Internet đang cố che giấu điều gì khỏi người dùng?
Internet là kho tàng kiến thức toàn diện nhất mà con người từng có, nhưng sự đồ sộ đó là đặc ân hay độc hại? Nguồn thông tin quá rộng lớn thì có bị giảm giá trị không? Thông tin có giá trị bị chôn vùi bao nhiêu lớp dưới những dữ liệu vô bổ?
Trên báo New York Times , cây bút xã luận Rahad Manjoo đặt vấn đề: Giả sử ta tìm kiếm một người nổi tiếng, một người có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng hay một chính trị gia hoặc một chuyên gia, thì câu trả lời mà ta nhận được có phải một bức tranh tổng thể về cuộc đời của người đó hay một bức tranh trừu tượng méo mó?
Đây không còn là những câu hỏi quá mới mẻ trong kỷ nguyên Internet bùng nổ và mạng xã hội chiếm lĩnh thế giới như hiện tại. Tất nhiên, câu trả lời cho chúng sẽ tiếp tục thay đổi khi Internet thay đổi.
Hiện tại, Google ưu tiên hiển thị các kết quả tìm kiếm của mình theo ba tiêu chí:
1. Theo trình tự thời gian: Google tập trung nhiều hơn vào việc làm nổi bật thông tin từ hiện tại khiến các sự kiện trong quá khứ trở nên khó xuất hiện hơn.
2. Theo xu hướng đám đông: Google sẽ ưu tiên hiển thị các tin tức đang được người dùng quan tâm nhiều hoặc những chủ đề "nóng hổi".
3. Theo túi tiền: Với một khoản tiền nhất định, ai cũng có thể khiến Google hiển thị những gì họ muốn về bản thân họ, về tổ chức của họ...
Thuật toán tìm kiếm của Google ưu tiên nội dung được đăng gần đây nhất thay vì các nội dung cũ hơn, ngay cả khi nội dung cũ hơn cung cấp một câu chuyện toàn diện hơn. Tất nhiên là không ai muốn đọc những tin tức cũ mèm. Nhưng nếu ta tìm kiếm một người có tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quá dày đặc, thì kết quả sẽ không mấy có giá trị.
Hãy thử tìm kiếm Elon Musk trên Google. Kết quả đầu tiên là trang Wikipedia của ông ấy, tiếp theo là các đường liên kết đến phương tiện truyền thông xã hội và tiểu sử công ty của ông ấy. Và cuối cùng là các bài báo về vị tỉ phú công nghệ này.
Tại thời điểm viết bài, xu hướng của dư luận đang hướng đến các hành động pháp lý trong nỗ lực hoàn tác việc mua Twitter của Elon Musk, bên cạnh đó là nỗ lực của Tesla trong việc ngăn phát tán các video clip với nội dung về những chiếc xe hơi của họ va chạm với manơcanh cỡ trẻ em; vào thời điểm bạn đọc tra cứu Google cái tên Elon Musk thì kết quả có thể đã chuyển sang các nội dung khác.
Nhưng đối với một "cỗ máy gây tranh cãi" như Elon Musk, việc Google cho ra kết quả là những bài báo nóng hổi nhất có thực sự hữu ích cho người tìm kiếm? Điều gì sẽ xảy ra nếu điều mới nhất không phải là điều quan trọng nhất?
Ba trang kết quả tìm kiếm đầu tiên trên Google không cho ra bất kỳ tin tức nào liên quan đến các bài báo được xuất bản vào tháng 5 năm nay, với nội dung một tiếp viên nữ của SpaceX tố cáo Elon Musk đã có những hành động quấy rối tình dục đối với cô, sau đó vị tỉ phú đã bị phạt một khoản tiền là 250.000 USD cho hành động khiếm nhã của mình.
Cũng không có nhiều thông tin về các cuộc chiến đấu khác nhau của Elon với Ủy ban Chứng khoán và giao dịch, hay lần Elon Musk gọi người đàn ông đã giúp giải cứu 12 cậu bé bị mắc kẹt trong một hang động ở Thái Lan là "yêu râu xanh".
Rõ ràng là Elon Musk chẳng hề quan tâm đến chuyện này, vì ông ấy thừa biết chỉ cần ông ấy đăng thêm nhiều nội dung gây tranh cãi hơn thì mọi người sẽ quên dần những nội dung cũ.
Chuyện trở nên tồi tệ hơn nhiều khi bắt đầu có những người, hay một tổ chức nào đó cố gắng định hướng dư luận. Ví dụ thực tế nhất có thể kể đến là vụ kiện gần đây giữa nam tài tử Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard.
Nếu chăm chỉ lướt qua Twitter, YouTube hoặc TikTok trong khoảng thời gian đó, người dùng sẽ thấy tràn ngập loạt ảnh chế, video clip hay các bài đăng châm biếm về việc Amber Heard là một con người khủng khiếp, còn Johnny Depp thì chính trực!
Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến việc ai đúng ai sai, vì rõ ràng là "không có bông tuyết nào trong sạch cả", nhưng có thể dễ dàng nhận thấy ngay sự điều hướng dư luận trong việc liên tục xuất hiện lặp đi lặp lại các bài đăng phỉ báng Amber Heard. Còn các bài đăng mang xu hướng trung lập thì phải tìm kiếm mới có thể được nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên do của việc này nhiều khả năng là do các nền tảng đã bị tấn công bởi các con bot .
Các nền tảng mạng xã hội cho biết họ liên tục chống lại các chiến dịch có tổ chức như vậy. Tuy nhiên, nỗ lực của họ không rõ ràng và thậm chí là nửa vời, vì bot là một loại tương tác và tương tác là một dịch vụ làm ra tiền cho các nền tảng, thế nên có rất ít lý do để thực sự chống lại điều đó.
Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho YouTube là đã không mô tả một bức tranh công bằng hơn, ít bị thao túng hơn về trường hợp kiện tụng Depp - Heard khi các video clip ủng hộ Johnny Depp thu hút được lượng người tương tác nhiều hơn.
Đừng quá tin tưởng vào những thứ chúng ta đọc được trên Internet, vì không điều gì chắc chắn rằng không gian ảo này sẽ cung cấp một câu chuyện tổng quan nhất về những gì đang xảy ra trên thế giới. Và đối với bất kỳ câu chuyện nào, không ai có thể biết được đâu là bề nổi, đâu là bề chìm của tảng băng.