Iran đang giúp Nga dự trữ khối lượng lớn máy bay không người lái

Chia sẻ Facebook
29/07/2023 01:13:15

Các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo về khả năng Nga đang xây dựng một cơ sở sản xuất máy bay không người lái trong nước với sự trợ giúp từ Iran.

Trong cuộc họp báo với một nhóm nhỏ các phòng viên hôm thứ Sáu, các nhà phân tích từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết, cơ sở sản xuất máy bay không người lái đang được xây dựng kỳ vọng sẽ mang lại cho Nga một khối lượng máy bay không người lái “lớn hơn nhiều lần” so với số lượng mà quốc gia này đã mua của Iran từ trước tới nay.

Sau khi cơ sở này hoàn thiện (rất có thể là trước năm 2024), những máy bay không người lái mới có thể mang lại ảnh hưởng rất lớn cho cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga. Trong tháng 4, chính phủ Mỹ đã đưa ra một ảnh chụp vệ tinh về địa điểm, nơi nhà máy sản xuất máy bay không người lái này sẽ được xây dựng. Địa điểm này nằm trong Đặc khu Kinh tế Alabuga của Nga, cách thủ đô Moscow khoảng 600 dặm về phía Đông. Các nhà phân tích cho biết, Iran đã liên tục cung cấp thiết bị giúp Nga thực hiện xây dựng cơ sở này.

DIA cũng cho biết thêm, tới thời điểm hiện tại, nhiều tín hiệu cho thấy, Iran đã cung cấp cho Nga khoảng 400 máy bay Shahed-131, 136 và Mohajer.

Các bộ phận từ một máy bay không người lái do Iran sản xuất được thu thập từ Ukraine. Ảnh: Văn phòng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ về Truyền thông Doanh nghiệp.

Một quan chức cấp cao của DIA cho biết, quân đội Nga sử dụng các máy bay này chủ yếu nhằm tấn công những cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và gây áp lực lên hệ thống phòng không của Ukraine. Iran đã vận chuyển các máy bay không người lái, đạn dược và đạn pháo cối cho Nga qua biển Caspi, thường sử dụng các tàu vận chuyển “tối” hoặc đã tắt dữ liệu định vị nhằm tránh bị phát hiện vị trí.

Chính phủ Mỹ đã thu thập và phân tích nhiều máy bay không người lái bị bắn hạ tại Ukraine và các quan chức cho biết, có nhiều “bằng chứng không thể chối cãi” cho thấy, các máy bay này được sản xuất bởi Iran, mặc dù chính quyền Tehran liên tục bác bỏ các cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

Từ trái qua phải: Shahed-101, các mảnh vỡ từ Shahed-131 thu thập tại Ukraine vào mùa thu năm 2022, và một Shahed-131 thu thập từ Iraq năm 2022. Ảnh: Văn phòng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ về Truyền thông Doanh nghiệp.

Các nhà phân tích của DIA trưng bày những mảnh vỡ từ máy bay không người lái được thu thập từ Ukraine trong năm 2022 ở buổi họp báo vào hôm thứ Sáu, và so sánh chúng với các mảnh máy bay do Iran sản xuất được thu thập từ Iraq trong năm 2022.

Một trong các máy bay được thu thập từ Ukraine chỉ còn phần cánh và động cơ còn nguyên vẹn một phần. Tuy nhiên, khi so sánh về kích cỡ và hình dạng, đây có vẻ là một máy bay Shahed-131, mẫu máy bay mà Iran sản xuất được thu thập từ Iraq. Các nhà phân tích đã có thể tháo bộ phận một máy bay và dễ dàng lắp chúng vào chiếc còn lại, thể hiện rằng chúng gần như “không thể phân biệt được” về mặt thiết kế.

Những bộ phận máy bay khác được thu thập từ Ukraine gần như y hệt các bộ phận máy bay do Iran sản xuất được thu thập từ Iraq. Điểm khác biệt duy nhất là các bộ phận máy bay thu thập từ Ukraine mang các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Nga. Một cụm từ được viết lên một bộ phận trong số đó có thể được dịch là “vì ông cha” trong tiếng Nga, một cụm từ gợi về cuộc chiến chống Phát Xít của Nga trong Thế Chiến II.

Các nhà phân tích cho biết, họ cho phép các nhà báo chứng kiến tận mắt những bộ phận máy bay này vì muốn mang lại cho các nhà lập chính sách và công chúng “một bằng chứng không thể chối cãi” về việc máy bay của Iran đang được Nga sử dụng tại Ukraine.

Bộ phận từ máy bay của Iran thu thập từ Iraq (trái) và từ Ukraine (phải). Ảnh: Văn phòng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ về Truyền thông Doanh nghiệp.

Chính phủ Mỹ cũng muốn nâng cao nhận thức để các công ty phương Tây kiểm soát tốt hơn nguồn cung ứng của họ và phát hiện các dấu hiệu cho thấy các bộ phận của họ đang bị sử dụng trái phép để sản xuất máy bay không người lái. Chính quyền Tổng thống Biden đã tổ chức một nhóm đặc nhiệm trong năm vừa rồi nhằm điều tra nguyên nhân các bộ phận từ các nước phương Tây, bao gồm các bộ phận vi điện tử sản xuất tại Mỹ, bị sử dụng để sản xuất các máy bay của Iran sử dụng tại Nga.

Về phần mình, chính quyền Tehran đã hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian trong tháng 10 vừa rồi đã khẳng định: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã không và sẽ không cung cấp bất kỳ vũ khí nào được sử dụng tại Ukraine”. Trong tháng 11, ông Amir-Abdollahian xác nhận, Iran đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga, nhưng cũng khẳng định lượng máy bay này đã được cung cấp nhiều tháng trước khi cuộc chiến nổ ra.

Trong thứ Sáu, một quan chức cấp cao của DIA cho biết, các nhà phân tích ban đầu đã nhận thấy tín hiệu về quan hệ hợp tác quân sự nâng cao giữa Nga và Iran vào tháng 4/2022. Trong tháng 7/2022, chính quyền Nhà Trắng cho biết, Iran đang chuẩn bị cung cấp máy bay không người lái cho Nga.

DIA cũng đã trưng bày một mẫu máy bay Shahed-101 do Iran sản xuất được thu thập từ Iraq, một mẫu máy bay nhỏ hơn và nhẹ hơn so với máy bay Shahed-131 và chưa từng được trưng bày trước công chúng. Các nhà phân tích cho biết, chính quyền Iran rất có thể sẽ chuyển sang cung cấp máy bay Shahed-101 cho Nga vì chúng nhỏ gọn hơn và dễ vận chuyển hơn.

Chính phủ Mỹ trong năm 2022 đã nhận được thông tin tình báo về việc Iran đang cân nhắc cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga, tuy nhiên theo một nhà phân tích, kế hoạch này có vẻ đã “tạm được hoãn lại”.

Iran có lợi từ việc cung cấp vũ khí cho Nga vì bằng cách này, Iran có thể thể hiện tính năng của chúng cho các bên mua quốc tế, cũng như nhận được các khoản tiền và hỗ trợ từ Nga cho chương trình tên lửa và không gian của họ. Tuy nhiên, quyết định cung cấp tên lửa đạn đạo sẽ là một quyết định leo thang “khổng lồ” về quan điểm hậu thuẫn của Iran đối với cuộc chiến của Nga. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tehran có sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó vào thời điểm này trong cuộc xung đột hay không.


Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Chia sẻ Facebook