Karaoke văn minh: Vui mình làm người khác khổ thì không nên làm!
Việc hát karaoke trong mỗi gia đình tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, tưởng vui mà chưa hẳn đã vui, vui mình làm người khác khổ thì không nên làm.
"Kẻ hủy diệt nốt cao", "Người làm cả khu phố phát ốm"... là những cách mà khán giả bất đắc dĩ gọi những người hát karaoke làm ầm ĩ xóm làng. Không chịu đựng nổi, nhiều người nghĩ ra đủ cách để chấm dứt tiếng ồn này, bao gồm cả những cách làm cực đoan như mạo hiểm ngắt cầu dao tổng của cả khu dân cư, dùng công nghệ can thiệp vào hệ thống âm thanh nhà hàng xóm. Kết quả, vì hát karaoke mà mất cả tình làng nghĩa xóm.
Có nhiều lý do để người dân hát karaoke như vì vui, để thỏa niềm đam mê ca hát, giải tỏa căng thẳng, thậm chí để thể hiện cái tôi của mình qua ca hát... Tuy nhiên, nếu sở thích cá nhân ảnh hưởng tới cộng đồng, đặc biệt vi phạm pháp luật thì không được phép. Trong nhiều trường hợp, thói quen hát karaoke mặc kệ những người xung quanh đã gây ra ô nhiễm tiếng ồn, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cả cộng đồng dân cư.
Trước đây, phải mất vài triệu, tới vài chục triệu đồng để sắm được một dàn loa công suất lớn hát karaoke, nhưng nay chỉ bỏ ra vài trăm ngàn đã có thể mua được một chiếc micro cho phép hát vang xóm làng, từ sáng tới đêm. Tiếng ồn từ 80-90dB là phải bắt đầu lưu ý hơn về mức độ nguy hiểm, ở mức trên 90dB mỗi ngày con người chỉ chịu tối đa được 1 giờ. Mức 100dB, nếu không mang thiết bị bảo vệ thì con người chỉ chịu được tối đa 15 phút. Nếu tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ dB cao trong thời gian dài thì tai sẽ chịu tổn thương và có thể dẫn đến điếc tai. Chính vì vậy, dù hát hay đến mấy nhưng hát ầm ĩ thì cũng không ai chịu nổi. Trước ý kiến gay gắt của người dân, một số địa phương đã có giải pháp mạnh tay để xử lý tình trạng này.
Luật pháp hiện quy định, nếu hát karaoke gây ồn ào huyên náo khu dân cư, trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước tới 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về tiếng ồn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng, phụ thuộc vào mức dB tiếng ồn vượt quá mức cho phép.
Khi ý thức chấp hành pháp luật và sự tôn trọng đối với cộng đồng chưa cao thì vấn nạn hát karaoke gây mất trật tự vẫn tồn tại. Chính quyền có giải pháp quyết liệt. mạnh tay hơn. Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng bị phạt vì tổ chức show diễn Góc ban công chưa được cho cấp phép. Chia sẻ về câu chuyện của mình, Tuấn Hưng tâm sự: "Quả thực, trong một đám đông với 5000 – 7000 người xem mình hát, không có đủ lực lượng an ninh bảo vệ, nếu có chuyện gì xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm. Vì thế, mình vui quá mà để lại hậu quả cho người khác gánh thì điều đó cần phải xem xét lại".
"Chính bản thân Hưng cũng phải tìm mọi cách để cố gắng giữ được show góc ban công vừa không làm phiền người khác. Cảm ơn nhiều lắm những người hàng xóm. Một buổi thì không sao nhưng nhiều buổi thì chắc họ cũng đau đầu lắm, vì tần suất âm thanh không nhỏ", ca sĩ Tuấn Hưng nói.
Karaoke là phát minh của Daisuke Inoue từ năm 1971. Điều thú vị là năm 2004, giải thưởng Ig Nobel - giải thưởng cho những phát minh vô bổ - đã trao giải Hòa bình cho phát minh này. Nguyên nhân bởi nó đã mở ra cho con người một cách mới, đó là học chịu đựng lẫn nhau.
Để được hát karaoke mà không làm phiền người khác thì không phải không có cách, tất cả nằm ở ý thức và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Với những cá nhân cố tình gây tiếng ồn ảnh hưởng người khác, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi tới Ủy ban nhân dân phường, xã nơi cư trú để có thể được giải quyết theo pháp luật.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke gia đình, loa kéo đã có quy định xử phạt nhưng việc triển khai lại rất khó khăn do quy định chưa sát thực tế.