Italy cần 2 năm để từ bỏ khí đốt Nga
Loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì Italy đã “bỏ bê” sản xuất trong nước trong gần 8 năm.
Italy sẽ có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga chỉ trong khoảng 2 năm, ông Claudio Descalzi, CEO của Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Eni có trụ sở tại Rome, nói với nhật báo La Stampa.
Cho đến nay, Rome đã xoay sở để thay thế một phần khí đốt tự nhiên từ Nga bằng nhiên liệu từ các nhà cung cấp khác, ông Descalzi nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ nhật báo Italy.
Ông cũng cho biết thêm rằng khoảng 3/4 trong tổng số 40 triệu m3 khí đốt từ Nga hiện đã được thay thế bằng nguồn cung từ các nơi khác.
Theo vị CEO, loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga tất nhiên không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì Italy đã không chú trọng đầu tư vào sản xuất trong nước trong gần 8 năm.
“Trên hết, trong những tháng này, chúng tôi đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, loại bỏ sự phụ thuộc gây nguy hiểm cho sự ổn định của nguồn cung và giá cả”, ông Descalzi nói và nhận định rằng ông không mong đợi bất kỳ “cú sốc lớn” nào trên thị trường năng lượng trong năm nay.
CEO của Eni cho rằng Italy đạt được tiến bộ trong việc thay thế các nguồn cung từ Nga một phần là nhờ mối quan hệ lịch sử của Italy với các quốc gia như Ai Cập, Angola, Algeria, Congo, Mozambique, cũng như Libya - nơi Eni đang tiếp tục vận hành và sản xuất 70% khí đốt cho thị trường trong nước.
Italy phụ thuộc vào nhập khẩu gần 75% năng lượng. Trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022, quốc gia Nam Âu nhận 40% lượng khí đốt từ Nga. Do các lệnh trừng phạt đối với Moscow và vụ nổ đường ống Nord Stream 1, lượng nhập khẩu của Italy đã sụt giảm mạnh.
Vào tháng 10 năm ngoái, Eni cho biết, khí đốt Nga chỉ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của Italy. Để đa dạng hóa nguồn cung, Chính phủ Italy và Eni đã đồng ý tăng nhập khẩu từ các nước châu Phi.
Dữ liệu chính thức được công bố vào đầu năm nay cho thấy Italy hiện nhập khẩu khí đốt từ Algeria nhiều gấp đôi so với từ Nga .
Minh Đức (Theo RT, Reuters)