JCB và chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
JCB có hơn 140 triệu thẻ đang được phát hành tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, mạng lưới rộng khắp với 35 triệu đơn vị chấp nhận thẻ.
Tại Việt Nam, thẻ JCB được phát hành tại 16 ngân hàng và công ty tài chính: VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Eximbank, Techcombank, ACB, MB Bank, Agribank, Kienlongbank, OCB, Nam A Bank, Viet Capital Bank, LienVietPostBank, TPBank, Mcredit, FE Credit, COM-B.
JCB cũng đã và đang phát hành các dòng thẻ phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Ông KAZUMA SHUKUIN - trưởng đại diện JCB tại Việt Nam - đã cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
* JCB và các đối tác đã có các hoạt động thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam như thế nào trong thời gian qua?
- Trong gần 2 năm qua, COVID-19 đã thật sự làm gián đoạn nhiều hoạt động, nhưng ở khía cạnh tích cực hơn, tôi tin rằng COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thanh toán không tiền mặt với sự an toàn, tiện lợi. So với năm 2020, hoạt động thanh toán qua thẻ JCB tại Việt Nam năm 2021 tăng 35%.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và nâng cao nhận thức người tiêu dùng, JCB còn hỗ trợ các đối tác triển khai nhiều chính sách ưu đãi, tặng quà, hoàn tiền... để khuyến khích khách hàng tiếp cận và trải nghiệm thanh toán bằng thẻ JCB.
* Chủ thẻ JCB có những lợi ích khác biệt nào so với dòng thẻ Visa hay Mastercard?
- Là một thương hiệu Nhật Bản, JCB tập trung phát triển các ưu đãi liên quan đến Nhật như "Chương trình 100 nhà hàng" - giảm giá trực tiếp tại nhiều nhà hàng Nhật ở Việt Nam.
Ở Nhật Bản, chúng tôi cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt tại các cửa hàng và dịch vụ.
Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các đặc quyền thượng đỉnh - JCB Platinum Service - như: phòng chờ sân bay, dịch vụ golf, khách sạn/resort, ẩm thực cao cấp Diamond Dining và nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn khác tại Việt Nam.
* Được biết, JCB đang mở rộng kinh doanh và tập trung vào các giải pháp số để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Vậy những giải pháp công nghệ số nào sẽ được JCB áp dụng cho thị trường VN tới đây?
- Ngoài những hoạt động kể trên, JCB cũng đang dành rất nhiều sự quan tâm đến tương lai của chuyển đổi số. Năm 2021, chúng tôi đã thành lập bộ phận phát triển kinh doanh và sáng tạo Đông Nam Á tại Singapore để bắt kịp xu hướng và phát triển Fintech.
Ngoài ra, JCB đã đầu tư vào Soft Space để tối ưu hóa các cơ hội hợp tác kinh doanh. Và tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các công ty Fintech khác ở Việt Nam.
Tôi hy vọng những định hướng và chương trình của JCB và các đối tác của JCB sẽ luôn tạo động lực để khách hàng mở mới và luôn thoải mái, an tâm khi chi tiêu qua thẻ JCB.
* Hiện nay chiến lược của các ngân hàng đang là "bình dân hóa" thẻ tín dụng, thẻ không chỉ dành cho người thu nhập cao nữa mà người thu nhập trung bình cũng có thể mở thẻ tín dụng. JCB có tham gia vào cuộc đua này hay không?
- Chắc chắn rồi, Việt Nam là một trong những quốc gia được kỳ vọng tiếp tục phát triển với thế hệ trẻ vô cùng năng động.
Trong những năm gần đây, thanh toán không tiền mặt dần trở thành một hình thức thanh toán phổ biến của khách hàng cũng như doanh nghiệp bởi sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng cũng dần trở thành một công cụ thiết yếu trong cuộc sống.
Hiện nay, JCB đã và đang phát hành các dòng thẻ phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng như: Ultimate, Platinum, Gold, Standard. Bên cạnh thẻ tín dụng, một số ngân hàng cũng đã và đang phát hành thẻ ghi nợ.
Trong thời gian sắp tới, JCB sẽ tiếp tục đồng hành và góp phần xây dựng chiến lược với các đối tác và hiện thực hóa một xã hội không tiền mặt.
Dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề trong suốt năm 2021, nhưng nhìn ở góc độ tích cực khác, dịch bệnh đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thanh toán không tiền mặt nhờ sự an toàn, tiện lợi.