KDC kinh doanh ra sao trước khi thoái 24% vốn tại KDF?
CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng một phần vốn của CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (KDF) cho đối tác.
KDC kinh doanh ra sao trước khi thoái 24% vốn tại KDF?
Cụ thể, ngày 28/04/2023, KDC đã chuyển nhượng hơn 17.82 triệu cp KDF cho đối tác, tương ứng 24.03% vốn điều lệ. Giá chuyển nhượng không được công bố cụ thể.
Tính đến ngày 31/03/2023, KDC sở hữu 73.03% vốn của KDF , tương ứng hơn 54.16 triệu cp. Sau khi chuyển nhượng một phần vốn, KDC còn sở hữu 49% vốn của KDF , tương đương hơn 36.34 triệu cp.
Cách đây 6 năm, KDF chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào 31/03/2017 với 11.2 triệu cp, tương đương 20% vốn điều lệ công ty. Sau đó, KDF đưa toàn bộ 56 triệu cp lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 60,000 đồng/cp trong ngày giao dịch đầu tiên 28/09/2017.
Theo KDC , năm 2017, với định hướng đưa KDF trở thành công ty đại chúng, KDC đã chuyển nhượng cổ phiếu của mình tại KDF cho các nhà đầu tư bên ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65%. Việc đại chúng hóa KDF nhằm đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, trải qua 3 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, các mục tiêu đề ra khi đại chúng hóa KDF vẫn chưa đạt được kỳ vọng của hội đồng quản trị cũng như cổ đông công ty. Cũng trong năm 2020, nhiều diễn biến bất lợi và khó lường vì dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của KDF nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng theo.
Bên cạnh đó, KDC cho biết nếu chỉ nắm 65% cổ phần không cho phép KDC toàn quyền trong mọi sự tại KDF . Một lý do để KDC quyết định tính đến phương án sáp nhập hoàn toàn KDF về lại với KDC là kể từ khi đưa KDF lên giao dịch tại sàn UPCoM (tháng 9/2017), cổ phiếu KDF chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, chưa phản ánh đúng vị thế doanh nghiệp. Đơn cử, giá cổ phiếu KDF đã tuột dần sau khi lên sàn và thường xuyên ở mức 25,000-27,000 đồng/cp, tức giảm hơn một nửa so với giá đóng cửa ở phiên giao dịch đầu tiên.
Vì vậy, KDC quyết định sáp nhập lại KDF thông qua việc phát hành thêm cổ phần KDC để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của KDF theo tỷ lệ 1:1.3 (1 cp KDF sẽ đổi lấy 1.3 cp KDC phát hành thêm, tỷ lệ hoán đổi là cố định và không được thay đổi trong mọi trường hợp).
Theo đó, cổ phiếu KDF đã hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM kể từ 11/12/2020 để thực hiện sáp nhập vào KDC . Đến thời điểm hiện tại, KDF không còn là công ty đại chúng.
Lỗ đậm nhất trong 18 năm qua
Trong quý 1/2023, KDC ghi nhận doanh thu thuần giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 2,060 tỷ đồng. Qua đó, lãi gộp giảm 29%, về còn 388 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ, Công ty phát sinh mới gần 72 tỷ đồng lãi từ thanh lý đầu tư, giúp hoạt động tài chính có lãi hơn 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 33 tỷ đồng.
Dù vậy, KDC vẫn ngậm ngùi báo lỗ ròng trong quý đầu năm gần 319 tỷ đồng do phải chịu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 305 tỷ đồng, gấp 11.6 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất của KDC kể từ khi công bố kết quả kinh doanh quý vào năm 2006.
Tính đến cuối quý 1/2023, quy mô tổng tài sản của KDC đạt gần 13,238 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản phần lớn nằm ở phải thu ngắn hạn (gần 3,199 tỷ đồng, tăng 8%), tài sản cố định (2,595 tỷ đồng, giảm 1%), tiền và các khoản tương đương tiền (gần 2,272 tỷ đồng, gấp 2.1 lần), hàng tồn kho (hơn 2,169 tỷ đồng, giảm 2%) và đầu tư tài chính dài hạn (gần 1,991 tỷ đồng, giảm 50% so với đầu năm).
Nợ phải trả chủ yếu là nợ vay với gần 3,947 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (giảm 5%) và gần 503 tỷ đồng nợ vay dài hạn (giảm 33%).
Khang Di