xa xưa. Các nền văn hóa bản địa đã nuôi trai và bẫy cá trong các gò đá cuội hình vòng cung - vừa kiêm luôn làm đê chắn sóng.

Khoa học và nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật tương đối mới, nhưng các khái niệm đã có từ hàng ngàn năm trước.


George Kaminsky, kỹ sư bờ biển

Cottrell thậm chí đang bắt đầu quá trình xây dựng các cồn cát tự nhiên.

Chúng bắt đầu bằng đá cuội để làm chậm dòng nước khi chảy lên bờ kè. Những tảng đá nhỏ, nhẹ được nhặt bằng tay và di chuyển cho đến khi chúng nằm ở những khu vực có mức năng lượng sóng thấp và đóng vai trò bịt những khoảng trống nhỏ.

Những tảng đá lớn hơn, khó di chuyển hơn thì tọa lạc ở nơi có năng lượng sóng cao. Khi nước rút đi, cát lắng lại giữa các tảng đá và bắt đầu chôn vùi chúng. Một con dốc bắt đầu hình thành. Gỗ - gồm cả chi và thân, rễ cây - góp phần nuôi dưỡng các đụn cát. Cuối cùng, họ trồng các loại cỏ tự nhiên ở cồn cát để "khóa" toàn bộ cấu trúc.

Cottrell giám sát hệ thống, xác định vị trí bị thiếu khuyết và bổ sung vật liệu. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và liên tục theo dõi từng bước một để đảm bảo hệ thống chắn sóng phát triển vững chắc. Ông nói mình nghĩ về nó giống như chăm sóc một cái cây hoặc nuôi dạy một đứa trẻ.

Cuối cùng, ông hy vọng sẽ tạo ra một foredune (cồn cát sát biển) có thể chống chọi với một cơn bão lớn một cách bình an vô sự. Điều này sẽ cung cấp vùng đệm còn thiếu giữa vịnh Willapa và North Cove - không gian bị chiếm đóng trong nhiều năm bởi những cánh đồng gỗ chết từ rừng bị xâm chiếm bởi đại dương và bởi đống đổ nát mà cư dân để lại. Ông nói, gần một nửa khu vực dự án hiện đã có một cồn cát ổn định.

Sẽ mất nhiều thời gian hơn để biết liệu sự ổn định có thể tồn tại lâu được hay không. Bảo trì - và cảnh giác - sẽ là cần thiết. Các bãi biển trải qua từng chu kỳ xói mòn và bồi tụ. Các cơn bão ven biển biến động dữ dội. Cuộc chiến giữa bờ biển và sóng là đụng độ với tiến trình hàng trăm, hàng nghìn năm.


Nếu bãi biển trải qua bất cứ thứ gì tương tự như cơn bão Ngày Columbus năm 1962 (diễn ra vào ngày 12/10 60 năm về trước) hoặc gió lớn ven biển năm 2007 - hoặc kể cả nếu kênh nước sâu ngoài bờ biển của North Cove bắt đầu quay lên phía bắc một lần nữa - mọi thứ có thể thay đổi. Cottrell đã ví thí nghiệm này giống như nuôi một con rồng: " Nó có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng bạn không bao giờ muốn quay lưng lại với nó ".

Một ví dụ đáng noi theo

Trong giai đoạn đầu, tài trợ cho dự án đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có hàng trăm nghìn USD từ nhà nước. Một nhà tài trợ chính là Khu Bảo tồn Thái Bình Dương - tổ chức phi quản lý chuyên bỏ tiền cho các mối quan tâm về tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Với những nhu cầu cấp thiết nhất - ngăn chặn tình trạng mất đất và bảo vệ bờ biển thì số tiền lớn có thể không còn cần thiết nữa, Cottrell nói. Dự án vẫn tồn tại qua mùa đông năm ngoái khi các chủ đất tư nhân tự chăm sóc bờ biển của họ, chưa kể những món tiền nho nhỏ và vật liệu được quyên góp cho dự án. Cottrell cũng mong đợi điều tương tự vào mùa đông tới đây.

Dựa trên ví dụ của North Cove, Kaminsky tin rằng các kỹ sư ven biển nên bắt đầu suy nghĩ lại về lĩnh vực của họ, có lẽ nên ít chú ý hơn đến các cấu trúc kiểm soát xói mòn cứng, như đập mỏ hàn và tường chắn sóng, và để tâm hơn đến các quá trình tự nhiên. Sóng có thể làm xói mòn các bãi biển, nhưng đồng thời cũng tạo ra chúng.

Những cơn sóng đập vào bờ, làm xói mòn bờ biển North Cove.


" Những con sóng đang xây dựng lớp cát này ", anh nói khi lướt qua các rặng và rãnh của bờ biển trong đợt thủy triều mạnh vào tháng 12/2021, thời điểm đang thu thập dữ liệu với các đồng nghiệp của mình để tạo bản đồ địa hình mới. " Chúng ta chỉ cần giúp nó phân tán đi một chút ".

Vào lúc hoàng hôn, đeo một chiếc GPS gắn trên ba lô và một chiếc đèn pha chiếu một chùm tia vào bóng tối lạnh lẽo, mù sương, Kaminsky tiến về phía bãi lướt sóng để hoàn thành việc đo độ cao của cát.

Trước mặt anh, các hình trụ, gỉ sét và đóng thùng nhô ra khỏi bờ biển khi thủy triều rút xuống. Phía sau anh, trong kè chắn sóng, là những viên gạch từ những tòa nhà đã mất, những mảnh ngói đen từ những con đường cụt - những mảnh vỡ của quá khứ của North Cove giờ đã hòa vào hệ thống bãi biển, chung nhịp đập cùng những viên đá cuội, vươn lên giang tay để bảo vệ tương lai của thị trấn.


Nguồn: Guardian

Chia sẻ Facebook