Kế hoạch chinh phục thị trường Đức của các hãng xe Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
13/10/2022 17:18:46

Họ tin rằng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và cải thiện hình ảnh thương hiệu sẽ giúp thâm nhập thị trường Đức dễ dàng hơn.


Theo Nikkei, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang thực hiện nỗ lực thứ hai trong việc tấn công và chinh phục thị trường Đức. Cách đây hơn một thập kỷ rưỡi, xếp hạng an toàn ở mức thấp đã ngăn cản nỗ lực đầu tiên của họ. Còn giờ đây, mọi thứ dường như đã thay đổi.


Các nhà sản xuất như Great Wall Motor, Geely và SAIC Motor gần đây đã ra mắt hoặc đang có kế hoạch tung ra một loạt mẫu xe điện và xe hybrid tại thị trường ô tô lớn nhất châu Âu với niềm tin rằng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và cải thiện hình ảnh thương hiệu sẽ giúp họ thâm nhập thị trường dễ dàng hơn.

Nhà sản xuất xe điện Nio đã bắt đầu bán dòng sedan ET7 từ ngày 7/10, trong khi Great Wall dự kiến sẽ tung ra Ora Cat – chiếc xe điện nhỏ gọn với thiết kế cổ điển và chiếc SUV plug-in hybrid Coffee 01 vào giữa tháng 10.

Chiếc sedan ET7 của Nio.

BYD có kế hoạch ra mắt hai mẫu SUV điện - Atto 3 và Tang cùng mẫu sedan điện mang tên Han tại Đức trong tháng này, sau khi phát hành tại Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển vào tháng 9.

Kế hoạch mở rộng của BYD đã nhận được sự thúc đẩy lớn khi ngày 3/10 vừa qua, Sixt - công ty cho thuê xe hơi lớn nhất của Đức, thông báo sẽ mua 100.000 chiếc Atto 3 từ nay đến năm 2028.

Thương hiệu MG-Motor (đơn vị ở Anh của SAIC) đã bắt đầu bán chiếc MG4 nhỏ gọn chạy điện của mình ở châu Âu vào tháng trước, một cột mốc quan trọng đối với nhà sản xuất này khi đây là chiếc xe đầu tiên được chế tạo hoàn toàn trên nền tảng do Trung Quốc phát triển.

Polestar và Lynk & Co. có trụ sở tại Thụy Điển, là hai nhà sản xuất thuộc sở hữu hoàn toàn của Geely (Trung Quốc) đã và đang dần khẳng định chỗ đứng của mình ở châu Âu.

Kể từ giữa năm 2020, Lynk & Co. đã phân phối 26.000 chiếc plug-in hybrid 01 của mình tại châu Âu, chủ yếu theo chương trình cho thuê hàng tháng với mức phí cố định là 550 euro (539 USD). Tuy nhiên, thị phần của họ vẫn rất nhỏ trong thị trường xe điện của Đức với việc cộng lại chưa đến 1%.

Alain Visser – CEO của Lynk & Co khu vực châu Âu, cho biết tỷ lệ này lẽ ra đã cao hơn nếu không vì các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.

Visser chia sẻ với Nikkei: "Chúng tôi có thể đã bán được nhiều xe hơn nữa nếu có đủ nguồn cung từ nhà máy của mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những nút thắt về nguồn cung gần đây đã được khắc phục nhờ công ty mẹ Geely ưu tiên chúng tôi trong chuỗi cung ứng. Nhờ đó, thời gian giao hàng hiện tại của chúng tôi ở Đức là 3-5 tháng, so với 10 đến 15 tháng của các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong quyết định mua hàng của khách hàng".

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất ô tô ở châu Âu đã buộc phải giảm sản lượng không chỉ vì tình trạng thiếu chip toàn cầu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô mà còn vì tình trạng thiếu bộ dây điện dùng trong ô tô. Ukraine là nguồn cung cấp chính thành phần này cho VW, BMW, Porsche, Audi và Mercedes. Tuy nhiên, việc sản xuất đã bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Việc các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc xâm nhập thị trường Đức diễn ra khi một số thương hiệu nội địa của quốc gia này bắt đầu mất chỗ đứng. Trong nửa đầu năm, xe điện của Đức đã mất thị phần nội địa vào tay các đối thủ Pháp, Hàn Quốc và Mỹ.

Stefan Bratzel - Giám đốc Trung tâm quản lý ô tô của Đức, cho biết: "Chỗ đứng ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang dấy lên lo ngại về việc mất thêm thị phần đối với các thương hiệu xe hơi của Đức. Chất lượng tốt của ô tô Trung Quốc cũng là một yếu tố thu hút người tiêu dùng".

Kết quả thử nghiệm độ an toàn của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng là điểm đáng chú ý. Hai đơn vị sản xuất Ora và Wey của Great Wall Motor gần đây đã nhận được số điểm 5 sao từ Euro NCAP - chương trình đánh giá hiệu suất an toàn ô tô của châu Âu.

Đây được đánh giá là sự tương phản rõ rệt so với nỗ lực tấn công thị trường Đức lần đầu tiên của các hãng xe Trung Quốc. Năm 2005, chiếc Landwind SUV của Jiangling Motor nổi tiếng được xếp hạng 0 sao và 2 năm sau, chiếc sedan BS6 của Brilliance chỉ nhận được 1 sao.

Aled Williams - giám đốc chương trình Euro NCAP, chia sẻ với Nikkei sau các thử nghiệm gần đây của Ora và Wey: "Kết quả thử nghiệm tồi tệ về độ an toàn đã phá hỏng hình ảnh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đặc biệt là ở Đức - nơi chất lượng sản xuất được coi là rất quan trọng.

Nhưng các thử nghiệm mới nhất cho thấy họ đã cải thiện rất nhiều và đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây để thâm nhập vào thị trường Đức. Đây là thị trường khó khăn nhất ở châu Âu do người tiêu dùng Đức rất trung thành với thương hiệu trong nước".

Một thử nghiệm an toàn của Euro NCAP.

Việc thúc đẩy doanh số bán hàng tại Đức là một dấu hiệu cho thấy sự tự tin của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đối với sản phẩm của họ. Theo Tu Le - giám đốc cấp cao tại Sino Auto Insights có trụ sở tại Thượng Hải, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bắt đầu tin rằng họ có thể cạnh tranh sau khi chứng kiến việc các sản phẩm xe điện của Đức không được đón nhận nồng nhiệt tại Trung Quốc.

Ông cho biết thêm rằng với việc thị trường Mỹ khó thâm nhập hơn do mức thuế 27,5% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc coi Đức là một trong những cơ hội duy nhất của họ để thâm nhập thị trường nước ngoài.


Nguồn: Nikkei, BI


Mộc Tiên

Chia sẻ Facebook