Iran chỉ trích các nước phương Tây hành động "vô trách nhiệm"
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi chỉ trích việc Mỹ và các nước Anh, Pháp, Đức trình nghị quyết chống Tehran lên Ban giám đốc IAEA là hành động "vô trách nhiệm" .
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 4/7 chỉ trích việc Mỹ cùng các nước Anh, Đức, Pháp trình nghị quyết chống Tehran lên Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là hành động "vô trách nhiệm" trong bối cảnh đàm phán hạt nhân vẫn đang được tiến hành.
Phát biểu trong cuộc gặp với Đại sứ mới của Thụy Sỹ tại Iran Nadine Olivieri Lozano, ông Raisi cho rằng, động thái này "vi phạm tinh thần đàm phán và thỏa thuận", đồng thời cho thấy “cách hành xử mâu thuẫn của 4 nước".
Theo nhà lãnh đạo Iran, Mỹ cần quyết định có nên duy trì cam kết với các yêu cầu đàm phán và thỏa thuận hay không, đồng thời lưu ý, Washington và các nước châu Âu "đang đánh giá sai lầm về Tehran".
Tháng 6 vừa qua, Ban Giám đốc IAEA đã thông qua nghị quyết chống Iran do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đệ trình sau khi cơ quan này đưa ra báo cáo cho rằng Tehran "chưa cung cấp những giải thích kỹ thuật đáng tin cậy" về số urani xuất hiện tại 3 cơ sở chưa được công bố.
Các quan chức Iran đã bác bỏ báo cáo trên, khẳng định Tehran không giấu giếm bất kỳ hoạt động hạt nhân nào. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết, Tehran không có hoạt động hạt nhân bí mật nào, đồng thời khẳng định báo cáo của IAEA là “vô căn cứ” và nhằm gây áp lực đối với Tehran.
Ông Eslami khẳng định: “Không có chỗ cho vũ khí hạt nhân trong chiến lược của Iran. Những gì chúng tôi nghe được hoàn toàn là các cáo buộc vô căn cứ. Bất kể số phận của thỏa thuận hạt nhân như thế nào, Tehran cũng sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình ”.
Đáp trả nghị quyết của IAEA, Iran thông báo dỡ bỏ hàng chục camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân, khiến các thanh sát viên không thể theo dõi hoạt động làm giàu urani của Tehran.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng, “đây sẽ là một đòn giáng mạnh” vào tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc ký năm 2015, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019. Từ tháng 4/2021, các bên bắt đầu đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận thông qua việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận, tuy nhiên đàm phán đình trệ kể từ tháng 3 năm nay.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân dân)