Jennie lập công ty riêng, lôi kéo toàn nhân sự 'cộm cán' của YG nhưng bị nhiều fan quay lưng
Xu hướng thành lập công ty riêng Ngày nay, các thần tượng K-pop thường băn khoăn lựa chọn hướng đi...
Xu hướng thành lập công ty riêng
Ngày nay, các thần tượng K-pop thường băn khoăn lựa chọn hướng đi tiếp theo, sau khi hợp đồng độc quyền tiêu chuẩn 7 năm với công ty đào tạo của họ kết thúc. Lúc này, ngoài việc phân vân nên quyết định tái ký hợp đồng hay chuyển sang công ty khác, thì một xu hướng mới đã xuất hiện, đó là việc thành lập công ty riêng.
Một ví dụ điển hình là Jennie của nhóm nhạc nữ toàn cầu Blackpink. Cụ thể, sau khi ký kết hợp đồng độc quyền với YG Entertainment vào năm ngoái, cả 4 thành viên quyết định chỉ gia hạn hợp đồng nhóm thay vì gia hạn hợp đồng cá nhân như trước.
Và mới đây, Jennie tuyên bố thành lập công ty quản lý của riêng mình mang tên ODD ATELIER. Giải thích lý do đằng sau quyết định này, thành viên Blackpink cho biết: “Tôi muốn theo đuổi các hoạt động cá nhân một cách tự do hơn, điều này đã khiến tôi thành lập công ty riêng của mình”.
Việc Jennie thành lập công ty riêng để phát triển sự nghiệp cá nhân là điều dễ hiểu, bởi ngay từ những ngày đầu ra mắt, cô là thành viên nổi bật và được "săn đón" nhất trong Blackpink. Jennie cũng là thành viên đầu tiên "tách lẻ" ra mắt đĩa đơn solo, tham gia nhiều sự kiện thời trang tầm cỡ, đồng thời cô cũng là đại sứ của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Calvin Klein, Hera...
Tương tự như Jennie, một thành viên khác của Blackpink là Jisoo cũng úp mở về việc hợp tác cùng anh trai trong các hoạt động cá nhân sắp tới. Về vấn đề này, anh trai của Jisoo đã đăng thông báo tuyển dụng trên nhiều nền tảng khác nhau với hình ảnh nổi bật của Jisoo, gợi ý về bước đột phá mới trong sự nghiệp giải trí của cả hai.
Mô tả của công ty thể hiện rõ ràng mong muốn “mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu”. Sự hợp tác giữa hai anh em được cho là sẽ nâng cao sự nghiệp của nghệ sĩ đồng thời củng cố mối quan hệ với người hâm mộ.
Ngoài Blackpink, trong thời gian qua, nhiều ngôi sao trong giới giải trí Hàn Quốc cũng lựa chọn hướng đi này. Một số thành viên EXO như D.O và Baekhyun cũng đã thành lập công ty riêng. Trong đó, D.O và quản lý Nam Kyung Soo dự kiến xây dựng SuSu Entertainment, còn Baekhyun với I&B100 đang muốn chiêu mộ hai thành viên cùng nhóm là Chen và Xiumin.
Một trường hợp khác là Kino của Pentagon, người đã rời Cube Entertainment và thành lập công ty riêng mang tên NAKED. Trước đó, vào tháng 8/2023, cựu thành viên ASTRO Rocky cũng thành lập công ty quản lý mang tên One Fine Day Entertainment để phát triển sự nghiệp solo.
Những ví dụ này phản ánh xu hướng mới khi các ca sĩ thần tượng chủ động rời bỏ công ty quản lý ban đầu, dám thành lập công ty riêng. Động thái này là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy những ngôi sao này mong muốn sự độc lập trong làng giải trí và kiểm soát tốt hơn sự nghiệp của mình.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng việc gia nhập một công ty lớn mang lại cho những thần tượng cơ hội học tập quý giá và giúp họ trưởng thành nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo những người trong ngành giải trí Hàn Quốc, việc nghệ sĩ tự thành lập công ty riêng lại mang lại nhiều lợi ích cho nghệ sĩ, bao gồm cả quyền kiểm soát và tự do trong ngành giải trí.
