Ít nói chuyện với đồng nghiệp không phải tôi chảnh mà là hướng nội
Người hướng nội ít nói chuyện, không mấy giao tiếp với đồng nghiệp nên đôi khi bị mọi người đánh giá là chảnh, khó gần. Nhưng thực tế, người hướng nội rất tinh tế vì họ chịu khó lắng nghe, quan sát.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng những người không chịu giao lưu, trò chuyện cùng với đồng nghiệp là chảnh, chỉ biết đến mình mình. Thế nhưng, không phải khó gần mà đó chỉ đơn giản là người hướng nội. Họ là những người có xu hướng quan sát, lắng nghe nhiều hơn nên đôi khi không thể tránh khỏi bị hiểu lầm.
Áp lực vô hình khi cố gắng hòa nhập với đồng nghiệp
Ở đâu cũng sẽ có người này, người kia. Chẳng ai có thể giống tính ai cả. Ngay cả các bạn trẻ trong “Cột sống” Gen Z cũng có người hướng nội, người hướng ngoại. Người hướng nội thường chú trọng tới cách sống của bản thân. Họ cũng rất ít khi lên tiếng mà tỉ mỉ quan sát tất cả mọi thứ. Chính vì vậy mà nhiều người thường cảm thấy họ xa lánh đồng nghiệp. Tuy vậy mọi chuyện thực sự không phải như thế. Ngược lại, họ còn là những người có thể đưa ra những nhận định vô cùng tinh tế nhờ vào khả năng quan sát, lắng nghe kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, làm văn phòng nên không thể tránh khỏi việc giao lưu, trò chuyện cùng đồng nghiệp. Nên đôi khi, họ phải gồng mình lên, tỏ ra bản thân thoải mái, thân thiện. Chính những điều này làm cho họ dần cạn kiệt năng lượng và cảm thấy mất sức sau một ngày dài làm việc.
Anh Hạnh (28 tuổi, Hưng Yên) tâm sự: “Lúc mới đi làm mình vô cùng áp lực vì luôn phải cố gắng nói chuyện với mọi người. Không nói gì thì sợ bị bảo chảnh. Tuy nhiên, việc ngày khiến mình như bị hút sạch năng lượng. Vì vậy, sau một ngày đi làm, mình chỉ muốn ở nhà vào buổi tối, dành thời gian riêng cho bản thân để lấy lại năng lượng. Giờ thì đỡ hơn, mọi người biết mình không thích nói chuyện nên cũng không soi xét nhiều” .
Hướng nội không đồng nghĩa với chảnh, cùng không hề bài xích tập thể
Khi mới quen biết, người hướng nội luôn bị đánh giá là chảnh, thiếu thiện cảm. Thế nhưng, hướng nội với chảnh hoàn toàn khác nhau. Họ không hề bài xích tập thể mà không lên tiếng cũng chỉ vì không thấy hứng thú với chủ đề đó. Chắc chắn rằng, nếu đồng nghiệp cần tìm kiếm sự giúp đỡ, họ vẫn sẽ hỗ trợ nhiệt tình chứ không bao giờ qua loa, đại khái.
Đôi khi những lần gặp gỡ đầu tiên chẳng thể nói lên được tính cách của một con người. Tôi đã từng bị một số người đánh giá là lạnh lùng, khó gần. Cho đến khi họ cần sự giúp đỡ, được tôi hỗ trợ nhiệt tình. Lúc này, họ mới ngại ngùng thừa nhận: “Ngày trước mình thấy cậu ít nói, mặt lạnh tanh không cảm xúc nên không dám nói chuyện. Không nghĩ khi ngỏ lời giúp đỡ thì cậu đồng ý luôn”.
Có thể với một số người, những người hướng nội kiệm lời, lạnh lùng. Nhưng đó chỉ là bạn chưa cùng tần sóng với họ. Hơn nữa, giao tiếp là một kỹ năng, người hướng nội hoàn toàn có thể học hỏi, trau dồi để tốt lên. Họ sẽ thoải mái khi được ở một mình, tách biệt với mọi người nhưng nếu công việc, người khác thực sự cần, họ vẫn phát huy được tối đa sức mạnh.
Ngay cả những độc giả của YAN cũng sẽ có những người chỉ lặng lẽ đọc bài mà không để lại bất kỳ bình luận hay thả cảm xúc nào. Tuy nhiên, chúng ta không vì vậy mà nói rằng họ chảnh, khó ưa. Mỗi người đều có tính cách riêng, hãy để họ được sống đúng với bản chất. Miễn là họ không chơi xấu người khác thì hướng nội hay hướng ngoại đều tốt.
Mỗi người có một tính cách khác nhau, không ai giống ai. Có những người hoạt bát, hay nói nhưng cũng có người trầm lặng, ít giao du. Cũng chính vì sự ít nói, khó hòa nhập với đồng nghiệp mà một số người hướng nội bị hiểu lầm, bị đánh giá là chảnh chọe, khó gần. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chảnh và hướng nội hoàn toàn không có liên kết gì với nhau. Người hướng nội vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ người khác nếu có ai ngỏ lời xin sự trợ giúp. Họ không nói chuyện chỉ đơn giản là bởi vì họ không hứng thú với câu chuyện đó chứ không hề có ý bài xích.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !