KBSV: Ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn trong quý III khi được nới room tín dụng
KBSV cũng kỳ vọng NHNN sẽ dần nới lỏng đối với các khoản vay cá nhân mua nhà. Thông tin này sẽ có tác động tích cực lên hoạt động của các ngân hàng cũng như giá cổ phiếu.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá triển vọng quý 3 của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, được dự báo vào trung tuần tháng 7, sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành. Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do NHNN đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi bình quân toàn ngành năm 2022 dự kiến sẽ tăng từ 0,3 – 0,5 điểm % so với cuối năm 2021, tuy nhiên tỷ lệ CASA toàn ngành được duy trì ở mức cao sẽ giảm bớt tác động từ việc nâng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay được dự báo tăng từ 0,1 – 0,3 điểm %, dù thấp hơn mức tăng của lãi suất huy động nhưng cũng sẽ có những tác động tích cực tới biên lãi thuần.
Mặt khác, mức nền quý 3 năm 2021 thấp cũng sẽ là động lực giúp các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong quý 3 năm nay.
Về khó khăn, nhóm phân tích cho biết thời gian được cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực vào 30/6/2022 và hiện tại vẫn chưa có thông tin về việc kéo dài thời hạn. Do đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý 3 sẽ tăng khi các khoản vay được phân bổ đúng nhóm nợ.
''Nhóm các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ có dư địa tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm nay, trong khi các ngân hàng mới trích lập 30% sẽ gặp phải rủi ro chi phí dự phòng tăng nhanh'', KBSV nhận định.
Đi sâu vào từng ngân hàng, KBSV kỳ vọng MB và VPBank sẽ có hạn mức tín dụng vượt trội hơn hẳn so với ngành, khoảng 25 – 30% nhờ MB tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém; còn VPBank có tỷ lệ CAR cao nhất ngành (>15%) sau thương vụ bán FECredit.
Đối với khối Ngân hàng có vốn Nhà nước, nhóm phân tích đánh giá cao Vietcombank vì sự an toàn trong hoạt động; đối với trường hợp của BIDV các nhân tố tác động tích cực gồm có (1) room tín dụng đầu năm 10% - cao hơn rõ rệt mức 8,5% các năm trước; (2) CASA cải thiện đẩy mạnh chuyển đổi số cùng việc liên kết tài khoản ngân hàng với CCCD gắn chip; (3) ngân hàng đang trong bước đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay sang bán lẻ.
Theo KBSV, giá cổ phiếu ngân hàng đã có mức sụt giảm sâu khoảng 30% từ đầu năm do tác động từ thắt chặt tín dụng bất động sản, room tín dụng cạn và các thông tin xấu liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kết hợp cùng triển vọng khả quan hơn về kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nhóm phân tích đánh giá đây là mức định giá hấp dẫn cho ngành.
Các chuyên gia của Chứng khoán KB cho rằng rủi ro chính đối với triển vọng ngành ngân hàng gồm có (1) nợ xấu từ các doanh nghiệp bất động sản tăng nhanh khi tín dụng bất động sản vẫn bị thắt chặt; (2) cuối quý 3 NHNN mới nới room tín dụng; (3) lạm phát cáo hơn dự kiến khiến NHNN tiếp tục thắt chặt dòng tiền tín dụng.