Kê biên thêm 21 bất động sản của bị cáo Tất Thành Cang và 9 đồng phạm
Ở ngày thứ 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX cho biết đã kê biên thêm 21 bất động sản của bị cáo Tất Thành Cang và 9 bị cáo đồng phạm trong vụ bán rẻ dự án.
Kê biên thêm 21 bất động sản của bị cáo Tất Thành Cang và 9 đồng phạm
Ngày 14.10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM ), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - gọi tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 bị cáo liên quan về sai phạm bán rẻ 2 dự án Phước Kiển (H.Nhà Bè) và Ven Sông (Q.7), gây thiệt hại của nhà nước hơn 735 tỉ đồng.
HĐXX có thông báo, sau khi thẩm tra, kiểm tra chứng cứ, tòa đã kê biên thêm 21 bất động sản là nhà và đất của tất cả các bị cáo. Trong 21 bất động sản bị kê biên này, có 1 bất động sản của bị cáo Tất Thành Cang.
Theo HĐXX, căn cứ Điều 128 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc kê biên tài sản để HĐXX xem xét khi nghị án và giải quyết toàn diện vụ án. Căn cứ trên tất cả chứng cứ đã thẩm tra, kiểm tra công khai tại tòa và căn cứ đề nghị của đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS).
"Đề nghị của VKS chỉ là căn cứ để HĐXX xem xét, đó không phải là quyết định để HĐXX giải quyết vụ án. Do đó, việc kê biên tài sản, HĐXX sẽ chịu trách nhiệm trước quy định pháp luật. Kê biên tài sản của bị cáo và tài sản liên quan đến bị cáo để đảm bảo phạt tiền, tịch thu (nếu có) và bảo đảm bồi thường. Khi nghị án, nếu trường hợp nào kê biên chưa phù hợp quy định pháp luật, HĐXX sẽ giải tỏa kê biên tại bản án”, HĐXX phân tích.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm đối với vụ án, về phần trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, VKS phân tích, dự án khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 11.967,4 m 2 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 239 tỉ đồng.
Căn cứ kết quả định giá tại thời điểm khởi tố vụ án tháng 12/2019, trị giá khu đất là hơn 522,7 tỉ đồng. Do vậy, số tiền thất thoát thực tế là hơn 283 tỉ đồng, hiện chưa khắc phục được phần thiệt hại trên.
Do phần diện tích đất này đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng, việc thu hồi dự án sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và làm mất an ninh trật tự khu vực nên VKS đề nghị HĐXX không thu hồi. HĐXX cần buộc các bị cáo Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân (cùng là cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM ), Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn - Văn phòng Thành ủy); nhóm 6 bị cáo thuộc Công ty Tân Thuận: Trần Công Thiện, Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch HĐTV), Trần Tấn Hải (cựu phó tổng giám đốc), Nguyễn Xuân Tùng (cựu trưởng phòng kinh doanh tổng hợp), Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng) và Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền trên cho nhà nước, tương ứng với trách nhiệm hình sự của mỗi bị can đối với hành vi chuyển nhượng tại dự án này.
Theo cáo trạng, CQĐT đã kê biên tài sản nhà và đất của bị cáo Trần Công Thiện tại P.3, Gò Vấp; 2 nhà và đất của bị cáo Nguyễn Văn Minh tại P.5, Q.5 và P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức; nhà của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, bị cáo Trần Tuấn Hải cùng tại P.Tân Phong, Q.7. Đồng thời, phong tỏa tài khoản ngân hàng của bị cáo Bích và bị cáo Minh. Trước đó, tại phần xét hỏi, bà L.T.T.N (vợ bị cáo Nguyễn Văn Minh) trình bày, trong 3 tài sản đứng tên vợ chồng bà, có 2 tài sản là đứng tên giùm em chồng và cha mẹ. Bà L.T.T.N mong HĐXX giải trừ kê biên nhà đứng tên giùm để đỡ áp lực về kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình. Bà T.T.T (vợ bị cáo Trần Công Thiện) trình bày, về căn nhà chung của bà và bị cáo Thiện đang bị kê biên, đó là căn nhà mua trước khi bị cáo Thiện về làm tại Công ty Tân Thuận khoảng 10 năm. Mong HĐXX xem xét cho bà giữ lại căn nhà. |
Phan Thương
Thanh niên