Kế hoạch 1.2 ngàn tỷ USD của Ấn Độ để thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc
Tại Ấn Độ, một nửa số dự án cơ sở hạ tầng đang bị trì hoãn và 1/4 số dự án vượt quá ngân sách ước tính. Thủ tướng Narendra Modi tin rằng công nghệ chính là giải pháp cho sự trì trệ lâu năm này.
Kế hoạch 1.2 ngàn tỷ USD của Ấn Độ để thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc
Trong một dự án lớn trị giá 100 ngàn tỷ rupee (khoảng 1.2 ngàn tỷ USD ) có tên là PM Gati Shakti (có nghĩa là Sức mạnh của tốc độ), chính quyền của ông Modi đang tạo ra một nền tảng kỹ thuật số giúp kết hợp 16 bộ ngành. Cổng thông tin này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp một giải pháp một cửa để thiết kế các dự án, phê duyệt liền mạch và ước tính chi phí dễ dàng hơn.
Amrit Lal Meena, thư ký đặc biệt về logistics của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết: “Nhiệm vụ của kế hoạch này là thực hiện các dự án mà không bị vượt quá thời gian và chi phí ước tính. Điều này để nhắm tới mục tiêu là các công ty toàn cầu sẽ chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất của họ”.
Các dự án được đẩy nhanh tiến độ sẽ mang lại lợi thế lớn cho Ấn Độ, đặc biệt là khi Trung Quốc phần lớn vẫn đóng cửa với thế giới bên ngoài và ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách “Trung Quốc cộng một”, tức là tìm kiếm các quốc gia khác để mở rộng hoặc làm nguồn cung ứng, để đa dạng hoá hoạt động kinh doanh cũng như chuỗi cung ứng. Nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Á cung cấp nguồn lao động không chỉ có giá rẻ mà phần lớn còn có thể nói tiếng Anh, dù cơ sở hạ tầng của họ vẫn ọp ẹp, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
“Cách duy nhất để đấu với Trung Quốc, nếu không tính đến yếu tố chính trị hiện nay khiến các doanh nghiệp phải rời đi, là phải có chi phí cạnh tranh nhất có thể. Gati Shakti chính là giúp dòng chảy hàng hoá và linh kiện sản xuất dễ dàng luân chuyển trên khắp đất nước theo cả chiều dài lẫn chiều rộng”, Anshuman Sinha, một đối tác tại công ty vận tải và hạ tầng Kearney India, cho hay.
Trụ cột chính của dự án này là xác định các cụm sản xuất mới hiện nay chưa có và liên kết các địa điểm đó một cách liền mạch với mạng lưới đường sắt, cảng và sân bay của Ấn Độ, Sinha nói. Nói cách khác, Gati Shakti giúp xác định các điểm nút và củng cố mạng lưới logistics cần thiết để kết nối chúng với nhau.
Giảm bớt quan liêu thông qua công nghệ là yếu tố rất quan trọng để Ấn Độ gỡ bỏ các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ của mình. Trong số 1,300 dự án mà cổng thông tin của Gati Shakti đang giám sát, gần 40% đã bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rừng và môi trường, dẫn đến chi phí vượt mức, theo Meena. Ít nhất 422 dự án có một số vấn đề và cổng thông tin đã giải quyết vấn đề cho khoảng 200 dự án trong số đó.
Ví dụ, với Gati Shakti, chính phủ Ấn Độ sẽ sử dụng công nghệ để đảm bảo rằng con đường mới xây xong sẽ không bị đào lên lại để lắp đặt hệ thống cáp điện thoại hay đường ống dẫn khí đốt. Gati Shakti sẽ mô hình hoá các dự án cơ sở hạ tầng tương tự như cách châu Âu đã làm sau Thế chiến II hay như cách Trung Quốc làm trong giai đoạn 1980 – 2010 để nâng cao chỉ số cạnh tranh của Ấn Độ, theo cơ quan đầu tư của nước này.
“Ấn Độ của ngày nay cam kết đầu tư ngày càng nhiều hơn để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và đang thực hiện từng bước để đảm bảo cho các dự án không gặp trở ngại và bị trì hoãn. Cơ sở hạ tầng chất lượng là chìa khoá để kích thích một số hoạt động kinh tế và tạo việc làm trên quy mô lớn. Nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại, Ấn Độ sẽ không thể phát triển toàn diện”, Thủ tướng Modi từng nói trong một bài phát biểu vào năm ngoái.
Theo dữ liệu trên trang web của Bộ Thống kê và Thực hiện kế hoạch Ấn Độ, các dự án bị trì hoãn, vượt quá ngân sách đang ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của nước này sau đại dịch COVID-19. Trong tháng 5, Ấn Độ có tổng cộng 1,568 dự án, trong đó có 721 dự án bị chậm tiến độ và 423 dự án vượt dự toán ban đầu.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, ông Modi đã tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để tạo ra việc làm mới và hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và kế hoạch của ông ấy đã có một số thành công ban đầu.
Apple đã bắt đầu lắp ráp iPhone 14 tại Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên tập đoàn công nghệ này chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ một cách nhanh chóng sau khi ra mắt iPhone mới. Samsung Electronics cũng đã mở nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Ấn Độ vào năm 2018. Hãng xe điện “cây nhà lá vườn” Ola Electric Mobility cũng cam kết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tại đây.
Ông Meena cho rằng: “Cần phải tập trung hơn nữa vào việc phát triển kho bãi hiện đại, số hoá quy trình, đào tạo nhân lực có tay nghề cao và giảm chi phí logistics. Như vậy, Ấn Độ sẽ trở thành một trung tâm sản xuất được săn lùng bởi mọi nhà sản xuất”.
Kim Dung (Theo Bloomberg)