Iran bắt giữ các diễn viên vì cởi bỏ khăn trùm đầu và ủng hộ biểu tình
Theo truyền thông nhà nước Iran, chính quyền đã bắt giữ hai nữ diễn viên nổi tiếng vì bày tỏ tình đoàn kết với phong trào biểu tình và cởi bỏ khăn trùm đầu của họ ở nơi công cộng.
Embed from Getty Images
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin, nữ diễn viên kiêm dịch giả nổi tiếng Hengameh Ghaziani và nữ diễn viên Katayoun Riahi đều bị bắt giữ sau khi bị các công tố viên triệu tập để điều tra các bài đăng “kích động” của họ trên mạng xã hội.
Giới lãnh đạo giáo sĩ của Iran đã bị bất ngờ bởi các cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng trên toàn quốc sau cái chết của cô Mahsa Amini trong khi bị cảnh sát giam giữ. Cô Mahsa, một phụ nữ trẻ 22 tuổi gốc người Kurd, đã bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ vì đội khăn trùm đầu không đúng cách trong chuyến tham quan thủ đô Tehran.
Chính quyền của nước cộng hòa Hồi giáo mô tả các cuộc biểu tình là “bạo loạn” và cáo buộc “kẻ thù phương Tây” đã xúi giục những người biểu tình.
Hôm thứ Bảy (19/11), nữ diễn viên Ghaziani đã đăng một video trên Instagram về cảnh cô cởi bỏ khăn trùm đầu. Đồng thời cô lưu ý: “ Có lẽ đây là bài đăng cuối cùng của tôi.”
“Từ giờ phút này trở đi, cho dù bất cứ điều gì xảy ra đối với tôi, hãy luôn nhớ rằng, tôi sẽ ở bên người dân Iran cho đến hơi thở cuối cùng.”
Đoạn video cho thấy nữ diễn viên Ghaziani đối mặt với máy quay mà không nói gì, sau đó quay đầu lại và buộc tóc mình thành kiểu đuôi ngựa.
Trong một bài đăng vào tuần trước , cô cáo buộc chính phủ Iran là “sát nhân trẻ em” khi tàn sát hơn 50 trẻ em.
Theo truyền thông nhà nước Iran, cô bị bắt vì tội kích động và ủng hộ “bạo loạn” cũng như liên lạc với truyền thông đối lập.
Theo IRNA, sau đó nữ diễn viên Riahi cũng bị bắt giữ như một phần trong cuộc điều tra tương tự.
Nữ diễn viên Riahi đã xuất hiện trong nhiều bộ phim và nhận được nhiều giải thưởng khác nhau. Cô cũng là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Quỹ từ thiện Komak và là đại sứ của Quỹ Mehrafarin tại Iran. Hồi tháng 9, khi trả lời phỏng vấn với Đài Truyền hình Quốc tế Iran đặt tại London, một hãng truyền thông bị chính quyền Tehran lên án, cô đã không mang khăn trùm đầu.
Cô đã bày tỏ tình đoàn kết với các cuộc biểu tình nổ ra khắp Iran kể từ sau cái chết của cô Mahsa Amini. Cô cũng phản đối việc bắt buộc đội khăn trùm đầu.
Tổ chức Nhân quyền Iran cho biết, cuộc đàn áp của nhà nước Iran đã khiến ít nhất 378 người thiệt mạng, trong đó có 47 trẻ em.
Các nhà chức trách Iran đã tuyên án tử hình 6 người vì đã tham gia các cuộc biểu tình, trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay, ít nhất 21 người đã bị chính quyền buộc tội với các tội có thể dẫn đến án tử hình.
Chiến dịch bắt giữ hàng loạt của chính quyền Iran đã khiến các vận động viên thể thao, những người nổi tiếng và các nhà báo có hành động phản kháng.
Truyền thông Iran đưa tin, ông Yahya Golmohammadi, huấn luyện viên của một trong những đội bóng đá nổi tiếng nhất của Iran, câu lạc bộ Persepolis FC, nằm trong số những nhân vật nổi tiếng bị cảnh sát thẩm vấn về các bài bình luận về các cuộc biểu tình.
Anh Hossein Soori, lãnh đạo liên đoàn quyền anh Iran, cho biết, anh sẽ không trở về nhà sau một giải đấu ở Tây Ban Nha.
Trong một video hôm 19/11, anh tuyên bố: “Tôi không còn phục vụ đất nước thân yêu của mình trong một hệ thống quá dễ dàng giết chết con người.”
Tại World Cup bóng đá ở Qatar, đội trưởng đội tuyển quốc gia Iran, cầu thủ Ehsan Hajsafi, nhấn mạnh, các cầu thủ Iran muốn trở thành “tiếng nói” của người dân ở quê nhà. “Tình hình trong nước không tốt và người dân chúng tôi không hạnh phúc.”
Gia Huy (theo The Guardian)
Iran tuyên bố ban hành bản án tử hình đầu tiên đối với người biểu tình
Bộ tư pháp Iran hôm Chủ nhật (13/11) cho biết đã đưa ra bản án tử hình đầu tiên liên quan đến các cuộc biểu tình gây chấn động giới lãnh đạo giáo sĩ của…