Italy ban hành quy định mới để giảm lượng khí đốt tiêu thụ
Italy vừa công bố các quy định mới nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá cả leo thang do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo quy định mới, nhiệt độ trong các tòa nhà công nghiệp được quy định ở 17 độ C và ở những nơi khác là 19 độ C, thấp hơn 1 độ C so với hướng dẫn hiện hành.
Ngoài ra, thời gian bật hệ thống sưởi cũng được rút ngắn, 1 giờ mỗi ngày và 15 ngày trong năm, trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm 15% năng lượng tiêu thụ từ ngày 1/8/2022-31/3/2023. Tuy nhiên, các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường tiểu học và nhà trẻ, cũng như các vùng phía Bắc sẽ được miễn áp dụng những biện pháp này.
Chính phủ sẽ giám sát mức độ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công cộng và khu dân cư để đánh giá hiệu quả của các biện pháp. Bộ Chuyển đổi Sinh thái Italy kêu gọi trách nhiệm cá nhân với "mục tiêu nhằm thúc đẩy hành vi có ý thức và thông minh”, không chỉ làm giảm nhu cầu về khí đốt mà còn giảm bớt hóa đơn điện.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, trước đó, ngày 2/9, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt then chốt cho châu Âu vì phát hiện rò rỉ dầu trên đường ống.
Thông báo của Gazprom gây sốc cho người tiêu dùng ở châu Âu trong bối cảnh mùa Đông sắp đến. Động thái trên còn đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên cao và làm giảm giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, bất chấp lục địa già đã chuẩn bị cho kịch bản này từ mùa hè.
Sau thông báo ngày 2/9 của Gazprom, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU dự kiến sẽ gặp nhau ngày 9/9 để thảo luận các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự gia tăng giá khí đốt và điện đang tác động đến ngành công nghiệp châu Âu và giá cả sinh hoạt.
Các biện pháp đề xuất là quy định mức trần giá khí đốt nhập khẩu, giá trần cho khí đốt sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời bỏ các nhà máy điện sử dụng khí đốt khỏi hệ thống giá điện của EU. Theo báo The Guardian , các nhà hoạch định chính sách của EU đang đứng trước áp lực phải hành động cùng nhau về năng lượng để đảm bảo sự ổn định của khối, tránh việc các nước trả giá quá cao để cạnh tranh mua khí đốt.
Bên cạnh đó, EU xác định các nước thành viên phải giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% từ ngày 1/8/2022 đến 31/3/2023 so với mức tiêu thụ trong mùa đông năm 2017 - 2021. Trách nhiệm được giao cho tất cả mọi người, từ cá nhân đến hộ gia đình , từ cơ quan chính quyền đến doanh nghiệp tư nhân với khẩu hiệu: "Khí đốt tiết kiệm trong mùa hè là để dành cho mùa đông".
Đức, Tây Ban Nha và nhiều nước đã đưa ra quy định về tiết kiệm năng lượng như cấm sưởi ấm bằng khí đốt tại các bể bơi gia đình, giảm chiếu sáng tại các địa điểm công cộng, hạn chế dùng điều hòa trong mùa hè, cấm các cửa hàng có hệ thống sưởi mở cửa liên tục... Nhiều nhà xưởng ở châu Âu điều chỉnh ca kíp để tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày.
Các nhà phân tích khẳng định, giảm tiêu thụ là biện pháp cần thiết để tránh thiếu khí đốt trong mùa đông và mùa xuân tới bên cạnh các giải pháp như tăng cường mua khí đốt từ các nhà cung cấp Trung Đông và Mỹ.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Tuổi Trẻ Online)