Trong khi các công ty lớn có thể giới thiệu nhiều khía cạnh khác nhau thì các công ty thuộc sở hữu của thần tượng cho phép các nghệ sĩ ưu tiên tầm nhìn và sở thích sáng tạo của họ. Về mặt tài chính, công ty một thành viên cũng có thể có cơ cấu chia sẻ lợi nhuận thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, các công ty quản lý cá nhân này vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. So với các đối tác lớn hơn, các công ty này thường thiếu nguồn lực và quy mô, dẫn đến thiếu kinh nghiệm hoạt động.
Ưu thế và khó khăn
Nhiều nghệ sĩ tự tin thành lập công ty riêng, bởi sau nhiều năm hoạt động, họ đã tích lũy được tiềm lực kinh tế không nhỏ. Cũng như học hỏi được kinh nghiệm quản lý, vận hành và định hướng phát triển từ công ty chủ quản cũ.
Thậm chí, nhiều quản lý lâu năm cũng quyết định đi theo nghệ sĩ sang công ty mới, đây là lợi thế về nhân sự.
Mặt khác, khán giả cũng kỳ vọng thần tượng của mình có bước đột phá về hình tượng, âm nhạc hoặc các hoạt động cá nhân khác. Vì vậy, thành lập công ty riêng tạo điều kiện cho nghệ sĩ tự do sáng tạo, không ngại thử sức với cái mới, thay vì chỉ được làm theo những gì công ty cũ quy định.
Như công ty OA của Jennie tự giới thiệu là “không gian nhằm tạo ra những thứ mới mẻ, thu hút sự chú ý theo cách khác biệt hoặc ngoài mong đợi".
Các công ty lớn có ưu thế về mặt nhân sự, đưa ra chiến lược phát triển toàn diện cho nghệ sĩ, kể cả cuộc sống cá nhân, giúp giảm thiểu được rủi ro.
Nhưng công ty riêng do nghệ sĩ tự thành lập sẽ là nơi cho phép họ ưu tiên sở thích và tầm nhìn sáng tạo của riêng mình, điều mà họ không thể làm khi ở trong một công ty lớn, có sẵn đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp và nghệ sĩ chỉ làm theo một cách thụ động.
Ngoài ra, nghệ sĩ có lợi hơn về ăn chia lợi nhuận khi hoạt động ở công ty do mình làm chủ.
Tuy nhiên, tự thành lập công ty riêng cũng đối mặt những thách thức. Hiện hữu rõ ràng nhất là nguồn lực kinh tế, nhân sự và quy mô vận hành. Để tuyển chọn được đội ngũ nhân viên dày dạn kinh nghiệm không dễ.
Những công ty lớn đều đã có tầm ảnh hưởng và mối quan hệ trong ngành, điều này giúp họ xử lý khủng hoảng nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Trong khi nghệ sĩ được giảm thiểu áp lực, rủi ro để tập trung làm tốt vai trò của mình.
Nhưng đối với công ty do nghệ sĩ nắm quyền điều hành trực tiếp, việc đối phó với làn sóng dư luận sẽ khó khăn hơn. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng hoạt động nghệ thuật.
Không có công ty chủ quản, nghệ sĩ như mất đi tấm khiên đỡ đạn. Trong khi, người hâm mộ có tâm lý không chỉ trích gay gắt công ty do nghệ sĩ mình hâm mộ đứng đầu. Và khi xảy ra vấn đề, fan không dám phê phán công ty riêng của thần tượng. Điều này tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến bất mãn gia tăng, cuối cùng có thể họ sẽ rời bỏ fandom.