Jeff Bezos: 'Nghĩ về những điều làm bạn hối tiếc ở tuổi 80, đó sẽ là những thứ mà bạn không dám làm!'

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 14:07:33

Tư duy chấp nhận rủi ro đã giúp định hình cuộc sống của tỷ phú Jeff Bezos từ trước cả khi ông thành lập tập đoàn khổng lồ Amazon.


Năm ngoái, tỷ phú Jeff Bezos quyết định rời ghế CEO Amazon sau 27 năm gắn bó. Trong suốt khoảng thời gian từ khi thành lập tập đoàn hồi năm 1994 đến nay, ông thường xuyên chia sẻ nhiều lời khuyên và bài học kinh nghiệm của bản thân tới các cổ đông và nhiều nhà đầu tư trẻ. Ba bài học lớn nhất đã được trang CNBC điểm lại.


Chấp nhận rủi ro


“Nghĩ về những điều làm bạn hối tiếc ở tuổi 80, đó sẽ là những thứ mà bạn không dám làm’’.


Tư duy này đã định hình cuộc sống của Bezos từ trước khi ông thành lập Amazon. Năm 30 tuổi, ông đầu quân cho quỹ đầu cơ D. E. Shaw tại phố Wall, song nhận thấy tiềm năng tương lai của nền kinh tế Internet nên quyết định mở một cửa hàng trực tuyến để bán sách. “Tôi tưởng tượng ra mình vào năm 80 tuổi và lặng lẽ nhìn lại cuộc đời mình. Liệu đến lúc đó tôi có cảm thấy hối tiếc vì đã từ bỏ công ty và cả khoản tiền thưởng cuối năm?”, Bezos tâm sự.


Vậy là, dưới bàn tay Jeff Bezos, Amazon, từ một công ty kinh doanh sách trực tuyến đã trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử khiến thị trường bán lẻ toàn cầu thay đổi.


Ít ai biết được rằng trước khi trở thành đế chế trị giá 1.400 tỷ USD, Amazon đã từng bước những bước đi chập chững vào đúng thời điểm người dân Mỹ chưa có nhiều ý niệm về mua sắm online. Internet khi đó cũng không hề phổ biến và nhiều người còn không có máy tính bàn để sử dụng.

Amazon, từ một công ty kinh doanh sách trực tuyến đã trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử khiến thị trường bán lẻ toàn cầu thay đổi


“Tôi nghĩ mình sẽ không phải hối tiếc một khi đã nỗ lực, dù có thất bại đi chăng nữa. Tôi sẽ luôn bị ám ảnh nếu không thử bắt tay vào làm”, Bezos chia sẻ và cho biết sẽ “chọn con đường ít an toàn nhất để theo đuổi đam mê’’.


Theo cây viết Peter Cohan của tạp chí Forbes, chính khả năng biến những canh bạc mạo hiểm trở thành nguồn doanh thu khổng lồ của Bezos đã khiến hầu hết các thương vụ đầu tư của Amazon đều sinh lời hoặc có khả năng sinh lời trong tương lai.


“Sự hối tiếc sẽ khiến bạn không thể hạnh phúc khi tự kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, trong một khoảnh khắc nào đó”, Jeff Bezos nói.


Nhanh chóng đưa ra quyết định


Bezos tin rằng chìa khóa để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả là đưa ra “những quyết định chất lượng cao được đưa ra một cách nhanh chóng”.


Trong lá thư gửi cổ đông Amazon vào năm 2015, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhanh lẹ đối với nỗ lực đưa Amazon trở thành “một công ty lớn kiêm cỗ máy sáng tạo hoàn hảo”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít quyết định là “không thể đảo ngược hoặc gần như không thể đảo ngược”.


Chính vì vậy, đa phần các quyết định của Bezos đều được đưa ra nhanh chóng. Ông cho rằng nếu một công ty dành quá nhiều thời gian cho việc cân nhắc những quyết định có thể đảo ngược, chúng có thể dẫn tới “sự chậm trễ, tâm lý lo sợ và cạn kiệt tư duy sáng tạo.

Tỷ phú Jeff Bezos


“Tất cả những quyết định tốt nhất của tôi trong công việc và cuộc sống đều được đưa ra bởi trái tim, trực giác, linh cảm. Chẳng có gì dựa trên phân tích cả”, Bezos chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2018.


Là chính mình


Tháng 4 năm ngoài, trong một lá thư gửi cổ đông Amazon, Bezos nói về tầm quan trọng của việc giữ gìn màu sắc cá nhân.


“Chúng ta đều biết rằng chất riêng, tức màu sắc cá nhân, có giá trị rất lớn. Tôi muốn nói với các bạn rằng hãy chấp nhận và có cái nhìn thực tế về việc bạn sẽ làm gì để duy trì năng lượng đó. Thế giới muốn bạn hoà tan theo cả nghìn cách khác nhau. Đừng để điều đó xảy ra”, Bezos nói. “Là chính mình là một điều đáng làm, song nó không hề dễ dàng hay miễn phí”.


Theo: CNBC


Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook