Israel cấp thêm giấy phép lao động cho người Palestine
Israel sẽ cấp thêm 8.000 giấy phép làm việc cho người Palestine ở Dải Gaza, nâng tổng số lên 20.000 giấy phép.
Phát biểu tại buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đang có chuyến thăm Israel, Thủ tướng Naftali Bennett nhấn mạnh, Israel đang nỗ lực cải thiện cuộc sống của người Palestine tại Gaza và Bờ Tây.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với khoảng 2,3 triệu dân, tỉ lệ thất nghiệp tại Dải Gaza, hiện do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát, lên tới 48%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Bennett cũng thông báo Israel sẽ đầu tư 40 triệu Shekel (12,4 triệu USD) để nâng cấp cơ sở vật chất của cửa khẩu Erez giữa Israel và Gaza để tạo giao thông thuận tiện hơn.
Quyết định của Israel được đưa ra trong bối cảnh tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo sắp đến gần, trùng với kỳ nghỉ lễ Quá hải của người Do Thái và Phục sinh của Thiên chúa giáo. Bạo lực đã bùng phát trong tháng lễ Ramadan năm ngoài và các quan chức Israel lo ngại tình hình căng thẳng tương tự trong năm nay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/3 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah, Bờ Tây.
Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cam kết “xây dựng lại” mối quan hệ với chính quyền Palestine – vốn đã xấu đi nghiêm trọng dưới thời chính quyền tiền nhiệm Mỹ; nhấn mạnh theo đuổi giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel – Palestine kéo dài hàng thập kỷ.
Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng xác nhận điều quan trọng hiện nay là Mỹ nên theo đuổi giải pháp hai nhà nước: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng điều quan trọng là chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden phải theo đuổi giải pháp hai nhà nước, ngừng các hoạt động định cư trái phép của Israel, đảm bảo nguyên trạng của Khu đền thờ Al-Aqsa, ngăn chặn các hành động đơn phương của Israel và mở lại lãnh sứ quán Mỹ dành cho người Palestine tại Jerusalem”.
Xung đột Israel-Palestine vẫn luôn là một nút thắt lớn tại Trung Đông suốt nhiều năm qua. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với “thỏa thuận thế kỷ” công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, “bật đèn xanh” cho Israel sáp nhập đất đai ở khu Bờ Tây, ngừng giải ngân khoản viện trợ cho Palestine và đóng cửa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington đã đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đẩy các cuộc đàm phán Israel-Palestine rơi vào bế tắc.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, những thay đổi trong chính sách của Washington như ủng hộ trở lại đối với giải pháp hai nhà nước, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tăng cường viện trợ cho Palestine đã đem lại tia hy vọng hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bước đi cụ thể nào để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, nối lại các cuộc hòa đàm bế tắc nhiều năm qua, hay giải quyết các vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột liên quan tới khu định cư Do Thái, Đông Jerusalem hay hồi hương người tị nạn Palestine. Trong khi đó, mâu thuẫn âm ỉ giữa Israel và Palestine luôn có nguy cơ bùng phát đe dọa nền hòa bình ở Trung Đông mà ví dụ điển hình là cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas của Palestine ở dải Gaza hồi tháng 5/2021.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV, Quân đội nhân dân)