Iran khoe tên lửa siêu thanh đầu tiên, có thể vượt hệ thống phòng thủ của Mỹ và Israel
Iran tuyên bố tên lửa siêu thanh đầu tiên của nước này - Fattah - sẽ mang lại lợi thế quân sự cho Tehran nhờ khả năng cơ động và tốc độ gấp 15 lần vận tốc âm thanh.
Iran khoe tên lửa siêu thanh đầu tiên, có thể vượt hệ thống phòng thủ của Mỹ và Israel" src="http://media1.nguoiduatin.vn/m24/upload/2-2023/images/2023-06-06/Iran-he-lo-ten-lua-sieu-thanh-dau-tien-co-the-xuyen-thung-he-thong-phong-thu-cua-My-va-Israel-1-1686045924-363-width800height450.jpg?v=1686059101" />
Fattah - tên lửa siêu thanh đầu tiên của Iran - trong lễ ra mắt ngày 6/6. Ảnh: IRNA News
Truyền thông nhà nước Iran ngày 6/6 công bố hình ảnh tên lửa siêu thanh Fattah trong buổi lễ ra mắt có sự tham dự của Tổng thống Ebrahim Raisi và các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Tehran tuyên bố Fattah có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa nhờ tốc độ cao và khả năng cơ động.
"Tên lửa có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của Mỹ và Israel, trong đó có hệ thống Vòm Sắt", truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Theo Al Jazeera, Fattah có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 15 (hơn 5.100m/s, gấp 15 lần vận tốc âm thanh) và có tầm bắn 1.400km. Tên lửa siêu thanh này còn có khả năng cơ động cao.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei là người đặt tên cho tên lửa siêu thanh Fattah, với ý nghĩa "kẻ khai cuộc".
Tehran tuyên bố Fattah có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ và Israel. Ảnh: IRNA News
Amir Ali Hajizadeh, giám đốc hàng không vũ trụ của IRGC công bố tin tức về việc phát triển tên lửa siêu thanh Fattah vào tháng 11/2022 tại một sự kiện kỷ niệm ngày mất của Hassan Tehrani Moghaddam - người được coi là cha đẻ của công nghệ tên lửa Iran.
Thời điểm đó, ông Hajizadeh đã tuyên bố Fattah đại diện cho "bước nhảy vọt thế hệ" với công nghệ tên lửa Iran khi nó có thể cơ động bên trong, bên ngoài khí quyển và xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
"Fattah không thể bị phá hủy bởi nó di chuyển linh động theo nhiều hướng khác nhau và ở nhiều độ cao khác nhau", ông Hajizadeh lặp lại tuyên bố ngày 6/6.
Phương Tây và Israel nhiều lần bày tỏ lo ngại về chương trình tên lửa của Iran, cho rằng tên lửa đạn đạo của Tehran có khả năng được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân - điều mà Iran phủ nhận đang theo đuổi.
Tên lửa siêu thanh là các loại tên lửa di chuyển với tốc độ gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh và có thể điều khiển được. Điều này khiến chúng khó bị các hệ thống phòng thủ và radar ngăn chặn.
Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên được cho là các quốc gia đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh nhưng thông tin chi tiết về loại vũ khí này vẫn còn rất ít.
Nguyễn Thái - Al Jazeera